Khởi Sắc Từ Nghề Trồng Nấm

Hợp tác xã (HTX) sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm nấm Sáng Thiện tại thôn Quảng Hội, xã Quang Tiến (Sóc Sơn, Hà Nội) là HTX điểm của Bộ NNPTNT, đã và đang thực sự khởi sắc về chất lượng, sức tiêu thụ.
Với mặt hàng nấm ngày càng được khẳng định về chất lượng, sức tiêu thụ mạnh trên thị trường và đặc biệt người trồng nấm đã đầu tư đổi mới các khâu sản xuất… đến nay, HTX Sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm nấm Sáng Thiện tại thôn Quảng Hội, xã Quang Tiến (Sóc Sơn, Hà Nội) đã thực sự khởi sắc và là một HTX điểm của Bộ NNPTNT.
HTX Sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm nấm Sáng Thiện được thành lập từ 7.2010, do bà Đào Thị Thiện người có 7 năm kinh nghiệm với nghề nuôi trồng nấm khởi xướng. Bà Thiện cho biết: Một lần tình cờ xem chương trình truyền hình về nông nghiệp trên ti vi, thấy giới thiệu về mô hình trồng nấm cho hiệu quả kinh tế cao, tôi như người "chết đuối vớ được cọc".
Qua tìm hiểu, tôi thấy kỹ thuật trồng nấm không quá khó, nên đã dốc toàn bộ số tiền 2 triệu đồng tiết kiệm trong gia đình và vay thêm 8 triệu đồng từ Ngân hàng NNPTNT để làm vốn. Được sự giúp đỡ của Trung tâm Công nghệ sinh học và thực vật (thuộc Viện Di truyền nông nghiệp) tôi bắt tay vào trồng khởi nghiệp với ba loại nấm- nấm rơm, nấm mỡ và nấm sò. “Sau 6 tháng vừa trồng vừa học tập kinh nghiệm, tôi đã lãi 40 triệu đồng từ lứa nấm đầu tiên...” - bà Thiện kể.
Thấy trồng nấm cho thu nhập tốt, bà Thiện đã mạnh dạn tập hợp thêm 9 chị em trong làng đứng ra thành lập HTX Sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nấm Sáng Thiện với số vốn pháp định 1,5 tỷ đồng.
Chị Nguyễn Thị Thủy- hội viên HTX Sáng Thiện phấn khởi nói: Trước tôi chỉ quanh quẩn bên mấy sào ruộng, ngày mùa thì ở nhà cấy, còn lại tôi lên Hà Nội làm thêm trang trải cuộc sống. Năm 2010, được bà Thiện sang tận nhà vận động, hướng dẫn tham gia HTX để vươn lên thoát nghèo, tôi đăng ký ngay.
Diện tích trồng nấm nhà tôi có 200m2, trung bình cứ 45 bịch/1m2, giá bán tại nhà 20.000 đồng/bịch, trừ chi phí thu lãi 7.000 đồng/bịch”- chị Thủy phân tích.
Năm 2011, Trung tâm Khuyến nông TP. Hà Nội, Trạm Khuyến nông huyện Sóc Sơn đã hỗ trợ 50% kinh phí cho HTX đầu tư mua 1 lò hấp thanh trùng, 1 lò sấy nấm và 1 tủ bảo ôn với tổng chi phí là 150 triệu đồng; năm 2012 – 2013, hỗ trợ vốn vay 800 triệu đồng với lãi suất ưu đãi cho các hội viện.
Với những nỗ lực mong muốn mang nghề đi xa của HTX Sáng Thiện, trong những năm qua bà Thiện đã nhiệt tình chuyển giao công nghệ trồng nấm cho hàng trăm hộ gia đình ở Sóc Sơn và các tỉnh lân cận, giúp nhiều hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo, có của ăn của để.
Bà Đào Thị Thiện – Chủ nhiệm HTX Sáng Thiện cho biết: Ngoài sản xuất và tiêu thụ nấm cho các hộ gia đình trên địa bàn huyện Sóc Sơn, tôi còn chủ động phối kết hợp với Khuyến nông, Hội Phụ nữ trực tiếp đứng lớp giảng dạy nghề trồng nấm tại mô hình của HTX, đồng thời tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho những cá nhân có mong muốn làm, phát triển nghề. “Hiện, các học viên đến học tập mô hình của tôi ở đủ lứa tuổi từ 25 – 50 tuổi, chủ yếu ở các tỉnh miền Trung như: Nghệ An, Thanh Hóa”- bà Thiện nói.
Nói về kinh nghiệm làm nấm, bà Đào Thị Thiện chia sẻ: Mùa đông, HTX tập trung chủ yếu vào gieo trồng nấm linh chi, nấm sò, nấm mỡ, mộc nhĩ. Trồng nấm, điều quan trọng nhất là đảm bảo độ ẩm cho không gian nuôi trồng và độ ẩm của cánh nấm. Nếu độ ẩm không đảm bảo thì người trồng có nguy cơ thất thu rất cao.
Từ chỗ chỉ cung cấp nấm cho các chợ nhỏ lẻ trên địa bàn huyện Sóc Sơn, sản phẩm nấm tươi của HTX Sáng Thiện đã trở thành mặt hàng bán chạy tại Đông Anh, Thái Nguyên và hệ thống chợ, siêu thị lớn tại trung tâm Hà Nội. Không chỉ tạo việc làm thường xuyên cho 15 xã viên, HTX Sáng Thiện do bà làm chủ nhiệm còn góp phần tăng thu nhập cho khoảng 60 lao động thời vụ.
Có thể bạn quan tâm

Năm nay theo kế hoạch Vĩnh Châu sẽ thả nuôi 550 ha Artemia, dự kiến sản lượng đạt trên 35 tấn trứng. Để đạt được kết quả trên, thời gian qua bằng các nguồn lực, thị xã đã đầu tư hàng chục tỉ đồng để nạo vét lại tuyến kênh Bảy trăm, khơi thông dòng chảy, tạo điều kiện tốt nhất cho bà con làm muối và nuôi artemia.

Khởi nghiệp từ vốn vay mượn, anh Giang Văn Dương (22 tuổi), ngụ ấp 3, xã Đồng Tâm (Đồng Phú - Bình Phước) đã mạnh dạn đầu tư 1,5 tỷ đồng mở trang trại nuôi ong lấy mật. Đến nay, anh Dương đã có 1.000 thùng ong cho thu khoảng 1,5 tỷ đồng mỗi năm.

Cách đây khoảng 10 năm, tại xã Khánh Hòa, các hộ gia đình trồng cam chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mặc dù cây cam đã có mặt ở đất Khánh Hòa khá lâu nhưng kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nhiều gia đình vẫn còn hạn chế. Việc trồng cam thời gian đầu chỉ để có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống, còn thu nhập chính của người dân chủ yếu vẫn dựa vào sản xuất nông nghiệp.

Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết, diện tích nhãn trồng ở miền Nam vào khoảng 34.000 ha, trong đó có nhiều diện tích đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Nhãn là loại cây có thể xử lý ra trái quanh năm, đáp ứng được số lượng lớn để xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện diện tích này đang bị bệnh chổi rồng làm giảm năng suất và diện tích.

Được đưa vào huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) trồng từ năm 2005, sau 10 năm "bén duyên", giờ đây táo Đài Loan trở thành cây ăn quả có giá trị kinh tế cao đối với các hộ nông dân. Đây cũng là đặc sản của vùng đất Lục Ngạn được người tiêu dùng gần, xa ưa thích.