Kiểm soát chất lượng chè xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc)

Theo Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương), truyền thông Đài Loan (Trung Quốc) đưa tin, cơ quan quản lý Đài Loan (Cục quản lý Thực phẩm Dược phẩm Đài Loan) thời gian qua liên tục phát hiện nhiều lô hàng sản phẩm chè nhập khẩu từ Việt Nam có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quy định.
Truyền thông Đài Loan (Trung Quốc) dẫn ý kiến của Cục quản lý Thực phẩm Dược phẩm Đài Loan cho biết, từ tháng 2/2015 đến nay, phía Đài Loan mỗi tuần kiểm tra và phát hiện từ 1-4 lô chè đen của Việt Nam có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không đạt yêu cầu.
Theo thống kê của Ủy ban Nông nghiệp Đài Loan, hiện lượng chè Việt Nam xuất khẩu sang Đài Loan chiếm 70% tổng sản lượng nhập khẩu của Đài Loan. Năm 2014, tỷ lệ chè đen không đạt tiêu chuẩn là 17%.
Phía cơ quan quản lý Đài Loan cũng cho biết, Đài Loan sẽ mở rộng phạm vi kiểm tra, không chỉ với chè Việt Nam mà sẽ mở rộng kiểm tra đối với chè nhập khẩu từ tất cả các nước với mức độ kiểm tra 100% đối với các lô hàng nhập khẩu. Phía Đài Loan cũng sẽ tiến hành kiểm tra liên ngành đối với sản phẩm chè cốc của hệ thống cửa hàng bán đồ uống nội địa.
Phía Đài Loan đang đề nghị Việt Nam tăng cường các biện pháp quản lý sản xuất, kết hợp hướng dẫn nông dân trồng chè để đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn kiểm nghiệm kiểm dịch. Phía Đài Loan hiện cũng đang chờ cơ quan quản lý chất lượng nông sản Việt Nam đưa ra văn bản chứng minh và trao đổi các biện pháp quản lý chất lượng mặt hàng này.
Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương khuyến cáo, các doanh nghiệp xuất khẩu chè Việt Nam cần chủ động nắm tình hình, khẩn trương có biện pháp kiểm tra, quản lý chặt chẽ chất lượng các sản phẩm xuất khẩu đảm bảo phù hợp tiêu chuẩn của Đài Loan và đối tác nhập khẩu, tránh gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu chè sang thị trường Đài Loan và uy tín của các doanh nghiệp Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm

Về xã Yên Hồ (Đức Thọ - Hà Tĩnh) trong những ngày cuối thu, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch UBND xã dẫn đi “mục sở thị” hiệu quả của mô hình nuôi tôm càng xanh trong ao đất của anh Lê Thanh Hà - một điển hình của công đoàn xã trong phát triển kinh tế.

Ngày 4/11, Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Ðắk Song (Đắk Nông) đã tổ chức Hội thảo đầu bờ tổng kết đánh giá mô hình nuôi cá rô phi đơn tính tại hộ ông Vũ Thanh Sơn, thôn 2, xã Thuận Hà (Ðắk Song), mô hình thử nghiệm bắt đầu từ tháng 5/2013.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu khuyến cáo không nuôi tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, trước tình trạng tôm sú gặp nhiều rủi ro, nhiều người dân đã quay sang phát triển diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng một cách ồ ạt không theo quy hoạch, không theo quy trình kỹ thuật nuôi. Điều này có thể tác động xấu đến môi trường, đặc biệt là nguy cơ phát sinh dịch bệnh cao.

Những năm gần đây, nhiều hộ chăn nuôi của xã Thanh Tân (Kiến Xương - Thái Bình), giàu lên từ vùng chuyển đổi. Trong số đó có gia đình anh Bùi Mạnh Hùng (thôn Tử Tế) mỗi năm thu về hơn 200 triệu đồng tiền lãi nhờ áp dụng chăn nuôi theo mô hình VietGAP.

Nuôi gà thả vườn là mô hình nuôi gà chung theo hình thức cộng đồng làng vừa được tổ chức phi chính phủ Malteser International (Đức) triển khai thí điểm tại một số xã của huyện Tây Giang (Quảng Nam), giúp người dân thay đổi tư duy canh tác và tiếp cận mô hình mới, đem lại hiệu quả thiết thực.