Kiếm Tiền Từ Đầm Hoang

Không để cái đói, cái nghèo khuất phục, anh Hoàng Văn Hồng ở thôn Hà Nội, xã Đại Thành (Hiệp Hòa, Bắc Giang) quyết định ra đầm hoang gần nghĩa địa để đào ao nuôi cá và mở trang trại nuôi lợn.
Lúc đó ai cũng ái ngại cho anh vì đất xấu, lại gần nơi tâm linh nhưng anh Hồng vẫn quyết làm. Nhờ sự quyết đoán này, giờ đây anh đã là chủ một trang trại tổng hợp vườn, ao, chuồng (VAC) với thu nhập gần 500 triệu đồng mỗi năm.
Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại, anh Hồng kể về những gian nan ra đầm nghĩa địa mở trang trại chăn nuôi: “Năm 1993, tôi lập gia đình. Lúc mới cưới hai bên gia đình cho 2 vợ chồng được 5 sào đất ruộng ở ngoài đầm nghĩa địa để cày cấy nuôi nhau. Đất đầm xấu, chua nên cấy lúa mãi cũng chả đủ ăn, tôi đã nảy ra ý định mở trang trại chăn nuôi tổng hợp VAC. Khi tôi đưa ý tưởng mở trang trại chăn nuôi bàn với gia đình, ai cũng đồng ý nên tôi càng tự tin làm lớn hơn”.
Vay bạn bè được hơn 10 triệu đồng, được anh em cho thêm 5 sào đất ruộng, anh đào ao mua 1 tạ cá giống về thả, mua 300 vịt giống về nuôi. Vừa chăn nuôi, anh vừa đi tìm mua sách về đọc và sang các mô hình chăn nuôi xã bạn để học hỏi. Nhờ vậy, ngay năm đầu anh đã thu về hơn 50 triệu đồng.
Trả hết nợ, anh tiếp tục mở rộng quy mô nuôi. Trong quá trình nuôi, anh đặc biệt chú trọng khâu vệ sinh chuồng trại và phòng dịch trong chăn nuôi. “Tôi ăn ngủ với lợn, gà là chuyện bình thường nên dịch bệnh chả bao giờ đe dọa được đàn vật nuôi, nuôi con nào là thắng lợi con đó đấy” - anh Hồng khoe.
Hiện, mỗi năm trang trại của gia đình anh bán ra thị trường gần 100 con lợn thịt, hàng chục tấn cá thương phẩm. Không giữ bí quyết làm giàu riêng cho mình, mà anh còn truyền dạy kinh nghiệm chăn nuôi và cung cấp lợn, cá giống cho nhiều ND trong xã cùng làm. Nhờ anh mà nhiều hộ trong thôn, trong xã thoát nghèo, có thu nhập cao.
Nói về hội viên sản xuất kinh doanh giỏi của xã, ông Lê Trọng Huy – Chủ tịch Hội ND xã Đại Thành hết lời khen ngợi: “Anh Hồng là người quyết đoán, dám nghĩ, dám làm nên đã thành công”.
Bà con muốn chia sẻ hỏi kinh nghiệm chăn nuôi hoặc mua lợn, cá giống liên hệ với anh Hoàng Văn Hồng qua số điện thoại: 0969.511406.
Có thể bạn quan tâm

Trạm Bảo vệ thực vật huyện đã cung ứng cho nông dân trong vùng bị nhiễm các loại bệnh gây hại cho cây lúa 500 chai và 200 gói thuốc bảo vệ thực vật, tổng trị giá trên 8 triệu đồng; đồng thời, Trạm phối hợp với cán bộ khuyến nông, khuyến lâm các xã, vận động, tuyên truyền nông dân theo dõi dịch bệnh gây hại và kịp thời xử lý, tránh để các loại bệnh gây hại cây trồng, thiệt hại đến năng suất.

Vài năm trở lại đây, Chi hội phụ nữ thôn An Hiệp (xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng) đã xây dựng nhiều mô hình giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình, mang lại nguồn thu nhập chính đáng và góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy phong trào hoạt động của Hội.

Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản là chính sách có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của ngành thủy sản, đặc biệt là với nghề đánh bắt thủy sản xa bờ, sẽ có hiệu lực vào ngày 25/8 tới.

Ngày 22-8, Bộ Tài chính cho biết, Thứ trưởng Trần Xuân Hà vừa ký ban hành Thông tư số 114/2014/TT-BTC hướng dẫn cấp bù lãi suất do thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.

Năm nay là năm thứ 3 na ở đây được mùa, được giá. Diện tích na ở hai huyện Chi Lăng và Hữu Lũng có khoảng 1.300ha, sản lượng trung bình đạt trên 6.000 tấn/năm. Đây là vùng na lớn nhất các tỉnh phía Bắc.