Khoai tây Trung Quốc hết cửa trộn đất đỏ để đội lốt

Trộn đất đỏ vào khoai tây là hành vi “gian lận thương mại”
Trước tình trạng khoai tây Trung Quốc đội lốt Đà Lạt, mới đây, UBND Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương này tăng cường công tác kiểm tra xử lý hành vi “gian lận thương mại” đối với loại nông sản trên.
Khoai tây Trung Quốc "đội lốt" khoai Đà Lạt. Hình chụp tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức.
Cụ thể, UBND yêu cầu Sở Công thương phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn, chứng từ của khoai tây nhập vào tỉnh không đảm bảo chất lượng, không có nguồn gốc rõ ràng để xứ lý theo quy định.
Bên cạnh đó, Lâm Đồng yêu cầu xác định động cơ của hành vi trộn đất đỏ của Đà Lạt vào khoai tây Trung Quốc trước khi đi tiêu thụ của một số cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố Đà Lạt.
Tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo phải áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để kiểm tra, xử lý hành vi “gian lận thương mại” bán khoai tây Trung Quốc giả khoai tây Đà Lạt.
Do đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị các đơn vị liên quan cần nhanh chóng xây dựng tiêu chí nhận dạng khoai tây Trung Quốc với khoai Đà Lạt để thông báo rộng rãi đến người dân và các tiểu thương được biết.
Khoai tây Trung Quốc vẫn tràn chợ
Khảo sát của Một Thế Giới, tại các chợ ở TP.HCM như: chợ đầu mối Thủ Đức, chợ Thạnh Mỹ Lợi (quận 2), chợ Tăng Nhơn Phú (quận 9), chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh)…. khoai tây Trung Quốc vẫn được bày bán tràn lan. Mức giá dao động tại các chợ lẻ này chủ yếu từ 15.000 – 25.000 đồng/kg.
Theo một số tiểu thương, nguyên nhân khiến khoai tây Trung Quốc tràn ngập chợ là do loại khoai này giá rẻ và hàng có đều suốt quanh năm, còn khoai tây Đà Lạt thường có giá cao hơn mà lại hiếm hàng. Thời điểm thu hoạch chính vụ của khoai tây Đà Lạt là trước và sau Tết Nguyên đán. Lúc đó giá khoai Đà Lạt chỉ trên dưới 10.000 đồng một kg, củ to, đẹp, sản lượng lớn nên chả ai đi làm giả hàng Trung Quốc thành khoai nội.
Vì vậy, trên thị trường, lâu nay xuất hiện tình trạng nhiều tiểu thương nhập khoai tây về, sau đó rửa sạch lớp đất đen của khoai tây Trung Quốc và phủ một lớp đất đỏ của Đà Lạt lên. Việc này đã diễn ra từ lâu song không thể cấm vì chủ hàng có đầy đủ giấy tờ xuất trình. Mặt khác, không thể nói việc “đội lốt” này là biểu hiện gian lận thương mại vì họ vẫn khẳng định đây là khoai tây Trung Quốc.
Trong khi đó, thông thường khi khách mua, các tiểu thương ở chợ đều cho biết loại khoai này là khoai tây Đà Lạt. Như vậy, với mác khoai tây Đà Lạt, giá của nông sản này tăng gấp 3 đến 4 lần. Trong khi đó, người mua thường khó phân biệt được đâu là khoai Trung Quốc, và đâu là khoai Đà Lạt bởi hình dáng bên ngoài nhìn rất giống nhau.
Cách phân biệt
Để phân biệt khoai tây Trung Quốc, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đã công bố đặc điểm nhận dạng bằng mắt thường cho người tiêu dùng được rõ.
Theo đó, với khoai tây loại da hồng, trong khi củ khoai Trung Quốc to, dài, kích thước đồng đều, vỏ dày, trên vỏ có các chấm li ti, mắt củ to, ruột khoai có màu vàng đậm, thì khoai tây Đà Lạt củ vừa phải, hình bầu dục hoặc tròn, ít đồng đều, vỏ mỏng nên dễ bị trầy, mắt củ ít và nhỏ, ruột có màu vàng nhạt.
Cách nhận diện tương tự đối với khoai tây da vàng. Tuy nhiên, ruột khoai tây da vàng Trung Quốc có màu trắng hơi ngả vàng, còn ruột khoai Đà Lạt có màu vàng, ươm. Nếu dùng ngón tay lướt trên bề mặt cắt ngang của khoai thì thấy khoai tây Trung Quốc nhiều nước, còn khoai Đà Lạt khô.
Bên cạnh đó, theo một số tiểu thương tại chợ đầu mối nông sản Bình Điền, đặc điểm dễ nhận biết nhất là vỏ khoai tây Đà Lạt mỏng hơn nên thường bị trầy xước nhiều ngay khi thu hoạch và trong quá trình đóng hàng, vận chuyển.
Ngoài ra, khoai tây Trung Quốc có kích cỡ củ rất đều, gần như tuyệt đối 10 củ như một, củ thường dài hơn khoai tây Đà Lạt, vỏ khoai trơn bóng, ít trầy xước. Một đặc điểm nữa để nhận biết là giống khoai của Trung Quốc có mắt ở củ to hơn khoai Đà Lạt.
Có thể bạn quan tâm

Theo Vụ thị trường Châu Phi, Nam Á, Tây Á, với dân số đông nhất trên giới (1,7 tỷ người) cùng thói quen sử dụng hạt tiêu trong món ăn, ngành tiêu Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để tăng lượng xuất khẩu mặt hàng này vào khu vực Nam Á.

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch XNK hai chiều giữa Việt Nam và Mexico 3 quý đầu năm 2014 gần đạt ngưỡng 1 tỉ đô la Mỹ, ước đạt 986 triệu USD, tăng 45% so với cùng kỳ 2013.

Lọt vào nhóm các ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu (XK) “tỷ đô” mỗi năm, tuy nhiên, XK rau quả của Việt Nam vẫn chưa xứng với tiềm năng. Đặc biệt, ở những thị trường lớn như Nhật Bản, Hoa Kỳ, thị phần rau quả Việt còn rất hạn chế.

Đơn cử như Huyện hội thì phối hợp với Trung tâm dạy nghề mở các lớp dệt thổ cẩm cho phụ nữ dân tộc thiểu số và vận động 12 chị tham gia các lớp cạo mủ cao su, tin học. Hội phụ nữ các xã Đắk D’rô, Tân Thành mở được 2 lớp xóa mù chữ cho 47 hội viên, phụ nữ dân tộc, tôn giáo.

Hiện ở nước ta có nhiều vùng trồng mắc ca, song chủ yếu tập trung ở vùng Tây Nguyên và Tây Bắc. Thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, tổng diện tích trồng mắc ca tại Tây Nguyên là 1.645 ha, Tây Bắc, diện tích rừng trồng mắc ca chưa lớn, chủ yếu tập trung tại Sơn La, Điện Biên và một số tỉnh đang trồng thử nghiệm.