Không có kênh, 17ha đất sản xuất có nguy cơ bỏ hoang

Đã có hơn chục năm gắn bó với cây mía nên ông Trần Văn Lệ, ngụ đội 5, thôn Phước Đức xem nó như cái nghiệp của mình. Giờ đành phải bỏ ruộng mía cũng là điều bất đắc dĩ ông phải làm.
Ông Lệ cho hay, trước đây 17ha ruộng xứ đồng Bờ An Cây Dừng có thể trồng được cả lúa nhờ nguồn nước ở Hố Cau, ngay dưới chân núi Vàng chảy về tưới mát cho đồng ruộng. Nhưng năm 1999, sau trận lũ lịch sử, những khối đất đá trên núi Vàng sạt lở vùi lấp nguồn nước duy nhất của xứ đồng.
Trồng lúa không được, người dân chuyển qua trồng mía. “Tuy nhiên, nguồn nước khan hiếm nên mặc dù ngày nào cũng có mặt ngoài đồng chăm sóc, nhưng mía ở đây năng suất cao nhất cũng chỉ đạt 3 tấn/sào. Như nhà tôi, năm nay chỉ đạt 2 tấn/sào”, ông Lệ nói.
Cuộc sống của gia đình bà Huỳnh Thị Chương chỉ nhờ vào 3 sào ruộng nhưng cũng giống như ông Lệ, bà Chương không tiếp tục xuống giống vụ mía mới bởi theo bà, năng suất mía 2 tấn/sào, với giá mía như hiện tại gia đình bà không tránh khỏi thua lỗ.
Bà Chương nhẩm tính: “Mấy năm trước giá mía cao, tiền nhân công cũng thấp, bỏ công chăm sóc thì có thể bù lại phần năng suất, lời được chút ít hoặc cũng huề vốn. Nhưng năm nay thì tiền thuê nhân công từ 360-380 ngàn đồng/tấn nhưng vẫn không có người để thuê.
Chúng tôi phải nhờ người quen trên Ba Tơ thuê giúp người xuống dưới này làm. Rồi tiền công trung chuyển là 90 ngàn đồng/tấn, tiền phân, tiền xới đất, công chăm sóc… trong khi giá mía hiện tại là 850 ngàn đồng/tấn, vậy hỏi sao không lỗ”.
Ông Đoàn Thanh Minh, Chủ nhiệm HTX Đức Vĩnh cho biết, mong muốn của bà con hiện nay là được chuyển đổi cây trồng, nhưng trồng cây gì cũng cần phải có nước tưới. Trước đây, HTX cũng đã tiến hành đào kênh để cứu mía cho bà con nhưng ngặt nỗi là kênh đất nên cứ có trận mưa lớn là đất sạt lở, kênh bị vùi lấp. Một năm đào đi đào lại phải vài lần. Mỗi lần lại thuê máy xúc, nhân công tiêu tốn hết sáu, bảy chục triệu nên HTX không kham nổi.
Nguyện vọng của bà con thôn Phước Đức bao năm nay là có được con kênh bê tông kiên cố, nối liền từ tuyến mương cánh bắc hồ Mạch Điểu đến xứ đồng Bờ An Cây Dừng. Với chiều dài 1,5km, tuyến kênh sẽ giải quyết được nguồn nước tưới cho cả cánh đồng 17ha.
Nếu được như vậy, với chất đất hiện tại, bà con không chỉ trồng được cây mía mà còn có thể trồng được lúa vào vụ đông xuân, trồng đậu phộng vào vụ hè thu. “Trong những cuộc tiếp xúc cử tri, tôi cũng đã kiến nghị vấn đề này lên HĐND huyện, tỉnh. Hy vọng nguyện vọng của bà con thôn Phước Đức sẽ sớm được các cấp xem xét, hỗ trợ”, ông Đoàn Thanh Minh bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm

Xưởng sản xuất máy lọc nước biển thành nước ngọt do Trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp với Công ty TNHH Hiệp lực và Phát triển Việt (trụ sở tại TP.Vũng Tàu) hợp tác xây dựng để sản xuất thử nghiệm thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt có chất lượng bảo đảm các tiêu chuẩn nước uống do Bộ Y tế quy định.

Vụ xuân năm nay, huyện Lâm Thao được mùa lúa trên cả ba mặt: Diện tích, năng suất, sản lượng. Toàn huyện gieo cấy được 3.398 ha, vượt kế hoạch dự kiến gần 50 ha, năng suất bình quân đạt trên 62 tạ/ha, sản lượng đạt trên 2,1 vạn tấn. Hầu hết các xã đều gieo cấy đạt và vượt kế hoạch, năng suất cao hơn vụ xuân trước, đây là cơ sở tạo đà để huyện tiếp tục đẩy mạnh sản xuất vụ mùa đạt kết quả.

Trước tình hình dịch bệnh trên tôm tại Cà Mau còn diễn biến phức tạp và hiện đang có xu hướng tăng, Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ NN&PTNT tiếp tục xuất cấp 50 tấn hóa chất Chlorine thuộc hàng dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho tỉnh Cà Mau.

Nhưng để phát triển theo hướng bền vững,tạo ra vùng nguyên liệu cung cấp sữa bò lâu dài,cần phải có chiến lược phát triển đúng đắn rõ ràng,đây là điều mà lãnh đạo tỉnh,chính quyền các cấp và nông dân Sóc Trăng đang hướng đến.

Với lợi thế điều kiện chăn nuôi thuận lợi, việc hỗ trợ bò cho người dân miền núi đã mang lại kết quả khả quan. Dự án này đang được tiếp tục nhân rộng, huy động các nguồn lực xã hội để giúp người dân miền núi thoát nghèo.