Khóc trên mỗi vuông tôm, ao cá

Vòng luẩn quẩn nuôi cá tra
Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Thới An (Ô Môn, Cần Thơ), cho biết, do thị trường xuất khẩu khó khăn, nên doanh nghiệp (DN) mua cá tra cho dân cũng e dè. Hiện giá cá tra người nuôi bán ở mức 21.000 đồng - 21.500 đồng/kg và đang có xu hướng giảm. Đây là mức không có lãi.
“Cá tra nuôi chỉ bán cho DN xuất khẩu. Do họ gặp khó khăn thị trường nên sức mua yếu. Nếu DN mua, họ cũng trả chậm, thường chia làm 4 đợt trong 2 tháng”- ông Hải nói.
Theo ông Hải, người nuôi cá tra đang trong vòng luẩn quẩn và trên đà đi xuống nghiêm trọng. Giá giảm, cá không bán được, không ít người rơi vào cảnh “treo ao”. “Nông dân họ gắn với nghiệp của họ lắm. Có ruộng, có ao, mà không nuôi cá, trồng lúa thì họ biết lấy cái gì mà ăn. Nếu trồng cây khác, thì ai tiêu thụ, lại chết. Họ lại nuôi cá, để hy vọng thời gian nữa giá cá sẽ hồi phục, và trừ khi vét sạch tiền, nếu còn đồng nào họ lại tiếp tục đổ vào ao, nuôi hy vọng”- ông Hải nói.
Lãnh đạo một DN xuất khẩu cá tra lớn cho biết, với giá cá chỉ 21.500-22.000 đồng/kg, chỉ làm theo chu trình khép kín mới có lãi; người nuôi thông thường chỉ hòa hoặc lỗ. Theo vị này, tình cảnh xuất khẩu cá tra đang “rất bết”. “Giá xuất khẩu đang xấu, mấy ông DN nhỏ lại đảo vốn, đạp giá xuống để quay vòng vốn, lấy tiền trả lương công nhân. Mấy ông lớn, họ làm rồi bỏ kho lạnh, khi thuận lợi họ mới xuất”- vị này nói.
Theo các DN xuất khẩu tôm, giá tôm sú, tôm thẻ chân trắng làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu đã rớt khoảng 20-30%. Phần lớn người nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp ở Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng đang cố giữ, chờ giá.
Ông Triệu Nghĩ, ở xã Vĩnh Trạch Đông (thành phố Bạc Liêu) có vài chục héc-ta tôm công nghiệp đành phải thả thưa để chờ. “Với giá tôm hiện nay, nuôi 2 ao tôm có 1 ao trúng đậm, 1 ao thất bại là lỗ vốn rồi. Nuôi tôm công nghiệp rủi ro, đâu ai dám chắc ăn?”- ông Triệu Nghĩ nói.
Còn ông Lâm Văn Linh ở xã Vĩnh Trạch Đông (thành phố Bạc Liêu) cho biết: Bà con quanh vùng dừng thả giống, tập trung cải tạo ao, chờ cơ hội. “Chi phí nuôi được 1 kg tôm nguyên liệu khoảng 100.000 đồng loại 30 con/kg, giá 140.000đồng/kg là lỗ vốn”- ông Linh nói.
Doanh nghiệp chật vật, nông dân điêu đứng
Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng giám đốc Cty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (một trong những DN xuất khẩu tôm lớn ở Việt Nam) cho biết: Trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu của Thuận Phước đạt hơn 20 triệu USD, giảm khoảng 5% về lượng, nhưng giảm tới 25% về giá trị, do giá thế giới tụt.
“Nông dân họ gắn với nghiệp của họ lắm. Có ruộng, có ao, mà không nuôi cá, trồng lúa thì họ biết lấy gì để ăn. Nếu trồng cây khác, ai tiêu thụ? Nếu còn đồng nào họ lại tiếp tục đổ vào ao, nuôi hy vọng”.
Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Thới An
Theo ông Lĩnh, năm nay, tôm Ấn Độ, Indonesia trúng mùa, đồng tiền của họ cũng mất giá, nên dù giá tôm của họ thấp hơn tôm Việt Nam khoảng 2 USD/kg, doanh nghiệp vẫn có lời. “Nếu bán theo giá thế giới, tôm Việt Nam thấp hơn giá thành sản xuất nên sẽ lỗ. Tuy nhiên, cái quan trọng không phải giảm sút về doanh số, mà với giá đó và nếu làm hiện nay, nông dân Việt Nam không nuôi được”- ông Lĩnh nói.
Trong khi đó, ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch Tập đoàn Sao Mai thông tin, trong vài tháng qua, sản lượng xuất khẩu cá tra của tập đoàn cũng tụt tới 20% so với cùng kỳ do sức mua yếu. Theo ông, lâu nay, thị trường châu Âu chiếm khoảng 30-40% thị phần xuất khẩu của Sao Mai, nhưng nay còn khoảng 10%. Do đó, Sao Mai sẽ chuyển hướng sang thị trường Nam Mỹ, ASEAN và Trung Quốc… .
Ông Thuấn cũng cho rằng, trong khi thị trường khó khăn, nếu vẫn áp dụng Nghị định 36 về quản lý cá tra (đã cho phép lùi thời gian áp dụng đến hết năm 2015), sẽ tạo sức ép rất lớn cho các DN. “Về nguyên tắc, khi có đơn hàng, cá nguyên liệu sẽ đưa vào kho 2/3, còn lại 1/3 xuất đi. Nhưng 2/3 trong kho, hiện vẫn theo cách cũ, trong khi chưa có khách hàng nào đặt theo tiêu chuẩn của Nghị định 36 đưa ra cả”- ông Thuấn nói.
Theo “vua cá tra” Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Cty CP Hùng Vương, kim ngạch xuất khẩu cả tôm, cá tra đều giảm khoảng 18%. Tuy nhiên, thông thường, xuất khẩu thủy sản kỳ vọng từ quý III trở đi sẽ khởi sắc; nhưng do giá thấp, nên khó đạt con số xuất khẩu bằng năm ngoái.
Ông Minh cho rằng, thị trường Mỹ giảm tiêu thụ thủy sản Việt Nam giảm tới 30% thời gian qua, vì rơi vào mùa hè. Dự kiến, năm nay xuất khẩu cá tra có thể trở lại 1,8 tỷ USD và chủ yếu xuất qua các thị trường mới như Thái Lan, Singapore, Indonesia, Trung Quốc…
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), với diễn biến xấu trong mấy tháng đầu năm, một số diện tích nuôi tôm và cá tra đã giảm, khả năng quý III/2015 sẽ tiếp tục thiếu nguyên liệu trầm trọng.
Có thể bạn quan tâm

Năm qua, tình hình sản xuất mặt hàng này vẫn giữ vững mức tăng trưởng. Sản lượng bánh phồng tôm ước đạt trên 12 ngàn tấn (trong đó, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Sa Giang chiếm 46,71%, Công ty cổ phần thực phẩm Bích Chi chiếm 49%), tăng 16,34% so với năm 2013, đạt 114,57% so với kế hoạch.

Không riêng gì gia đình anh Trạng, rất nhiều bà con trong vùng có nguồn thu nhập cao nhờ nuôi sò. Có hộ nuôi thành công nhiều năm nay và được bà con địa phương đặt cho cái biệt danh thật thân thương gắn liền với con sò. Ông Tám "sò" (ông Nguyễn Văn Tám, một trong những người nuôi sò đầu tiên ở Cái Nước) đã xây được nhà cửa khang trang. Cũng nhờ nuôi sò, ông mua thêm được 5 công đất.

Huyện đã triển khai thực hiện hàng loạt các quy hoạch liên quan như: Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thuỷ sản huyện Đầm Hà đến năm 2020, định hướng 2030; quy hoạch chi tiết phát triển sản xuất nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; quy hoạch chi tiết khu nuôi trồng thuỷ sản bãi triều xã Tân Bình; quy hoạch vùng nuôi thuỷ sản an toàn…

Tết năm nay trên quê hương Năm Căn (Cà Mau) sẽ có nhiều đổi mới. Dọc theo những con đường bê-tông về các xã, đi vào từng ấp, hai bên đường cây ăn trái được trồng xen canh. Đây là chủ trương của huyện vận động Nhân dân tận dụng đất trống vườn nhà trồng rau màu, cây ăn trái. Phía sau những vườn cây, rau màu là những đầm tôm, rừng đước mênh mông.

Âu thuyền Thọ Quang những ngày cuối năm nhộn nhịp hẳn lên. Trên các cầu cảng, ngư dân khẩn trương vá lưới, buộc chì, buộc phao. Dưới tàu, các máy trưởng kiểm tra lại máy móc, các thiết bị liên lạc, máy dò cá… chuẩn bị sẵn sàng trước giờ vươn khơi. Trên các cầu cảng, nhiều xe chở dầu, lương thực, thực phẩm, nước uống đậu kín chờ bốc xuống tàu.