Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Kiểm soát bệnh chết nhanh trên cây tiêu

Kiểm soát bệnh chết nhanh trên cây tiêu
Ngày đăng: 29/06/2015

Để phòng ngừa bệnh "chết nhanh" trên cây tiêu, bà con nông dân cần chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật. Trong ảnh: Chăm sóc vườn tiêu tại xã Láng Lớn (huyện Châu Đức).

Theo thống kê của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT-BVTV), tại 7 tỉnh thuộc Tây Nguyên và Đông Nam Bộ (Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, BR-VT, Bình Thuận), nơi chiếm 85% tổng diện tích trồng hồ tiêu toàn quốc, bệnh “chết nhanh” trên tiêu là bệnh đáng sợ hàng đầu ở các nhà vườn trồng tiêu. Bệnh do loài nấm Phytophthora palmivora sống dưới đất gây nên. Loài nấm này thích nước, do đó bệnh phát triển mạnh và lan tràn trong mùa mưa, nhất là giai đoạn giữa và đến cuối mùa mưa.

Theo Chi cục TT-BVTV, trên địa bàn tỉnh BR-VT có hơn 9.000ha tiêu, xếp thứ 4 trên cả nước về diện tích. Từ đầu năm đến nay có khoảng 20ha tiêu nhiễm bệnh “chết nhanh”, xảy ra tại các huyện: Tân Thành, Châu Đức và Xuyên Mộc. So với năm 2014, bệnh này giảm khoảng 40 - 50%. Từ nhiều năm nay, bệnh tiêu “chết nhanh” chỉ xuất hiện cục bộ và được người dân phòng trừ kịp thời. Ông Vũ Đình Thắng, xã Xà Bang (huyện Châu Đức) cho biết, sau khi tham gia lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng và chăm sóc cây tiêu, ông đã áp dụng giải pháp bón phân cân đối, đồng thời cải tạo hệ thống thoát nước phù hợp với vườn tiêu của mình.

Theo kinh nghiệm của ông Thắng, bệnh xảy ra trên cây tiêu phần lớn là do không tuân thủ đúng theo quy trình canh tác theo hướng hữu cơ sinh học. Ông Thắng cũng chỉ ra một số biện pháp cơ bản có tác dụng hạn chế sự phát sinh và lây lan của bệnh như: Không xới đất vườn tiêu trong mùa mưa, đánh rãnh thoát nước sâu (2 hàng tiêu 1 rãnh thoát nước) để khi mưa, nước thoát nhanh, không chảy tràn cả vườn dễ lây bệnh. Tăng cường bón phân hữu cơ cho cây, hạn chế tạo bồn ở gốc tiêu để không úng nước mùa mưa, dùng thuốc Trichoderma để phòng ngừa nấm bệnh…

Hiện Chi cục TT-BVTV cũng đưa ra khuyến cáo, để phòng trừ bệnh có hiệu quả cần áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp một cách thường xuyên, bao gồm việc chọn đất và thiết kế vườn, chế độ chăm sóc và các biện pháp tiêu diệt nguồn nấm bệnh. Đất trồng tiêu cần tơi xốp, có nguồn nước tưới trong mùa khô và thoát nước nhanh trong mùa mưa. Sau đợt mưa lớn không để vườn đọng nước lâu. Chế độ chăm sóc chủ yếu là thường xuyên vệ sinh vườn cây và bón phân hữu cơ nhằm làm đất tơi xốp, đồng thời sinh ra các chất kích thích sự phát triển của bộ rễ làm cây sinh trưởng khỏe mạnh. Ngoài ra, dùng thuốc hóa học tiêu diệt nguồn nấm bệnh là yêu cầu quan trọng không thể thiếu trong việc phòng trừ bệnh.

Mới đây, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cũng đã triển khai dự án khuyến nông “Xây dựng mô hình phòng trừ tổng hợp bệnh chết nhanh, chết chậm hồ tiêu tại Tây Nguyên và Đông Nam Bộ”. Dự án này sẽ được thực hiện tại 6 tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ trong đó có BR-VT với kinh phí gần 10 tỷ đồng. Dự án sẽ triển khai mỗi tỉnh 1 mô hình gồm 12ha, mỗi mô hình gồm 3 điểm trình diễn cố định trong 3 năm và sẽ được thực hiện từ nay cho đến năm 2017.

Triệu chứng điển hình của bệnh nhiễm nấm Phytophthora palmivora là cây đang sinh trưởng bình thường, xanh tốt thì đột nhiên lá biến sang màu vàng rồi rụng hàng loạt, sau đó các đốt thân cũng bị thâm đen và rụng. Vì vậy, người trồng tiêu gọi bệnh này là “bệnh chết nhanh”. Hiện tượng rụng lá và đốt thường bắt đầu từ ngọn trở xuống và xảy ra tương đối nhanh chóng, chỉ sau một vài tháng cả cây tiêu héo chết. Nhổ gốc lên thấy bộ rễ bị thối đen, gốc thân cũng bị thối. Khi đã thấy lá vàng và rụng là bộ rễ đã bị nấm phá hại nhiều không thể cứu chữa được. Bệnh phát triển nhiều ở những nơi đất kém tơi xốp, ít chất hữu cơ và chậm thoát nước.


Có thể bạn quan tâm

Rà Soát Các Chương Trình Nông Nghiệp Để Phân Bổ Kinh Phí Hợp Lý Rà Soát Các Chương Trình Nông Nghiệp Để Phân Bổ Kinh Phí Hợp Lý

Nhiều vấn đề được đặt ra, như: thiếu nguồn vốn xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở để đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; chương trình cây con chủ lực; quy hoạch sản xuất nông nghiệp; quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi, cơ sở giết mổ tập trung; công tác triển khai vụ đông - xuân 2014-2015 và công tác phòng chống lụt bão…

21/10/2014
Tân Thuận Đông Phát Triển Mô Hình Xoài Bao Trái Sạch, An Toàn Tân Thuận Đông Phát Triển Mô Hình Xoài Bao Trái Sạch, An Toàn

Hiện nay, nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng là hướng đến sử dụng các sản phẩm chất lượng cao và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đáp ứng nhu cầu này, tại xã Tân Thuận Đông (TP.Cao Lãnh) người dân đã dần áp dụng mô hình sản xuất bao trái sạch, an toàn khá hiệu quả.

21/10/2014
Công Nghệ Chế Biến Thực Phẩm Gia Tăng Giá Trị Cho Ngành Cá Việt Nam Công Nghệ Chế Biến Thực Phẩm Gia Tăng Giá Trị Cho Ngành Cá Việt Nam

Ngày 16/10, tại Khách sạn Iris (TP.Cần Thơ), Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ (VCCI) phối hợp với Hiệp hội cá tra Việt Nam tổ chức Hội thảo công nghệ chế biến thực phẩm gia tăng giá trị cho ngành cá Việt Nam.

21/10/2014
Nâng Cao Kỹ Thuật Canh Tác Hồ Tiêu Nâng Cao Kỹ Thuật Canh Tác Hồ Tiêu

Những năm gần đây, người dân ồ ạt trồng mới cũng như chưa nắm bắt được kỹ thuật canh tác bền vững nên xảy ra tình trạng dịch bệnh trên cây tiêu. Trước tình hình đó, huyện Chư Pưh đã kịp thời đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục, nhất là việc phổ biến kiến thức trong canh tác cây tiêu theo hướng bền vững.

21/10/2014
Vươn Lên Nhờ Cam Sành Vươn Lên Nhờ Cam Sành

Trong căn nhà tường còn mới, hai vợ chồng ông Lê Văn Đông, ở ấp Đông Bình, ngồi kể chuyện một thời nghèo khó. Ông Đông nhớ lại: “Cha mẹ đông con nên chia cho hai vợ chồng tui 2 công đất. Ra riêng, tui lúc đó vừa đi làm mướn, vừa làm ruộng, vậy mà nghèo hoài không dứt ra được. Khoảng bảy năm trước, khi bắt đầu trồng cam sành thì cuộc sống tui mới đỡ hơn”.

21/10/2014