Kim Thạch Mùa Lúa Chín

Chưa có năm nào ở thời điểm này, nhiều diện tích lúa trên địa bàn xã Kim Thạch (Vị Xuyên) lại sớm khoe sắc vàng, báo hiệu mùa lúa chín...
Sắc vàng của lúa uốn mình quanh con đường trải bê-tông liên xã, như tô điểm cho bức tranh Kim Thạch thêm lộng lẫy, đủ đầy, no ấm
Bên cánh đồng thôn Bản Thẳm, chị Nguyễn Thị Hòa vẫn luôn tay gặt, dù biết có người đang trò chuyện với mình... Sự mải miết ấy được chị giải thích một cách ấn tượng: “Chưa năm nào gia đình tôi lại được gặt lúa chín vào thời điểm này. Lúa chín sớm quá!. Không vui, không nhanh tay gặt làm sao được!”.
Trước kia, gia đình chị Hòa còn hoài nghi các giống lúa lai mà cơ quan chuyên môn khuyên dùng, thì nay, khi thấy nhiều người trong xã chuyển đổi cơ cấu giống vụ Xuân thành công, gia đình chị mới quyết tâm “theo làng một chuyến”.
Sự quyết tâm ấy nhanh chóng trở thành niềm vui khi chị Hòa nhận định: Giống lúa Việt Lai 20 mà gia đình đã cấy, nhanh cho thu hoạch. Hạt thóc chắc hơn so với một số giống lúa thuần mà gia đình chị trồng từ trước đó.
Niềm vui ngày mùa, cùng sự miệt mài lao động trên những cánh đồng lúa chín sớm của bao nông hộ vào thời điểm này, chính là “bước ngoặt” đánh dấu sự chuyển biến tích cực trong thay đổi cơ cấu mùa vụ một cách đồng bộ, trên địa bàn xã Kim Thạch.
Nhiều năm về trước, lúa bào thai vẫn là cơ cấu giống chủ yếu, làm giảm năng suất lúa của xã thì gần đây, cuộc “cách mạng”: “Nói không với lúa bào thai” được chính quyền địa phương triển khai quyết liệt và mạnh mẽ. Theo đó, tất cả các cán bộ, đảng viên phải là những người làm gương, tiên phong thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, để khuyến khích người dân cùng thực hiện.
Đồng thời, vận động người dân đẩy mạnh áp dụng khoa học, kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất. Thực hiện gieo cấy đúng khung lịch thời vụ để mang lại hiệu quả kinh tế cao. “Nếu đảng viên không chấp hành nghiêm túc sẽ bị phê bình, nhắc nhở trước Chi bộ”, Chủ tịch HĐND xã Kim Thạch, Hoàng Quang Cảnh nhấn mạnh.
Với sự “mạnh tay” của chính quyền địa phương mà vụ Xuân năm nay, cả xã Kim Thạch với 90 ha lúa đã đồng loạt chuyển sang trồng các giống lúa lai ngắn ngày, cho năng suất, chất lượng cao như: GS9, Nhị ưu 838 hoặc lúa Việt Lai 20,... Trên 95% diện tích lúa của xã được đầu tư thâm canh nhằm tăng năng suất, chất lượng cây trồng.
Cùng với đó, những diện tích lúa của xã Kim Thạch tập trung phần nhiều ở hai bên đường bê-tông liên xã nên rất thuận tiện cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Hiện nay, xã Kim Thạch có trên 200 đầu máy kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp, giúp người nông dân vơi bớt sự nhọc nhằn khi phải dốc sức lao động cho những mùa vụ.
Kể từ ngày 25.5 đến 5.6, những diện tích lúa đã cho thu hoạch được người dân trong xã nhanh chóng làm đất gieo mạ, nhằm đảm bảo tiến độ sản xuất vụ Mùa đúng khung lịch thời vụ. Và khi vụ Mùa được đẩy nhanh tiến độ, đồng nghĩa với việc, đây sẽ là năm đầu tiên xã Kim Thạch thực sự bước vào sản xuất cây trồng vụ Đông một cách rõ nét nhất.
Bởi: “Trước đây, cả xã gần như bỏ vụ Đông nên cuộc sống của bà con trên mảnh đất thuần nông này vẫn còn chật vật. Do vậy, xã quyết tâm đưa sản xuất cây trồng vụ Đông trở thành vụ chính trong năm, để cuộc sống của người dân từng bước được cải thiện”, Phó Chủ tịch HĐND xã Kim Thạch Nguyễn Văn Khánh chia sẻ.
Đến thời điểm này, trên địa bàn xã Kim Thạch, bên cạnh diện tích lúa trà xuân muộn đang trong giai đoạn đỏ đuôi thì những trà xuân chính vụ mang tên lúa lai GS9, Nhị ưu 838... đã khoác lên mình màu vàng lúa chín, như xóa đi sự nhọc nhằn, khắc khổ trên khuôn mặt người nông dân, trước nỗi truân chuyên ruộng đồng.
Nếu so với những năm trước, khi chưa chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, năng suất lúa của xã chỉ đạt mức 48 tạ/ha thì nay, năng suất các loại giống lúa lai có thể đạt năng suất từ 58 đến trên 62 tạ/ha. Và đây thực sự là tín hiệu vui cho sự nỗ lực của chính quyền địa phương, để Kim Thạch thêm rộn rã những mùa vàng no ấm...
Khi nắng chiều nhẹ buông trên cánh đồng quê Kim Thạch, là lúc chiếc liềm trên tay người phụ nữ thêm thoăn thoắt, thu bông lúa trĩu hạt cho kịp ánh chiều; là tiếng máy tuốt rộn vang, thả hạt thóc vàng trong đôi mắt ngời sáng cùng nụ cười hạnh phúc của bao người; là lúc đàn trâu thảnh thơi gặm những gốc rạ ngả vàng, còn vương mãi mùi thơm đặc trưng của mùa lúa chín...
Có thể bạn quan tâm

Chúng tôi thật ấn tượng khi đến thăm trại nuôi bồ câu Pháp của nữ cử nhân Trương Thị Thùy Nhung (32 tuổi), trú tại thôn 2A, xã Điện Nam Bắc, huyện Điện Bàn (Quảng Nam).

Hiện nghêu được thương lái thu mua với giá từ 20.000-22.000 đồng/kg, tăng hơn 4.000 đồng/kg so với tháng trước. Với giá này, mỗi ha nghêu năng suất 20 tấn cho giá trị hơn 400 triệu đồng, nên người nuôi rất phấn khởi.

Đậu đỏ (có nơi gọi đậu gạo) trước đây trồng phổ biến ở các huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân (Phú Yên). Thế nhưng do ảnh hưởng khí hậu nên loại cây trồng này liên tiếp bị mất mùa, bây giờ ở nhiều nơi không còn bóng dáng cây đậu đỏ.

Từ khi chuyển từ trồng lúa sang trồng màu, Tổ hợp tác (THT) trồng rau an toàn ấp Đai Tèn, xã Lương Hoà A, huyện Châu Thành (Trà Vinh) đã giúp cho nhiều hộ Khmer cải thiện cuộc sống và góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.

Tiền Giang được mệnh danh là “vương quốc” trái cây. Lợi thế này của tỉnh càng có điều kiện phát triển khi có Viện Cây ăn quả miền Nam đứng chân trên địa bàn. Từ khi thành lập, việc hợp tác giữa Viện và các cơ quan chức năng của tỉnh luôn được quan tâm, gắn bó chặt chẽ, góp phần củng cố, nâng vị thế “vương quốc” trái cây của địa phương.