Kiệt Sơn Thay Đổi Tập Quán Sản Xuất Vụ Đông

Ông Hà Văn Chiệc ở khu Đồng Thoi, xã Kiệt Sơn, huyện Tân Sơn thủng thẳng trả lời khi tôi hỏi vụ đông này ông có làm không: Tôi không làm đâu, vì vụ đông hiệu quả kém lắm, chẳng được bao nhiêu.
Thời gian đó, tôi tranh thủ đi làm thuê việc khác. Nói đến chuyện làm mô hình cây này, cây nọ nhiều người ở đây sợ lắm rồi, xin kiếu. Hết khoai tây đến bí đỏ, cuối cùng cũng chỉ đem làm thức ăn cho gia súc.
Đây không chỉ là suy nghĩ của ông Chiệc mà của rất nhiều người dân xã Kiệt Sơn khi vận động họ làm vụ đông. Từ xưa do điều kiện tự nhiên nhiều khó khăn nên người dân nơi đây không có tập quán sản xuất vụ đông, thậm chí ngay cả trồng rau xanh để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày cũng chỉ có một vài hộ trồng.
Tuy nhiên, khoảng 3, 4 năm gần đây, tập quán này đã dần thay đổi. Cây ngô, khoai tây, bí đỏ, rau xanh... được các doanh nghiệp, đơn vị chuyên môn như Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật... vận động, khuyến khích bà con trồng.
Ban đầu họ cũng rất hồ hởi tham gia. Anh Nguyễn Ngọc Cường, khuyến nông cơ sở kể lại: Lúc đầu khi mới đưa mô hình khoai tây, bí đỏ, ngô nếp... vào trồng, doanh nghiệp hứa sẽ bao tiêu sản phẩm nên bà con cũng khá hăng hái tham gia.
Dù chưa có kinh nghiệm nhưng dưới sự đôn đốc, hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ nên năng suất cũng đạt khá cao. Năm đầu tiên do chỉ là mô hình, diện tích nhỏ nên dù doanh nghiệp chỉ thu mua một phần nhưng bà con tiêu thụ ở chợ cũng hết nên không có vấn đề gì xảy ra.
Đến vụ sau bà con thấy được giá nên trồng nhiều, doanh nghiệp vào mua ép giá, mang ra chợ thì đâu cũng thấy khoai với bí, bây giờ cứ nhắc đến mô hình là bà con lại ngán ngẩm.
Thực tế cho thấy không chỉ ở xã Kiệt Sơn mà ở nhiều xã khác trên địa bàn huyện Tân Sơn, tập quán không sản xuất vụ đông vẫn còn bám rễ rất sâu trong ý thức của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc.
Vụ đông năm nay, mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng lãnh đạo xã Kiệt Sơn vẫn quyết tâm đưa các loại cây như ngô nếp, hoa màu vào sản xuất để thay đổi thói quen canh tác cho bà con nông dân, tránh tình trạng bỏ đất hoang toàn vụ. Dự kiến vụ này, toàn xã sẽ trồng khoảng 7ha ngô, 1ha khoai tây và hơn 10ha các loại hoa màu khác.
Anh Cường cho biết thêm: Xã quyết tâm thay đổi tập quán sản xuất vụ đông bởi vì Kiệt Sơn hiện đang phát triển chăn nuôi gia súc, đại gia súc. Trồng ngô, khoai... sẽ giúp bà con giảm chi phí mua thức ăn ngoài, có nguồn thức ăn tươi phòng chống đói rét cho trâu, bò trong vụ đông.
Để sản xuất vụ đông đạt được hiệu quả như mong muốn, theo ý kiến của một số lãnh đạo địa phương thì chính quyền xã cần xác định và chỉ đạo quyết liệt ngay từ vụ chiêm xuân; đưa kế hoạch sản xuất vụ đông vào trong Nghị quyết của Đảng ủy xã; phân công các thành viên ban chỉ đạo sản xuất xã vận động, tuyên truyền tích cực đến người dân; khuyến khích bà con cấy trà mùa sớm và trà mùa trung, chọn các giống ngắn ngày; tuân thủ chặt chẽ khung lịch thời vụ của ngành nông nghiệp; gieo trồng có sự chỉ đạo, tránh tự phát...
Và một điều quan trọng nhất là lựa chọn được loại cây trồng phù hợp, có thể gieo trồng lâu dài, có thị trường tiêu thụ ổn định; dứt khoát loại bỏ hình thức làm mô hình theo thời vụ, được chăng hay chớ để người sản xuất “chân giò lảng ra” mỗi khi nghe nói đến làm mô hình.
Có thể bạn quan tâm

Từ đầu năm đến nay, do lượng mưa thấp, nắng nóng gay gắt kéo dài, nên phần lớn các ao, hồ, sông, suối trên địa bàn tỉnh Ninh Bình bị khô hạn, ảnh hưởng lớn đến hoạt động nuôi trồng thuỷ sản, diện tích nuôi cá nước ngọt bị thu hẹp đáng kể, riêng huyện Nho Quan và thành phố Tam Điệp đã có trên 2.300 ha không tiến hành thả giống đúng thời vụ do thiếu nước.

Đến thời điểm này, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã thả giống 464 ha tôm thâm canh, 1.635 ha cá nước ngọt, 108 ha ngao và tập trung vào chăm sóc, quản lý ao nuôi. Từ tháng 5 đến nay, thời tiết ban ngày nắng nóng, ban đêm có mưa, tạo ra sự chênh lệch nhiệt độ trong môi trường ao nuôi, làm ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng của các đối tượng nuôi.

Là địa phương có đường bờ biển dài với nhiều diện tích tự nhiên phù hợp để phát triển nuôi trồng thuỷ sản, trong những năm qua, TX Quảng Yên (Quảng Ninh) đã phát huy lợi thế này, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân và góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế của địa phương.

Thời gian qua, tôm nuôi trên địa bàn tỉnh chết hàng loạt khiến nông dân lâm vào cảnh khó khăn. Trước tình trạng trên, mô hình nuôi tôm không sên bùn ra đời và cho hiệu quả cao.

Sau 7 tháng gửi kiến nghị tới Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) kiến nghị sửa đổi quy trình, thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận ATTP, ngày 29/6/2015, NAFIQAD đã gửi Công văn số 1777/QLCL-CL1 tới Cơ quan Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Trung bộ, Nam bộ ủy quyền tổ chức thực hiện việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký, kiểm tra, thẩm định và cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với các cơ sở trên địa bàn quản lý kể từ ngày 02/7/2015.