Khuyến Cáo Nông Dân Không Thả Giống Giai Đoạn Này

Theo dự báo thời tiết từ tháng 3 đến tháng 4 diễn biến rất phức tạp, đây là giai đoạn tôm thiệt hại cao nhất đã được thống kê, rút kinh nghiệm từ nhiều năm qua. Ngành Nông nghiệp Sóc Trăng khuyến cáo các vùng nuôi tôm nước lợ trong tỉnh không nên thả giống để tránh thiệt hại mà tập trung vào khâu xử lý ao nuôi, thận trọng hơn trong chọn giống để hạn chế thấp nhất rủi ro cho vụ nuôi năm 2014
Tính đến thời điểm này, bà con nuôi tôm ở huyện Mỹ Xuyên chỉ mới thả nuôi chưa được 300 ha, phần lớn là sử dụng nguồn nước cũ, hoặc nguồn nước vùng ven sông Cổ Cò để thả nuôi sớm hơn.
Thiệt hại sau đợt thời tiết lạnh kéo dài vừa qua, tiến độ thả giống chậm lại, ngành nông nghiệp Mỹ Xuyên cũng khuyến cáo bà con không nên thả giống vào giai đoạn hiện nay. Kỹ sư Liễu Nghĩa Tín – Phó Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Theo nhận định và khuyến cáo của ngành thì thời tiết giai đoạn này rất phức tạp, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm quá cao. Chúng tôi liên tục khuyến cáo bà con nên ngưng thả giống và các cơ sở kinh doanh giống cũng tạm ngưng sản xuất, cung ứng cho vùng nuôi Mỹ Xuyên”.
Thời tiết hiện nay chênh lệch quá cao giữa ngày và đêm, điều kiện thả giống sẽ rất bất lợi nên đa số bà con nuôi tôm ở Mỹ Xuyên không nôn nóng mà tập trung tốt cho khâu cải tạo, lấy nước vào ao để xử lý chặt chẽ, đúng quy trình kỹ thuật trước khi thả giống. Các xã Ngọc Tố, Hòa Tú 2 là vùng nuôi thâm canh, bán thâm canh lớn ở huyện Mỹ Xuyên nhưng bà con vẫn không nôn nóng.
Ông Lương Nghi Quân - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Chúng tôi không chỉ tuyên truyền mà còn tập trung khảo sát toàn địa bàn để khuyến cáo và bà con thả không nhiều. Đối với Ngọc Tố bà con chỉ thả nuôi ở tuyến ven sông thôi, còn nội đồng thì chỉ cải tạo ao mà chưa thả giống”.
Ở Hợp tác xã nuôi thủy sản Cổ Cò, các thành viên không chỉ thực hiện tốt ao nuôi mà còn ứng dụng quy trình nuôi ghép cá rô phi trong ao nuôi tôm, nuôi cá rô phi trong ao lắng để giảm chi phí đầu vào, giảm áp lực môi trường ao nuôi, đây là sự tiến bộ rõ nét đối với bà con nuôi tôm huyện Mỹ Xuyên.
Cán bộ Trạm Khuyến nông cũng khuyến cáo liên tục việc thực hiện khung lịch thời vụ và khuyến khích quy trình nuôi an toàn sinh học để giảm bới rủi ro cho người nuôi. Ông Nguyễn Thành Công - Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi thủy sản Cổ Cò, xã Ngọc Tố cho biết: “Giai đoạn hiện nay chúng tôi đã cải tạo ao nhưng không nôn nóng thả giống.
Ao được lấy nước để xử lý sạch, nuôi tảo trước để khi thả giống sẽ có lượng thức ăn cho tôm con và môi trường an toàn hơn”. Kỹ sư Liễu Nghĩa Tín – Phó Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Chúng tôi vận động bà con nên tập trung thả giống vào giữa tháng 4 và kết thúc vào cuối tháng 6. Vấn đề ứng dụng nuôi cá rô phi để xứ lý ao là một biện pháp rất hiệu quả mà từ vụ nuôi này bà con nuôi tôm cần phát huy”.
Theo dự báo thời tiết từ tháng 3 đến tháng 4 diễn biến rất phức tạp, đây là giai đoạn tôm thiệt hại cao nhất đã được thống kê, rút kinh nghiệm từ nhiều năm qua. Ngành Nông nghiệp Sóc Trăng khuyến cáo các vùng nuôi tôm nước lợ trong tỉnh không nên thả giống để tránh thiệt hại mà tập trung vào khâu xử lý ao nuôi, thận trọng hơn trong chọn giống để hạn chế thấp nhất rủi ro cho vụ nuôi năm 2014.
Có thể bạn quan tâm

Phát triển chăn nuôi gia súc liên kết đang là hướng đi mới, cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với chăn nuôi đơn lẻ. Nhận thức rõ vấn đề này, HTX chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hùng Cường, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) đã xây dựng hiệu quả mô hình sản xuất khép kín, đảm bảo chất lượng, cải thiện đời sống cho người dân.

Đến thời điểm này, trên 60% diện tích lúa trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã thu hoạch. Nông dân đang trông chờ chính sách thu mua tạm trữ của Chính phủ để giá lúa nhích lên. Tuy nhiên, theo quy định, đến ngày 15/6 mới mua tạm trữ thì nông dân chắc gì còn lúa để bán...

Thị trường cây giống ở Gia Lai đang bắt đầu nở rộ với sự đa dạng về chủng loại cây giống như bời lời, cà phê, tiêu, giống cây ăn quả… Tuy nhiên, chất lượng cây giống vẫn đang còn bỏ ngỏ khi mà hầu hết quy trình chọn giống, ươm cây đều dựa vào kinh nghiệm của chủ vườn ươm.

Anh Lê Duy Vũ (thôn Diên Sơn, xã Diên Sơn) là hộ nuôi ong thành công trên địa bàn huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà. Thu nhập bình quân từ ong dú của gia đình anh từ 150 - 180 triệu đồng/năm.

Giữa lúc miền Bắc được đón những trận mưa rào, thì ở miền Trung, nhất là tỉnh Nghệ An, nắng nóng vẫn kéo dài, sông suối, hồ đập bị cạn kiệt khiến hàng ngàn ha đất trồng lúa bị bỏ hoang.