Khôi Phục Đàn Vật Nuôi Sau Tết

Sau Tết Nguyên đán, tổng đàn vật nuôi bị giảm tương đối mạnh do nhu cầu sử dụng thực phẩm phục vụ trong dịp Tết. Ước tính, để đáp ứng yêu cầu về thịt trong dịp Tết cổ truyền thì có hàng trăm nghìn con lợn, hàng triệu con gà và hàng nghìn con trâu, bò phục vụ nhu cầu thực phẩm Tết khiến tổng đàn sụt giảm đáng kể.
Tính đến hết quý IV năm 2014 toàn tỉnh có trên 777 nghìn con lợn; sản lượng thịt hơi đạt 98.506,2 tấn; đàn gia cầm đạt 11.514 nghìn con; trong đó đàn gà 9.839,2 nghìn con; sản lượng thịt hơi gia cầm đạt 23.505,2 tấn; tổng đàn bò đạt 96.127 con; trong đó, bò lai 60.889 con, sản lượng thịt hơi đạt 5.701,8 tấn; tổng đàn trâu đạt 71.587 con, sản lượng thịt hơi đạt 3.763,4 tấn.
Điều đáng mừng là hiện nay trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều trang trại chăn nuôi lợn 100% máu ngoại sinh sản, áp dụng phương thức chăn nuôi công nghiệp khép kín. Tổng số trang trại, gia trại hiện có trên địa bàn tỉnh năm 2014 theo tiêu chí mới là 87 trang trại, 10 doanh nghiệp có chăn nuôi, 2.047 gia trại chăn nuôi lợn và 128 gia trại chăn nuôi gia cầm.
Các trang trại tập trung chủ yếu ở các huyện: Phù Ninh, Lâm Thao, Tam Nông, Đoan Hùng, Yên Lập và thị xã Phú Thọ... Chăn nuôi gia cầm đang có xu hướng phát triển mạnh cả về số và chất lượng, đã từng bước hình thành các vùng chăn nuôi trang trại, hộ chăn nuôi tập trung, có quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hoá.
Trong năm qua, ngành chăn nuôi phát triển tốt, giá cả thị trường khá ổn định ở mức cao. Đó là tiền đề cho việc tái đàn vật nuôi sau Tết thực hiện được thuận lợi. Ông Trần Văn Vân, một hộ chuyên nuôi gà ở xã Tân Phú, huyện Tân Sơn cho biết: Năm qua, giá gà khá ổn định, người chăn nuôi có lãi, như gia đình tôi sau khi trừ chi phí cũng còn lãi trên 60 triệu đồng. Vì thế ngay từ trước Tết, tôi đã tìm và đặt mua gà giống, xuất hết lứa gà phục vụ Tết là tôi có ngay con giống gối vụ, không để chuồng trại trống.
Còn ông Nguyễn Xuân Trường, xã Hương Lung, huyện Cẩm Khê khẳng định: Sau Tết năm Giáp Ngọ, giá lợn xuống thấp khiến nhiều hộ nuôi lợn như gia đình tôi không dám tái đàn vội. Nhưng đến giữa năm, giá cả cứ nhích dần lên, chăn nuôi có lãi. Năm nay sau Tết, giá lợn hơi vẫn khá ổn định nên chúng tôi cũng yên tâm đầu tư tái đàn.
Trong năm qua có nhiều TBKT được áp dụng trong chăn nuôi: Nhiều giống mới, năng suất cao, chất lượng tốt được đưa vào; thức ăn, thuốc thú y phong phú, đa dạng; nhiều phương thức chăn nuôi tiên tiến đã được người chăn nuôi quan tâm áp dụng, nhất là đối với các trang trại.
Công tác quản lý Nhà nước về chăn nuôi; công tác thú y phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ, kiểm dịch vận chuyển đã được các cấp, các ngành quan tâm, tăng cường nhất là đối với các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, cơ sở sản xuất giống vật nuôi; ý thức người dân trong chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh đã từng bước được nâng lên. Do đó năng suất, chất lượng các sản phẩm chăn nuôi ngày một nâng lên, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi, cải thiện đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, để chăn nuôi thực sự phát triển bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp thì vẫn cần phải khắc phục những tồn tại như: Hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát, chăn nuôi phân tán; xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi ở các khu dân cư; nâng cao trình độ kỹ thuật, khả năng đầu tư thâm canh của người dân, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước của một bộ phận người dân; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương đến với nhiều hộ chăn nuôi.
Đẩy mạnh việc đổi mới phương thức chăn nuôi truyền thống, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp sang phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, hàng hoá. Tạo ra mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tránh phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Quy hoạch, xây dựng và đưa vào sử dụng các điểm giết mổ đạt quy định để đảm bảo an toàn vệ sinh; nâng cao năng lực sản xuất và cung ứng con giống đảm bảo tiêu chuẩn...
Có thể bạn quan tâm

Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng vừa hoàn thiện và chuyển giao “quy trình sản xuất cà rốt đẹp” cho nông dân các khu vực chuyên canh cà rốt như Trại Mát, Xuân Thọ (Đà Lạt) với tổng diện tích gieo trồng khoảng 2.000 ha/năm.

Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang vừa triển khai thực hiện dự án hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 5 hecta tại hộ nuôi tôm Trần Văn Mừng, ấp Pháo Đài, xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông.

Sau khi Báo SGGP có bài phản ánh “Ùn ùn bán đáy ao tôm… trả nợ”, ngày 21-5, UBND huyện Duyên Hải (Trà Vinh) có công văn chỉ đạo ngành chức năng tạm ngưng cấp phép cải tạo ao hồ tận thu cát trên địa bàn 2 xã Dân Thành và Trường Long Hòa, kiểm tra thực tế, báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Cách đây hơn 10 năm, huyện Châu Thành (Tiền Giang) phát động phong trào nuôi bò sữa, xem đây là mô hình mới giúp nông dân phát triển kinh tế, tăng thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống.

Chi cục Thuỷ sản tỉnh Hải Dương vừa phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu quan trắc, cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh thuỷ sản khu vực miền Bắc (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản I) tổ chức thu mẫu nước tại khu nuôi thuỷ sản tập trung ở các xã Đoàn Kết (Thanh Miện), Tái Sơn, Minh Đức (Tứ Kỳ).