Khoai Lùn Thái Trồng Chơi Ăn Thật

Vài năm trở lại đây, người dân Núi Cấm (An Giang) đua nhau trồng một loại khoai tốn ít chi phí mà hiệu quả kinh tế lại cao.
Chỉ cần bỏ ra chừng một triệu đồng, có thể cho thu nhập cả chục triệu đồng nên đời sống bà con vùng núi cũng nhờ đó mà khấm khá hơn.
Đó là khoai lùn Thái (tên người dân địa phương thường gọi) đang được nông dân Núi Cấm thu hoạch rầm rộ trong dịp này. So với các loại nông sản khác thì khoai này có giá cả ổn định nhất, ít tốn công chăm sóc và chi phí, nên ai ở Núi Cấm cũng trồng xen với cây rừng để kiếm thêm thu nhập.
Gia đình anh Nguyễn Văn Chính, ấp Vồ Bà, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang, trước đây trồng đậu que, sắn vừa tốn chi phí vừa phải chăm sóc thường xuyên, lại thêm sâu bệnh nhiều nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Kể từ năm 2013 đến nay, anh đã chuyển gần một công đất sang trồng khoai lùn Thái.
Anh Chính cho biết, loại khoai này chỉ cần trồng và bón phân hai lần rồi làm cỏ thì có thể bỏ đó, chờ đến ngày thu hoạch mà không sợ bị thiệt hại gì hết. “Lúc trước tôi trồng nhiều loại cây lắm nhưng cây nào cũng sâu bệnh và tốn chi phí. Từ lúc trồng khoai lùn Thái tôi khỏe re” – anh Chính nói.
“Nói chung cây khoai lùn Thái dễ trồng và có thể xen với các loại cây trồng khác dưới tán rừng mà không sợ bị ảnh hưởng, vẫn cho thu nhập khá. Giá nó không cao nhưng ổn định. Vùng núi này đang phát triển cũng nhờ cây khoai Thái đấy”, ông Dương Ánh Đông nói.
Người trồng khoai Thái lâu năm nhất phải nói đến anh Hồ Văn Cu. Anh trồng khoai lùn Thái được hơn 5 năm nay. Gia đình anh nhờ vậy mà khấm khá lên. Anh mướn đất trồng được 6.000 m2 khoai lùn Thái. Theo anh, loại khoai này chỉ trồng được vào mùa mưa (bắt đầu từ tháng tư âm lịch) đến cuối tháng mười âm lịch là có thể thu hoạch được.
Bình quân, mỗi công đất chỉ tốn khoảng một triệu đồng tiền chi phí nhưng thu hoạch được 1,5 tấn đến 2 tấn khoai, với giá dao động từ 10.000đ đến 12.000đ/kg, anh thu về lợi nhuận thấp nhất cũng 10 triệu đồng/công.
Theo anh Cu, khoai Thái có thể trồng xen kẽ với các loại cây trồng khác mà không sợ bị sâu bệnh hay tốn diện tích gì hết. “Gia đình tôi hiện vợ con đang sống sung túc. Có thể trồng khoai Thái chung với xoài hay mãng cầu cũng được, nó dễ trồng mà giá cả ổn định. Có lúc nhổ một bụi mà nặng hơn 3 kg” – anh Cu nói.
Còn anh Bùi Văn Đen, chủ cơ sở thu mua nông sản nằm dưới chân Núi Cấm cho biết, năm nay đa số mặt hàng nông sản giảm giá từ 30% đến 40% so với mọi năm, nhưng khoai lùn Thái không giảm. Sở dĩ khách hàng chọn lựa vì nó ngọt và bùi. Cũng khoai Thái mà trồng ở đồng bằng thì chất xơ nhiều nên khách không chuộng.
Bình quân mỗi ngày cơ sở anh thu mua khoảng 2 tấn khoai lùn Thái để bán cho các thương lái ở chợ trong và ngoài tỉnh như: Kiên Giang, TP.HCM… "Giống khoai Thái chỉ trồng ở đây và Đà Lạt là ăn ngon thôi. Còn các nơi khác trồng không có hương vị vậy đâu”, anh Đen nói.
Theo ông Dương Ánh Đông, Trưởng trạm BVTV huyện Tịnh Biên, An Giang, cách đây 5 năm ông đã vận động bà con trên Núi Cấm trồng thử khoai Thái, thấy hiệu quả kinh tế cao nên hiện giờ bà con phát triển ồ ạt.
Ông cũng cho biết thêm, có người còn gọi là khoai Từ, nhưng bà con ở đây gọi là khoai lùn Thái. Nó ăn ngon hơn rất nhiều so với khoai lùn thông thường. Đây là loại cây có củ lùn hình tròn, cuống dài kết thành từng chùm, ruột màu trắng trong, phần nhân màu trắng đục chứa nhiều tinh bột.
Có thể bạn quan tâm

Vài năm trở lại đây, nhiều hộ nuôi tôm ở Lấp Vò (Đồng Tháp) lâm vào tình trạng thua lỗ hoặc lợi nhuận thấp do thời tiết diễn biến bất thường, nguồn tôm giống bị thoái hóa.

Nhiều trang trại nuôi gà đẻ trứng tại các huyện: Vĩnh Cửu, Trảng Bom và Xuân Lộc (Đồng Nai) cho biết, hiện giá trứng gà bán ra tại trại chỉ còn 18-19 ngàn đồng/chục, giảm 2-3 ngàn đồng/chục so với cuối tháng 8-2013. Giá trứng gà giảm là do nhu cầu tiêu thụ chậm lại so với gần 2 tuần trước. Năm nay, nhu cầu mua trứng để làm bánh trung thu không nhiều, nên giá trứng ít biến động.

Lãnh đạo UBND huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) vừa khảo sát và làm việc với 18 hộ dân ấp Vàm Hồ, xã An Thạnh Nam nhằm bàn biện pháp khắc phục vùng nuôi tôm bị thiệt hại.

Một số nơi trong tỉnh Bắc Giang, có việc chính quyền sở tại cho nông dân thầu hoặc buông lỏng quản lý để xảy ra nhiều trường hợp lấn chiếm lưu vực, dòng kênh tiêu để nuôi thả cá. Việc làm này mang lợi ích cho số ít người nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác tiêu úng, gây thiệt hại lớn về sản xuất của hàng trăm hộ dân.

Dù tỷ lệ thiệt hại đến tuần đầu tháng 9 vẫn còn ở mức 28,8%, nhưng vụ nuôi tôm nước lợ 2013 của tỉnh Sóc Trăng đã và đang diễn biến khá thuận lợi, khi phần lớn diện tích thu hoạch không chỉ đạt năng suất, mà giá bán cũng luôn ở mức cao. Dù vụ tôm 2013 chưa kết thúc nhưng nỗi lo cho vụ tôm 2014 đã hiện hữu, với không ít vấn đề đặt ra cho ngành chức năng và chính quyền địa phương.