Khoai Lang Tím Đắt Hàng

Giá khoai lang tím đang tăng cao tạo thu nhập tốt cho nông dân. Nhằm tránh lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp đã tích cực tìm kiếm thêm nhiều thị trường khác khiến cho việc xuất khẩu khoai lang tím ngày càng rộng mở.
Khống chế diện tích trồng
Ông Nguyễn Văn Tâm ngụ ở xã Tân Thành, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long có 2 công đất (1 công = 1.000m2) trồng khoai lang tím cho biết, giá khoai lang tím mấy ngày nay tiếp tục tăng, hiện đã lên đến mức 900.000 - 950.000 đồng/tạ (60kg).
“Nguyên nhân giá khoai tăng mạnh ở thời điểm này do trong mùa lũ khoai chỉ trồng trên vùng đất cao, có đê bao, vì thế số lượng hạn chế, không đại trà như trong những mùa vụ khác nên hút hàng giá tăng” - ông Tâm giải thích.
Với mức giá này nông dân đang có lời khoảng 400.000 - 450.000 đồng/tạ. Một mức lời hấp dẫn, gần gấp đôi giá thành khiến nhiều nông dân không ngần ngại mua vải cao su ven xung quanh bờ tránh nước lũ để trồng khoai. Không ít ruộng đã xuống giống xong nhưng lũ tràn về phải đặt máy bơm nước liên tục.
Với giá bán khá hấp dẫn, chỉ cần 900.000 đồng/tạ là nông dân đã bỏ túi lời hơn 25 triệu đồng/công, cao gấp hàng chục lần trồng lúa nên đâu cần nghĩ ngợi, vừa xong vụ lúa hè thu là nhà tôi làm đất, lên liếp, gia cố đê bao, mạnh dạn đầu tư trồng ngay 3 công khoai lang tím” - ông Trần Văn Út ở xã Nguyễn Văn Thảnh, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long hồn hậu nói.
Huyện Bình Tân là một trong những huyện có diện tích trồng khoai lang tím nhiều nhất các tỉnh ĐBSCL. Theo Phòng NNPTNT huyện, đến thời điểm cuối tháng 10.2013, toàn huyện đã xuống giống được 7.232ha khoai lang. Thạc sĩ Võ Văn Theo - Trưởng phòng NNPTNT huyện Bình Tân cho biết, huyện luôn có chủ trương khuyến cáo bà con khống chế diện tích trồng nhằm đảm bảo đầu ra tiêu thụ ổn định, có được giá bán cao.
“Vấn đề ngành nông nghiệp băn khoăn nhất hiện nay là thị trường tiêu thụ khoai lang còn phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Nên nếu bà con thấy giá tăng trồng ồ ạt, rồi khi thị trường Trung Quốc không “ăn hàng” nữa chắc chắn khoai sẽ “dội chợ”, rớt giá” - ông Theo phân tích.
Nhu cầu tăng - thị trường rộng mở
Để tránh lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, mấy năm gần đây tỉnh Vĩnh Long và các doanh nghiệp đã tích cực tìm kiếm, mở rộng thêm nhiều thị trường mới. Hiện ngoài Trung Quốc, các nước như Singapore, Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan... cũng đã bắt đầu biết đến khoai lang Việt Nam và gửi đơn đặt hàng.
Để hạn chế tình trạng rớt giá, các địa phương ở ĐBSCL đã vận động nông dân trồng rải vụ và nhiều loại khác nhau. Tuy nhiên thực tế khoai lang tím Nhật vẫn chiếm khoảng 80% diện tích trồng.
Ông Huỳnh Công Ký - Phó Giám đốc Công ty Khoai lang Nhật Thành ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long cho biết, hiện mỗi ngày công ty xuất 1 container khoai lang tím đi Trung Quốc, với giá bán 16.500 đồng/kg, tăng hơn 2.000 đồng/kg so với tháng trước. “Không chỉ Trung Quốc mà hiện nhiều nước như Singapore, Malaysia cũng có nhu cầu gửi đơn đặt hàng tới công ty. Do nhu cầu tăng cao nên công ty cũng đã tăng giá thu mua của nông dân từ 13.000 đồng lên 15.000 đồng/kg” - ông Ký vui vẻ nói.
Không chỉ khoai tươi mà các sản phẩm sau chế biến như tinh bột khoai, khoai lang sấy... thị trường cũng đang có nhu cầu. Đại diện Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Phúc Lợi (TP.HCM) cho biết công ty đang cần mua tinh bột khoai lang với số lượng không hạn chế xuất khẩu đi Đài Loan, Hàn Quốc. Hiện tinh bột khoai lang có giá xuất khẩu từ 800 - 900 USD/tấn tùy thị trường.
Có thể bạn quan tâm

Trong tháng 9/2014, trên một số phương tiện thông tin đại chúng tại Đài Loan (Trung Quốc) đưa tin về hàng nông sản Việt Nam bị nhiễm dioxin (chất độc Màu da cam) đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và xuất khẩu hàng nông sản nước ta, nhất là thị trường xuất khẩu trà.

Mặc dù thời gian “định cư” ở Ninh Thuận chưa lâu nhưng cây táo xanh đã nhanh chóng trở thành một trong những cây trồng chủ lực của địa phương. Táo Ninh Thuận đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu tập thể. Tuy vậy, đầu ra bấp bênh và phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường là thực tế khiến nhiều nông dân lo lắng.

Ngày 4/12, ông Vương Hưng Tuân cán bộ khuyến nông xã Hiệp An, huyện Đức Trọng cho biết, nông dân trong xã đã trồng được 380ha hoa lay-ơn, trong đó có 245ha dự tính sẽ nở vào dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi.

Trong số các công ty cổ phần chuyển đổi hình thức hoạt động từ Doanh nghiệp Nhà nước sang thì Công ty Cổ phần chè Hùng An nổi lên trên địa bàn huyện Bắc Quang và trong tỉnh với những năng lực vượt lên trong khó khăn của việc cạnh tranh thương hiệu, thị trường, giữ vững ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện tốt các nghĩa vụ, chế độ chính sách với Nhà nước, người lao động (NLĐ).

Ngày 3/12/2009, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận số 61-KL/TW về thực hiện Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020”. Tháng 9/2011, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng ban hành Kết luận 76 để chỉ đạo thực hiện… Kết quả thực hiện Đề án đã góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Lâm Đồng trong phát triển nông nghiệp tại địa phương.