Kiến Nghị Tăng Doanh Nghiệp Đầu Mối Xuất Khẩu Gạo

Bộ Công thương vừa kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung Tổng công ty Lương thực miền Bắc cùng làm đầu mối giao dịch hợp đồng tập trung.
Theo Bộ Công thương, tình hình xuất khẩu gạo qua biên giới phía Bắc và vận chuyển thóc gạo theo đường thủy từ miền Nam ra phía Bắc tăng mạnh. 7 tháng đầu năm 2014, lượng gạo vận chuyển từ cảng Mỹ Thới (An Giang), cảng Hoàng Diệu (Cần Thơ) ra phía Bắc khoảng 1,6 triệu tấn, lượng gạo luân chuyển qua cảng Hải Phòng cũng khoảng 1,6 triệu tấn.
Trong khi đó, tính đến ngày 15/7, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng lượng gạo xuất khẩu qua biên giới phía Bắc là chưa đến 0,6 triệu tấn. Như vậy, có khả năng một lượng gạo không nhỏ đã được xuất khẩu qua biên giới mà không được cơ quan chức năng thống kê đầy đủ.
Bên cạnh đó, vấn đề thị trường và hợp đồng tập trung, việc giao dịch, đàm phán ký kết hợp đồng tập trung thời gian qua đang cho thấy sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan, Hiệp hội Lương thực VN (VFA) và các doanh nghiệp đầu mối chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả, thông suốt.
Doanh nghiệp đầu mối chưa chủ động bám sát, theo dõi nắm bắt tình hình thị trường, chế độ thông tin, báo cáo chưa thường xuyên, chưa kịp thời đã dẫn tới những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện cũng như công tác điều hành của Nhà nước, ảnh hưởng đến khả năng khai thác và duy trì thị trường.
Bộ Công thương cũng sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành và VFA rà soát, nghiên cứu xây dựng cơ chế phù hợp để tổ chức lại các thị trường tập trung và các thương nhân đầu mối tại các thị trường tập trung theo hướng nâng cao hiệu quả xuất khẩu và khả năng cạnh tranh của xuất khẩu gạo Việt Nam.
Hiện nay doanh nghiệp đầu mối duy nhất tại một số thị trường tập trung trọng điểm truyền thống là Tổng công ty Lương thực miền Nam đã và đang gặp phải một số khó khăn trong quá trình hoạt động kinh doanh, ảnh hưởng trực tiếp tới vai trò đầu mối cung cấp gạo theo hợp đồng Chính phủ tại các thị trường tập trung truyền thống thường có nhu cầu giao dịch nhập khẩu số lượng lớn như Philippines, Indonesia, Malaysia.
Các thị trường này đã chuyển đổi phương thức và chiến lược nhập khẩu gạo theo hướng đa dạng hóa nguồn cung, tổ chức đấu thầu mở để thu hút sự tham gia của nhiều nhà cung cấp nhằm tạo sự cạnh tranh về giá.
Vì vậy, việc duy trì cơ chế giao cho một đầu mối là Tổng công ty Lương thực miền Nam vốn đang gặp khó khăn nêu trên tại các thị trường trọng điểm sẽ hạn chế khả năng tiếp cận, khai thác cơ hội thị trường và có thể mất thị trường.
Do đó, Việt Nam cũng cần thay đổi về cơ chế đầu mối giao dịch tại các thị trường này để ứng phó phù hợp với sự thay đổi trong chính sách nhập khẩu của các nước đối tác.
Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng xem xét, bổ sung Tổng công ty Lương thực miền Bắc cùng Tổng công ty Lương thực miền Nam làm đầu mối giao dịch hợp đồng tập trung tại các thị trường Philippines, Indonesia, Malaysia.
Có thể bạn quan tâm

Công ty Tư vấn dịch vụ kỹ thuật phát triển nông nghiệp Đà Lạt (ATDC) vừa hoàn thành việc chuyển giao kỹ thuật trồng rau pó xôi gồm các nội dung từ khâu chọn giống đến kỹ thuật làm đất, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch bảo quản theo VietGAP cho hơn 1.300 lượt nông dân và 30 cán bộ khuyến nông tại các địa bàn Đà Lạt, Lạc Dương, Đức Trọng và Đơn Dương (Lâm Đồng).

Nhận thấy cá rô đầu vuông là đối tượng nuôi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2013, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư (KNKN) tỉnh Quảng Trị đã thực hiện mô hình nuôi cá rô đầu vuông thương phẩm.

Ngày 16.8, ông Phạm Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn (Bình Định), cho biết: Theo kết quả kiểm tra ban đầu, thiệt hại do vụ tàu vận tải Yong Li 2 Trung Quốc xâm nhập trái phép vào vùng biển Việt Nam, gây ra cho khu vực nuôi tôm hùm thương phẩm của ngư dân xã Nhơn Hải tại vùng biển thôn Hải Giang (xã Nhơn Hải) lên đến trên 2 tỉ đồng.

Trong khi nhiều thanh niên ở các vùng quê rời quê đi làm ăn xa, một số thanh niên có bằng đại học, cao đẳng cũng đều cố tìm cho mình một công việc ổn định ở các thành phố lớn thì Nguyễn Đức An (30 tuổi), chàng trai vừa tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư đã tự mở lối làm ăn táo bạo cho riêng mình bằng cách xây dựng mô hình trang trại tổng hợp tại vùng đồi quê nhà ở xã Hải Phú, huyện Hải Lăng (Quảng Trị). Sau hơn 3 năm gây dựng, đến nay trang trại của anh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Sau gần 2 năm (2012 - 2013) triển khai, thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất nhãn chất lượng cao theo VietGAP tại huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La”, kết quả ghép cải tạo thí điểm thành công mô hình giống nhãn địa phương cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần đang mở cho hướng phát triển nhãn ở Sông Mã.