Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Khoai Lang Tím Nhật Vừa Trồng Vừa Lo

Khoai Lang Tím Nhật Vừa Trồng Vừa Lo
Ngày đăng: 19/04/2014

Những năm trước đây, mặc dù nông dân trồng khoai lang ở huyện Châu Thành (Đồng Tháp) bao phen lao đao với khoai lang tím Nhật. Tuy nhiên, đến hẹn lại lên, khi giá khoai “sốt” mạnh, bà con nông dân tiếp tục trồng khoai lang tím trở lại, dù lòng vẫn canh cánh nỗi lo.

Diện tích khoai lang tím Nhật tăng

Bài học kinh nghiệm sau lần thương lái Trung Quốc “bỏ của chạy lấy người” vẫn còn đó nhưng đến nay hầu như diện tích trồng khoai lang ở huyện Châu Thành vẫn không giảm. Theo thống kê của Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) huyện Châu Thành, diện tích trồng khoai lang vụ đông xuân 2013 - 2014 trên toàn huyện trên 1.200ha, vụ hè thu hơn 1.000ha và nhận định diện tích trồng khoai lang của toàn huyện trong năm 2014 sẽ tăng mạnh so với năm 2013.

Nguyên nhân khiến diện diện tích trồng khoai lang năm 2014 tăng mạnh là do giá cả ổn định. Tính từ đầu năm đến nay, giá khoai luôn ở mức cao, trung bình từ 550 ngàn - 850 ngàn đồng/tạ (60 kg). Với mức giá này, nông dân trồng khoai lang tím Nhật lãi cao hơn so với trồng lúa và các loại cây màu khác.

Khi được hỏi vì sao bà con lại trồng khoai lang tím mà không trồng các loại cây màu khác, nhiều nông dân cho biết, khoai lang tím là loại cây dễ trồng, lại nhẹ công chăm sóc. Hơn nữa, một số vùng đất nông dân quen trồng khoai lang lâu năm nên không mặn mà với các loại cây trồng khác.

Mặc dù được giới chuyên môn khuyến cáo không nên tập trung diện tích trồng khoai lang tím Nhật bởi thị trường tiêu thụ không ổn định nhưng lợi nhuận là sức hút không thể chối từ đối với nhà nông.

Đang hì hụi thu hoạch khoai trên ruộng, anh Nguyễn Văn Phúc ngụ ấp Phú Hòa, xã Phú Long tâm sự: “Ai mà không biết trồng khoai lang tím Nhật nhiều rủi ro do thị trường tiêu thụ không ổn định. Trước đây một tháng, giá khoai cao nhất gần 900 ngàn đồng/tạ, vậy mà đến giờ tôi thu hoạch chỉ còn 550 ngàn đồng/tạ. Mặc dù giá cả như thế, nhưng nếu mùa nào trúng khoai lại trúng giá thì lời hơn trồng lúa và các loại màu khác”.

Lo sâu “lạ” tấn công khoai lang

Gần đây, bên cạnh tăng diện tích, thì tình hình sâu bệnh gây hại trên cây khoai lang cũng tăng theo. Những loại sâu bệnh gây hại khiến nông dân e ngại nhất là bọ hà (con sùng) tấn công củ làm giảm năng suất, bệnh héo rủ do nấm... Tuy nhiên, những tháng gần đây, trên địa bàn một số xã như: Phú Long, Tân Phú, Hòa Tân... phát hiện một loại sâu lạ tấn công vào phần củ khoai làm cho củ khoai bị thủng nhiều lỗ nhỏ, gây mất giá trị thương phẩm. Nhiều nông dân trắng tay khi khoai bị loại sâu lạ này tấn công.

Theo số liệu của Trạm BVTV huyện Châu Thành, loại sâu lạ này đã gây hại trên 62ha và theo dự báo, tình hình gây hại này sẽ còn tiếp tục tăng cao do nông dân trồng khoai liên tục trong năm.

Nhiều nông dân trồng khoai lang ở huyện Châu Thành cho biết, loài sâu lạ này xuất hiện vài năm trở lại đây, mức độ thiệt hại từ 1 - 5%. Tuy nhiên, năm nay mức độ gây hại do chúng gây ra tăng mạnh và có chiều hướng bùng phát ở nhiều khu vực. Loài sâu này có kích thước nhỏ bằng đầu tăm nhang, dài khoảng 2 lóng tay, trên mình có lăm tăm lông măng và di chuyển rất nhanh.

Đây là loại sâu mới nên bà con vẫn chưa biết là thuộc nhóm sâu nào. Do khả năng gây hại trên diện rộng nên nông dân đặt cho loài sâu này biệt danh là “con tàn mạt”.

Anh Trương Văn Hiền ngụ ấp Phú Hòa, xã Phú Long rầu rỉ nói: “Lần đầu tiên trong đời trồng khoai lang tôi mới thấy cảnh này, khoai gần như mất trắng. Thu hoạch 6 công khoai được 250 tạ nhưng bán chỉ được 10% khoai nguyên, còn 90% bị sâu ăn, bán chỉ 20 ngàn đồng/tạ. Như vậy thì hỏi sao mà không lỗ. Con sâu này đúng là con tàn mạt, nó đi đến đâu là tàn mạt đến đó!”.

Lí giải một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng gây thiệt hại trên diện rộng này, Trạm BVTV huyện Châu Thành cho biết: Do giá khoai tăng liên tục nên nông dân sản xuất ồ ạt mà không cho đất nghỉ ngơi, dẫn đến nguồn thức ăn cho sâu hại dồi dào. Vì vậy, chúng có điều kiện thuận lợi tăng nhanh mật số và gây hại trên diện rộng.

Nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do sâu bệnh gây ra, Trạm BVTV khuyến cáo nông dân không nên trồng nhiều vụ khoai liên tiếp để cắt đứt nguồn thức ăn của sâu hại; sau khi thu hoạch, nên cho đất nghỉ và ngâm đất ít nhất 20 ngày mới trồng lại để diệt ấu trùng và một số bệnh hại lưu tồn trong đất; thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, khi thấy sâu xuất hiện thì có thể phun thuốc lưu dẫn hoặc rải các loại thuốc dạng hạt để tiêu diệt...


Có thể bạn quan tâm

Mở toang cửa xuất khẩu rau quả tiềm năng thị trường và câu chuyện trái Kiwi Mở toang cửa xuất khẩu rau quả tiềm năng thị trường và câu chuyện trái Kiwi

Từ chủ đề thời sự nhất với XK nông sản là vải thiều lên máy bay đi Mỹ, Úc, nông sản Việt Nam nói chung, rau quả nói riêng đã tiến những bước rất dài.

09/06/2015
Nhà vườn khóc ròng vì đu đủ chẳng ai mua Nhà vườn khóc ròng vì đu đủ chẳng ai mua

Sau hành tím Vĩnh Châu và ổi lê, nhà vườn trồng đu đủ ở ĐBSCL như đang ngồi trên đống lửa vì đến kỳ thu hoạch nhưng chẳng thương lái nào mua, dù giá bán rẻ mạt.

09/06/2015
Xuất qua nhiều cửa khẩu, vải thiều được giá cao Xuất qua nhiều cửa khẩu, vải thiều được giá cao

Khác với mọi năm, vụ mùa vải thiều này, các chủ hàng được xuất bán qua các cửa khẩu chính của Lạng Sơn, như: Tân Thanh, Cốc Nam (huyện Văn Lãng), Chi Ma (huyện Lộc Bình). Hàng hóa trao đổi nhanh chóng, giá cả nhích lên từng ngày.

09/06/2015
Việt Nam dẫn đầu đấu thầu cung cấp gạo cho Philippines Việt Nam dẫn đầu đấu thầu cung cấp gạo cho Philippines

Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines (NFA) cho biết, Việt Nam đã dẫn đầu trong buổi đấu thầu cuối tuần qua về cung cấp gạo cho Philippines, với mức giá chào bán 410,12 USD/tấn, thấp hơn giá của Thái Lan.

09/06/2015
Hàng nông, thủy sản Việt Nam đã có những đối thủ cạnh tranh Hàng nông, thủy sản Việt Nam đã có những đối thủ cạnh tranh

Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản chủ lực của Việt Nam như gạo, càphê, cao su và thủy sản đã bị suy giảm nghiêm trọng, tác động xấu đến nông nghiệp Việt Nam.

09/06/2015