Không loại bỏ chất cấm người chăn nuôi sẽ tự giết mình

Hội thảo đã thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia
Tại buổi hội thảo về “Loại bỏ chất cấm trong chăn nuôi” tổ chức tại TP.HCM, nhiều đại biểu cho rằng, nếu chúng ta không kiên quyết loại bỏ chất cấm thì cả người chăn nuôi lẫn nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi đều “chết”.
Loạn sử dụng chất cấm
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn Nuôi, tình hình sử dụng chất tạo nạc năm 2015 diễn ra hết sức phức tạp.
Nếu năm 2012 việc sử dụng chất tạo nạc chỉ diễn ra ở các nông hộ nhỏ lẻ thì hiện nay đã diễn ra ở các trang trại quy mô lớn, điều này gây ra hai mối nguy hiểm đó là gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và nguy hiểm thứ hai là ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam.
Ông Dương cho rằng, hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo sẽ khiến cho thịt Việt Nam mất lòng tin vào người tiêu dùng, khó cạnh tranh với các loại thịt nhập ngoại, giá rẻ, chất lượng hơn khi TPP đi vào thực tiễn.
Chất cấm trong chăn nuôi hay còn gọi là chất tạo nạc thuộc nhóm beta-agonist. 3 chất nỗi bật là Clenbuterol, Sabutamol, Ractoppamine.
Nhóm chất này giúp vật nuôi tăng lượng nạc, giảm mỡ.
Tuy nhiên, các nhà khoa học đã chứng minh sẽ gây nguy hiểm thập chí chết người nếu dùng quá liều.
Theo ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.Hồ Chí Minh, tình trạng sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi đang ở mức báo động đỏ, gây nhức nhối cho cả cộng đồng và cần phải loại trừ hoàn toàn, mặc dù gần đây các cơ quan chức năng đang nỗ lực kiểm tra và xử lý.
Chi cục thú y TP.Hồ Chí Minh đã xử phạt vi phạm hành chính 22 trường hợp vi phạm tại cơ sở giết mổ với tổng số tiền là 285.000.000 đồng, đồng thời, yêu cầu chủ gia súc, chủ cơ sở giết mổ có trách nhiệm lưu giữ các lô heo có kết quả xét nghiệm dương tính với chất cấm tại cơ sở giết mổ dưới sự giám sát, kiểm tra của trạm thú y quận, huyện;
Tiếp tục lấy mẫu nước tiểu các lô heo có kết quả xét nghiệm dương tính với chất cấm xét nghiệm cho đến khi có kết quả âm tính đối với tồn dư chất cấm mới được phép hạ mổ.
Ông Thảo cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2015, Chi cục thú y TP.HCM đã tổ chức kiểm tra 40 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn nhưng không phát hiện chất tạo nạc, nhưng khi kiểm tra 14 cơ sở giết mổ có 23/120 lô heo dương tính với chất cấm thuộc nhóm Beta-agonist (chiếm hơn 19%) và 95/516 mẫu nước tiểu dương tính với chất cấm Beta- agonist.
Kiểm tra tồn dư chất cấm từ 159 mẫu thịt tươi lấy ngẫu nhiên trên thị trường, có 3 mẫu dương tính với chất cấm Beta- agonist và 2 mẫu dương tính với chất Salbutamol.
Các lô heo đưa về thành phố bị dính chất cấm nhiều nhất là Đồng Nai (11 lô), Tiền Giang (4 lô), Long An (4 lô), Bến Tre (2 lô), Bà Rịa - Vũng Tàu (1 lô) và Vĩnh Long (1 lô).
Không loại bỏ chất cấm ngành chăn nuôi sẽ thua ngay trên sân nhà
Cần có sự vào cuộc của nhiều ngành chức năng
Nhiều đại biểu cho rằng, chỉ có ngành thú y kiểm tra và xử lý chất tạo nạc thì không xuể, muốn loại trừ chất độc hại này trong ngành chăn nuôi cần có sự vào cuộc quyết liệt của nhiều ngành, nhiều cấp, đặc biệt, cần nêu tên rõ ràng những cơ sở vi phạm lên báo chí và tăng thêm mức xử phạt.
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho rằng, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi hiện nay rất nghiêm trọng, vấn nạn này nếu không được xử lý triệt để thì ngành chăn nuôi chắc chắn sẽ thua ngay trên sân nhà.
“Nguyên nhân nạn sử dụng chất tạo nạc tràn lan trên thị trường là do người chăn nuôi chạy theo lợi nhuận, quản lý nhà nước ở cơ sở lỏng lẻo, có phần “nể nang”, dẫn đến người chăn nuôi, doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi vô ý thức, không chấp hành luật pháp”, ông Lịch bức xúc.
Theo ông Lịch, Nghị định xử phạt trong lĩnh vực chăn nuôi đã có cách đây 20 năm, hình phạt cao nhất cũng là hành chính, bằng tiền.
Tuy nhiên, mức phạt tiền như hiện nay là chưa đủ tính răn đe nên không hiệu quả.
“Một nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm nhưng vi phạm chỉ phạt hành chính vài trăm triệu đồng thì quá ít.
Muốn xử được chất cấm phải nâng Nghị định lên thành Pháp lệnh hoặc ban hành Luật để xử lý thì may ra đối tượng vi phạm mới chùn tay”, ông Lịch chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Dương cho biết, trên cả nước hiện có khoảng 8 triệu hộ chăn nuôi heo, gà; tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi phổ biến, phức tạp ở mức báo động. “Một người sử dụng ma túy chỉ bản thân người sử dụng ma túy chết, nhưng việc dùng chất tạo nạc là đầu độc hàng triệu người tiêu dùng” ông Dương ví von.
Để loại trừ, kiểm tra xử lý hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là một vấn đề bức thiết hiện nay nhưng riêng một ngành nông nghiệp thì không thể quản lý hết được mà cần sự vào cuộc của các bộ, ngành và chính quyền các cấp ở địa phương, từ cấp xã, phường trở lên. Quy trách nhiệm và hình thức kỷ luật đối với người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra tình trạng giết mổ lậu tại địa phương đó, có như vậy thì việc ngăn chặn sử dụng chất câm trong chăn nuôi mới đạt hiệu quả.
Ông Kiều Minh Lực, chuyên gia về di truyền giống Công ty CP Chăn nuôi C.P.
Việt Nam cho biết, để loại trừ chất tạo nạc trong chăn nuôi cần tuyên truyền và xử lý nghiêm đối với người sản xuất thức ăn chăn nuôi và người chăn nuôi sử dụng chất cấm, đồng thời các cơ quan chức năng quản lý nghiêm ngặt các cơ sở giết mổ cũng như hệ thống thương lái.
Theo ông Lực, để sản xuất thịt heo an toàn, người chăn nuôi phải thực hiện, kiểm soát theo chuỗi 3F (thức ăn chăn nuôi, trang trại nuôi và thành phẩm), trong đó khả năng kiểm soát toàn bộ chuỗi 3F này phụ thuộc vào trình độ sản xuất, công nghệ, quy mô và quản lý sản xuất.
Thông tư 28/2014/TT-BNNPTNT ngày 04/9/2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về ban hành Danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam, theo đó quy định các chất Salbutamol, Clenbuterol và Ractopamin thuộc Danh mục các chất cấm sản xuất, nhập khẩu, sử dụng trong chăn nuôi.
Vì vậy, việc các hộ chăn nuôi sử dụng các chất thuộc Danh mục cấm để sản xuất hoặc trộn vào thức ăn chăn nuôi là hành vi vi phạm (Điều 36 Nghị định 119/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi).
Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, giám đốc công ty TNHH Dịch vụ An Hạ cho rằng, các ngành chức năng cần có kế hoạch kiểm tra, ngăn chặn tối đa việc giết mổ lậu để tập trung về các cơ sở giết mổ có đăng ký mới làm tăng hiệu quả của việc lấy mẫu tại cơ sở giết mổ.
“Tôi nghĩ việc phát hiện và xử lý dứt điểm các điểm giết mổ lậu không khó.
Ngoài mức phạt của cơ quan thú y thì nên kết hợp phạt luôn về hành vi vi phạm môi trường, như vậy mức phạt sẽ rất lớn”, bà Thắm nói.
Có thể bạn quan tâm

Chỉ vào đàn gà gần 500 con hơn 2 tháng tuổi đang phát triển tốt, anh Tân cười tươi nói: “Đàn gà này nếu phát triển bình thường thì hơn 1 tháng nữa là có thể bán được, con lớn cũng trên 2kg. Thời điểm đó, cận Tết Nguyên đán nên nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao, gà hút hàng, giá sẽ tăng mạnh. Năm nào cũng vậy, tôi canh ngay đợt Tết để xuất chuồng, bán được giá cao”.

Nuôi thỏ quy mô công nghiệp vừa mang lại giá trị kinh tế mà còn tiết kiệm thời gian. Gần đây, một số hộ ở xã Tân Tiến (Đồng Phú - Bình Phước) đã thí điểm công nghệ không mùi trong chăn nuôi thỏ. Gia đình chị Đỗ Thị Thanh Hương (27 tuổi) ở ấp An Hòa là một điển hình.

Khi bé, tôi rất ấn tượng với câu chuyện kể về một anh chồng ngốc học đòi buôn bán, bỏ tiền ra buôn vịt trời để rồi mất tiền oan. Trong suy nghĩ của tôi vịt trời là của trời. Bởi vậy nên tôi rất ngạc nhiên khi đồng chí Bùi Hải Trường - Bí thư Đảng uỷ phường Phương Nam (TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) giới thiệu với tôi về “tương lai sáng” của nghề nuôi vịt trời trên địa bàn phường.

Tại cuộc họp giao ban Bộ NN&PTNT sáng 5/1, Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông cho biết: Cục Thú y sẽ phối hợp với các tập đoàn và đơn vị thực hiện dự án theo chương trình xóa đói giảm nghèo, kiểm soát tốt đàn bò cấp cho các hộ dân nghèo, không chỉ chất lượng mà cả dịch bệnh.

Kết quả, sau 100 ngày nuôi, cả 10 con bò trong MH đều phát triển tốt, tăng trọng bình quân 97,3kg/con; thu lãi gần 2 triệu đồng/con. Bà con rất phấn khởi vì đã nắm bắt được kỹ thuật nuôi bò nói chung, kỹ thuật thâm canh vỗ béo bò thịt nói riêng, để tiếp tục phát triển chăn nuôi góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống.