Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Khởi Sắc Xã Vùng Cao Kim Thượng

Khởi Sắc Xã Vùng Cao Kim Thượng
Ngày đăng: 13/06/2014

Theo con đường nhựa từ quốc lộ 32, chúng tôi về xã vùng cao Kim Thượng của huyện miền núi Tân Sơn. Không quản ngại nắng hè, trên những cánh đồng lúa vàng, bà con đang phấn khởi thu hoạch lúa chiêm xuân. Người cắt lúa, người gánh lúa tấp nập cùng tiếng cười nói rộn ràng trước thành quả vụ sản xuất chiêm xuân, tạo nên “bức tranh ngày mùa” sinh động.

Chia sẻ về thành quả của bà con nông dân, chị Hà Thị Tuyết Lực - Chủ tịch UBND xã Kim Thượng phấn khởi: “Kinh tế của Kim Thượng phát triển chủ yếu nhờ trồng lúa, trồng rừng và chăn nuôi. Mặc dù đầu vụ chiêm xuân năm nay thời tiết có nhiều bất lợi, gây sâu bệnh trên cây lúa, song chúng tôi đã kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân phòng trừ dịch bệnh, bảo vệ cây lúa để có được năng suất bước đầu ước đạt 55 tạ/ha như hiện nay”.

Xã Kim Thượng có tổng diện tích gần 7.900ha, 1.400 hộ với trên 6.300 nhân khẩu của 13 khu hành chính, trong đó có 4 khu vùng cao, 9 khu vùng thấp chủ yếu sinh sống bằng nghề nông. Điều kiện tự nhiên đã tạo cho xã nét đặc thù trong phát triển kinh tế, đó là chăn nuôi, kết hợp với trồng rừng ở những khu vùng cao và trồng lúa ở vùng thấp.

Được thụ hưởng các chương trình 135, 30a, xây dựng nông thôn mới nên Kim Thượng có nhiều thuận lợi để triển khai các đề án trọng tâm: Phát triển cây lương thực; kinh tế đồi rừng; chăn nuôi trâu, bò; phát triển kinh tế du lịch. Từ việc triển khai các đề án, nhiều mô hình sản xuất được đầu tư, cơ sở vật chất được tăng cường, tạo ra sản phẩm hàng hóa, tăng thu nhập cho nhân dân.

Phát huy thế mạnh vùng thấp, xã Kim Thượng gieo cấy lúa trên diện tích 486,5ha, trong đó lúa lai chiếm 64% diện tích, năng suất bình quân đạt 52 tạ/ha, sản lượng trên 2.400 tấn. Xã đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con đưa các giống lúa lai vào sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới vào đồng ruộng, nhằm nâng cao năng suất, tăng hiệu quả kinh tế.

Vừa nhanh tay gặt lúa, chị Hà Thị Hương - dân tộc Mường, ở khu Chiềng 1 phấn khởi nói với chúng tôi: “Vụ chiêm xuân năm nay được mùa lắm. Gia đình tôi cấy 4 sào lúa lai, ước đạt gần 2 tạ/sào. Như thế là đủ gạo ăn cho cả nhà rồi”.

Bên máy tuốt lúa cùng chồng và người thân, chị Phùng Thị Yến - khu Xuân 2 hồ hởi: “Tuy phải “một nắng hai sương” nhưng giờ được mùa như thế này gia đình tôi rất phấn khởi, quên hết mệt nhọc, cố gắng để năm nào cũng được mùa thế này cho gia đình bớt vất vả”.

Những năm qua, phát huy thế mạnh của địa phương, ở Kim Thượng đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế đồi rừng, kết hợp giữa chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản với trồng rừng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như gia đình chị Nguyễn Thị Tám ở khu Xuân 1.

Với diện tích 3ha, gia đình chị đầu tư trồng rừng kết hợp chăn nuôi lợn rừng, gà và làm thêm dịch vụ xay xát, bán hàng tạp hóa cho thu nhập mỗi năm từ 150-200 triệu đồng/năm. Hay gia đình các chị Hà Thị Nhung ở khu Xuân 1, chị Phùng Thị Kim ở khu Chiềng 2 với mô hình chăn nuôi gà nhiều cựa, lợn rừng lai và trồng rừng trên diện tích 4 ha, cũng cho thu nhập bình quân 100-150 triệu/năm.

Đồng hành cùng với người dân trong phát triển kinh tế, chính quyền địa phương có nhiều chủ trương, cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ cho người nông dân sản xuất như: Hỗ trợ máy làm đất, máy tuốt lúa, hỗ trợ cây, con giống, hỗ trợ mô hình nuôi gà nhiều cựa… phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, với tổng trị giá trên 1 tỷ đồng trong riêng năm 2013.

Xã cũng đã đẩy mạnh công tác khuyến nông thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, dạy nghề cho hàng trăm lượt người, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân.

Tuy là một xã miền núi còn nhiều khó khăn, song dịch vụ, thương mại của Kim Thượng đang có những bước phát triển mới, 6 tháng đầu năm 2014 giá  trị dịch vụ ước đạt gần 1 tỷ đồng, đã có gần tám chục hộ kinh doanh, làm dịch vụ.

Tuy còn nhiều khó khăn nhưng bằng nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và cả hệ thống chính trị cũng như mỗi người dân, so với vài năm trước, giờ bức tranh kinh tế - xã hội của xã vùng cao Kim Thượng đã có nhiều khởi sắc.


Có thể bạn quan tâm

Áp Dụng Quy Trình Chăn Nuôi An Toàn Để Ổn Định Sản Xuất Ở Bắc Giang Áp Dụng Quy Trình Chăn Nuôi An Toàn Để Ổn Định Sản Xuất Ở Bắc Giang

Gần một tháng trở lại đây, ở Bắc Giang, lợn hơi giảm giá mạnh, thị trường tiêu thụ thịt lợn trầm lắng. Người chăn nuôi thua lỗ mà nguyên nhân chính là do chất tạo nạc đã được phát hiện trên thịt lợn và thức ăn chăn nuôi.

23/04/2012
Festival Dừa Bến Tre Lần III - 2012: Đặc Trưng Văn Hóa Xứ Dừa Festival Dừa Bến Tre Lần III - 2012: Đặc Trưng Văn Hóa Xứ Dừa

Hôm qua 22/2, tại TP HCM đã diễn ra buổi họp báo giới thiệu về Festival dừa Bến Tre lần III, năm 2012 (từ ngày 5- 10/4/2012) với chủ đề "Cây dừa Bến Tre trên đường hội nhập và phát triển" do UBND tỉnh Bến Tre tổ chức.

23/02/2012
Ngũ Cốc Đồng Loạt Tăng Giá Ngũ Cốc Đồng Loạt Tăng Giá

Các loại ngũ cốc giao dịch trên sàn nông sản Chicago (Mỹ) đều tăng giá nhẹ trong phiên giao dịch đầu tuần này khi những căng thẳng trên thị trường tài chính toàn cầu bắt đầu dịu bớt nhờ thông tin từ châu Âu và nhu cầu tăng tại Mỹ đối với các tài sản có độ rủi ro cao hơn như chứng khoán và hàng hóa

02/12/2011
Các Tỉnh Ào Ào Xin Vacxin Cúm Gia Cầm Các Tỉnh Ào Ào Xin Vacxin Cúm Gia Cầm

Trước tình hình dịch cúm gia cầm(CGC) tiếp tục lan rộng ra 12 tỉnh, thành trên cả nước, hôm qua (23/2), Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị trực tuyến cùng các tỉnh bàn các phương án phòng chống dịch.

24/02/2012
Giữ Lấy Rừng Bần Giữ Lấy Rừng Bần

Từ loại trái chín không ai ăn nổi bởi vị chua, không chỉ được bà Võ Thị Cúc (62 tuổi) ở cù lao Long Trị (Trà Vinh) chế biến thành thực phẩm đặc sản, mà còn góp phần bảo vệ rừng bần phòng hộ ven biển.

24/02/2012