Kiếm tiền tỷ từ việc đưa lan vũ nữ sang Nhật

Trong một lần mời đối tác từ Nhật Bản qua thăm mô hình trồng lan vũ nữ, anh Huỳnh Tấn Sơn, ngụ tại thôn Phú Trung, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) nhận được lời khen ngợi chất lượng hoa lan vũ nữ do anh trồng rất tốt. Tuy nhiên, khi bàn về kế hoạch hợp tác xuất khẩu hoa sang thị trường Nhật thì anh Sơn chỉ nhận được cái lắc đầu. Nguyên nhân là do diện tích lan vũ nữ của gia đình anh Sơn còn ít, chỉ hơn 1ha, không thể đảm bảo nguồn cung ổn định, lâu dài sang thị trường Nhật.
Sau đó, anh Sơn bắt tay vào việc mở rộng diện tích loài hoa này bằng cách vận động hàng chục hộ dân tại địa phương tham gia trồng lan vũ nữ, nhằm tạo thành một chuỗi liên kết với quy mô rộng lớn, vững mạnh.
“Để lời nói có tính thuyết phục, tôi đã bỏ 5 tỷ ra ứng cho các hộ dân đầu tư làm lan vũ nữ, và tôi cũng có yêu cầu những gia đình này phải cam kết cung cấp sản phảm cho tôi!.. ” - anh Sơn chia sẻ.
Khi năng lực đủ để cung ứng cho thị trường khoảng 7 triệu cành lan/năm, anh Sơn cho xây dựng nhà máy xử lý hoa sau thu hoạch và mời đại diện thương mại của các công ty Nhật Bản sang. Lần này họ đồng ý ký kết xuất khẩu với đơn hàng được đặt theo tuần, sản lượng không giới hạn. Đến nay, tổ liên kết do anh Sơn đứng đầu đã quy tụ được 47 hộ dân chuyên trồng lan vũ nữ, trở thành mô hình liên kết nông hộ đầu tiên tại Lâm Đồng có sản phẩm xuất khẩu với nhiều đơn đặt hàng từ Nhật Bản.
Chỉ tính riêng đầu năm 2015 đến nay, chuỗi liên kết trồng lan vũ nữ do anh Sơn đứng đầu đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản 600.000 cành với doanh thu 6 tỷ đồng, cao gấp từ 5-6 lần so với tiêu thụ trong nước.
Hiện nay tổng diện tích lan vũ nữ của chuỗi liên kết này là 27,4ha (khoảng 2,7 triệu chậu hoa), có khoảng 200 ngàn chậu lan vũ nữ đang cho thu hoạch thường xuyên để phục vụ xuất khẩu.
Hầu hết các vườn hoa đều được đầu tư cơ sở hạ tầng (nhà lưới, hệ thống máy móc trang thiết bị hiện đại) và trồng theo quy trình áp dụng công nghệ cao, tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt của đối tác Nhật Bản. Anh Huỳnh Tấn Sơn cho biết, nhu cầu nhập khẩu lan vũ nữ của Nhật Bản đang ở mức cao (khoảng 100 triệu cành/năm) trong khi khả năng cung ứng của đơn vị còn hạn chế.
Thời gian tới công ty sẽ tiếp tục hợp tác, liên kết với nông dân, đơn vị để mở rộng diện tích canh tác lên khoảng 100ha hoa lan vũ nữ để phục vụ cho thị trường xuất khẩu. Anh Sơn cho biết thêm phía Nhật sẽ cử chuyên gia về hoa lan sang Việt Nam để làm việc cùng nông dân ở tất cả các khâu từ ươm giống, trồng đến xử lý trước khi đóng thùng chuyển ra cảng.
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay, hơn 3.600ha lúa hè thu của huyện Núi Thành đang ở giai đoạn đòng - trổ - vào chắc. Những ngày qua, thời tiết mưa nắng xen kẽ, một số vùng lúa xuất hiện rầy nâu, bệnh khô vằn và bọ xít hôi phát sinh gây hại trên diện rộng.

Những năm qua, kinh tế nông nghiệp huyện Duy Xuyên có bước chuyển biến rõ nét, nhờ vậy đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng cải thiện. Đồng thời tạo tiền đề quan trọng để địa phương thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Tính từ đầu năm đến nay, Hợp tác xã thủy sản Thủy Lâm (huyện Bát Xát) đã xuất bán 10 tấn cá hồi thương phẩm với doanh thu hơn 2 tỷ đồng.
Thông tin từ Sở NN&PTNT cho biết, sản lượng thủy sản thực hiện trong 7 tháng đầu năm đạt 38.578 tấn, tăng 8,7% so cùng kỳ năm trước. Cụ thể: cá các loại 29.910 tấn, tăng 9,2%; tôm 3.387 tấn, tăng 6,3%; thủy sản khác 5.282 tấn, tăng 7,4%.