Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Khuyến Cáo Đầu Vụ Tôm 2012

Khuyến Cáo Đầu Vụ Tôm 2012
Ngày đăng: 14/03/2012

Vụ tôm 2012, về tình hình con giống và giá tôm thương phẩm: Do yếu tố mùa vụ nên người nuôi tôm thả giống theo thời gian rất tập trung. Cao điểm của vụ nuôi là vào khoảng tháng 4 (tháng 3 âm lịch) nên xảy ra tình trạng thiếu giống cục bộ. Nhu cầu về giống quá lớn nên ảnh hưởng đến chất lượng con giống. Lợi dụng thời cơ này, có nhiều thành phần xấu đã cung cấp con giống kém chất lượng và thậm chí thiếu số lượng cho người nuôi.

Tình hình dịch bệnh: Đầu vụ nuôi, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có xảy ra hiện tượng tôm bị bệnh gan tụy. Có nhiều trường hợp người nuôi tuân thủ theo quy trình điều trị thì tôm khỏi bệnh nhưng cũng có nhiều trường hợp không khỏi. Nhiều ao tôm bị bệnh gan giai đoạn 45 ngày tuổi trở xuống. Việc điều trị ở những ao này đa số không mang lại kết quả tốt. Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường hợp ao tôm đã bị thiệt hại, hộ nuôi xử lý thả giống lại tiếp tục bị thiệt hại. 
Hiện nay, nhiệt độ đã tăng dần, tuy nhiên buổi sáng sớm nhiệt độ vẫn rất thấp, trời vẫn còn lạnh. Bên cạnh khuyến cáo lịch thời vụ của ngành chức năng, bà con nên thả tôm khi thời tiết ấm hẳn, nhiệt độ dao động giữa ngày và đêm thấp thì mới đảm bảo tỷ lệ sống, sức khỏe và tăng trưởng của tôm nuôi. Hơn nữa, theo các nhà chuyên môn thì trong những tháng thời tiết lạnh, chất lượng con giống kém, dễ nhiễm bệnh và nhiệt độ thấp tôm nuôi thương phẩm sử dụng thức ăn kém và tiêu hóa kém; chậm lớn, ao nuôi dễ ô nhiễm. 
Tình hình tôm giống: Với thực trạng gia tăng diện tích nuôi trong năm 2012, dự báo sẽ tiếp tục xảy ra tình trạng thiếu tôm giống, vì vậy người nuôi sẽ gặp không ít khó khăn. Hiện nay, có rất nhiều đại lý và dịch vụ cung cấp tôm giống, nếu chọn các dịch vụ này thì bà con nên chọn các đại lý hoặc nhà cung cấp có uy tín. Nếu bà con tự liên hệ với các công ty hoặc trại sản xuất giống thì để giảm bớt chi phí, bà con nên tập hợp lại với nhau thành nhóm hoặc các tổ hợp tác. Sau đó, cử đại diện tiến hành đến trại sản xuất tự lấy mẫu tôm, rồi gửi mẫu phân tích PCR để loại bỏ mẫu tôm nhiễm bệnh. Tuyệt đối không nên thả tôm không qua xét nghiệm PCR. 
Vấn đề sử dụng thuốc, hóa chất: Việc kiểm tra dư lượng kháng sinh ở các nước nhập khẩu mặt hàng tôm Việt Nam ngày càng khắt khe, trong khi vẫn còn nhiều người nuôi sử dụng thuốc, hóa chất đặc biệt là kháng sinh không rõ nguồn gốc. Trước tình hình đó, người nuôi tuyệt đối không nên sử dụng các loại thuốc, hóa chất, kháng sinh cấm hoặc không rõ nguồn gốc, xuất xứ; nên lựa chọn đại lý cung cấp và những sản phẩm có uy tín nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng, tiết kiệm chi phí và đảm bảo cung cấp nguyên liệu đạt tiêu chuẩn cho các nhà máy chế biến, tránh việc bị từ chối sản phẩm. 
Tình hình dịch bệnh gan tụy trên tôm vẫn là một thách thức lớn. Theo kết quả nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II thì thuốc diệt giáp xác có gốc cypermthrine là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh. Bộ NN- PTNT cũng đã quyết định cấm sử dụng thuốc diệt giáp xác có gốc cypermythrine trong nuôi tôm. Vì vậy, vấn đề sử dụng thuốc diệt tạp cần phải được cân nhắc thận trọng để lựa chọn những loại thuốc sử dụng hiệu quả nhưng an toàn cho môi trường nuôi và cho tôm. 
Áp dụng quy trình nuôi sinh học, giảm bệnh cho tôm, giảm sử dụng hóa chất kháng sinh: Người nuôi cần áp dụng quy trình phòng bệnh tổng hợp như: Phải có ao lắng để dự trữ nước dự phòng. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp thì vai trò của ao lắng càng quan trong hơn trong việc ngăn ngừa mầm bệnh lây lan từ bên bên ngoài vào ao nuôi. Bên cạnh đó, không nên thả mật độ quá cao, cần kiểm soát tốt các yếu tố môi trường; quản lý thức ăn chặt chẽ tránh dư thừa, sử dụng men vi sinh hợp lý để hạn chế ô nhiễm hữu cơ, hạn chế tảo nở hoa làm suy thoái môi trường ao nuôi làm cho tôm dễ nhiễm bệnh; bổ sung chất tăng cường sức đề kháng cho tôm. Nếu các yếu tố môi trường được quản lý chặt chẽ, các biện pháp phòng bệnh được thực hiện tốt thì sẽ hạn chế tối đa mầm bệnh phát triển trong ao nuôi. Giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh để trị bệnh cho tôm.


Có thể bạn quan tâm

Giải Pháp Phòng Chống Hội Chứng Tôm Chết Sớm Giải Pháp Phòng Chống Hội Chứng Tôm Chết Sớm

Vừa qua, hội thảo trực tuyến về quản lý hội chứng tôm chết sớm (EMS) - một bệnh gây thiệt hại hàng tỷ USD cho người nuôi tôm đã được Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA) tổ chức tại Việt Nam.

22/02/2014
Nâng Cao Hiệu Quả Hoạt Động Của Kinh Tế Hợp Tác Nâng Cao Hiệu Quả Hoạt Động Của Kinh Tế Hợp Tác

Có thể nói từ năm 2013 trở lại đây phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh mới thực sự được đẩy nhanh “tiến độ” thực hiện, đặc biệt là “cứng hóa” đường giao thông nội đồng, thôn xóm được làm khá đồng bộ, qua đó, đã tạo nên “bề nổi” cho nhiều vùng nông thôn.

20/03/2014
Vào Mùa Cào Hến Ở An Giang Vào Mùa Cào Hến Ở An Giang

Từ sau Tết đến nay, ngư dân cào hến trên tuyến kênh Ông Cò (xã Vĩnh Trạch và Vĩnh Khánh, Thoại Sơn, An Giang) trúng đậm hến gạo.

23/02/2014
Thả Hàng Trăm Ngàn Con Cá Giống Vào Các Hồ Trong Tỉnh Thả Hàng Trăm Ngàn Con Cá Giống Vào Các Hồ Trong Tỉnh

Năm 2013, sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh ước đạt 390 tấn, bằng 100,5% kế hoạch năm và tăng 3,44% so với năm 2012. Được biết, năm 2011, trung tâm đã thả 150 ngàn con cá giống xuống các hồ chứa của tỉnh, năm 2012 trung tâm thả tiếp 490 ngàn con.

23/02/2014
Kiểm Tra Mô Hình Sản Xuất Giống Lúa Có Nguồn Gốc Từ Nhật Bản Kiểm Tra Mô Hình Sản Xuất Giống Lúa Có Nguồn Gốc Từ Nhật Bản

Sở NN-PTNT phối hợp với Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra mô hình sản xuất giống lúa ĐS1, Akita Komachi, Hananomai, có nguồn gốc từ Nhật Bản và mô hình cánh đồng mẫu sản xuất giống lúa chất lượng cao.

20/03/2014