Khoai lang giá rớt mạnh do cung vượt cầu

Nếu như thời gian trước giá khoai lang tím Nhật được thương lái thu mua để xuất sang thị trường Trung Quốc với giá từ 600.000 - 800.000 đồng/tạ (1 tạ = 60kg) đảm bảo cho nông dân lời nhiều. Nay khoai lang bỗng nhiên rớt xuống còn 170.000 - 190.000 đồng/tạ, khiến hàng loạt hộ lỗ nặng. Cùng với giá giảm thì gần đây còn xuất hiện tin đồn thất thiệt ăn khoai lang bị bệnh, thương lái không mua khoai… làm cho việc tiêu thụ khoai lang khó khăn hơn.
Chiều 24-5, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Huỳnh Văn Quân, Phó giám đốc HTX Khoai lang Tân Thành, huyện Bình Tân khẳng định: “Khoai lang là cây trồng truyền thống từ lâu của huyện Bình Tân, người dân rất vững vàng về kỹ thuật, nên năng suất và chất lượng khoai lang vùng này thường đạt cao. Lâu nay, khoai lang được xem là thực phẩm phổ biến, hữu ích cho sức khỏe con người do chứa nhiều chất xơ, carotene, các vitamin và chất chống oxy hóa...
Do đó, xuất hiện thông tin ăn khoai lang bị bệnh là không chính xác. Bên cạnh đó, còn có tin đồn thương lái không mua khoai khiến ùn ứ sản phẩm, giá giảm… Đây cũng là tin sai lệch, bởi hiện tại các HTX và thương lái vẫn thu mua khoai lang cho nông dân bình thường, tuy nhiên số lượng mua giảm nhẹ bởi thị trường tiêu thụ đang khó khăn”.
Theo ông Quân, không chỉ khoai lang Bình Tân mà khoai lang tím Nhật của các tỉnh ĐBSCL cũng tập trung tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc là chính. Tuy nhiên, thị trường này “ăn hàng” rất thất thường, sản lượng và giá cả cứ thay đổi liên tục nên thương lái và nông dân không biết đâu mà lường. Gần đây, thị trường Trung Quốc giảm mua khoai đột ngột, dẫn tới giá cả sụt mạnh.
“Do nông dân quá lạm dụng việc trồng khoai quanh năm nên sản lượng lúc nào cũng nhiều, từ đó dẫn tới “cung vượt cầu”. Nếu như ngày trước đối tác Trung Quốc “đặt hàng” vài ngày thì thương lái mới cung ứng khoai lang. Giờ đây họ chỉ cần gọi điện là lập tức có khoai liền. Nắm rành về sản lượng khoai lang ở Bình Tân cũng như các địa phương xung quanh khá nhiều, nên các đối tác ở Trung Quốc ép giá là chuyện hiển nhiên” - ông Quân nói.
Ngoài giá giảm thì vụ này khoai lang xuất hiện nhiều bệnh khiến da xấu, bị thương lái chê, làm cho nông dân thiệt trăm bề; có hộ thua lỗ tới 6 - 7 triệu đồng/công.
Có thể bạn quan tâm

Sau nhiều năm ấp ủ, anh Phan Văn Hóa (37 tuổi, ở xã Xuân Phước, H.Đồng Xuân, Phú Yên) đã biến vùng đất đồi khô cằn thành trang trại.

Bằng sự đảm đang, khéo léo, chị Phạm Thị Ty (33 tuổi) đã tự tạo cơ hội cho mình và những chị em khác bằng nghề làm chổi dừa tại xứ dừa Hoài Nhơn, Bình Định.

Không chỉ làm giàu cho mình, anh Thơm còn động viên, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho bà con quanh vùng.

Để có được thu nhập hàng trăm triệu từ nuôi cua, ông Hoàng Thế Lộc (thôn Hoà Lâm, xã Hòa Long, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội) đã từng còng lưng ngoài đồng nhiều ngày trời, chỉ để “rình” cua kiếm ăn, tìm mồi như thế nào để... áp dụng vào ao nuôi của mình.

Theo lời giới thiệu của cán bộ Hội Nông dân xã Định An, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, chúng tôi tìm đến nhà anh Phan Thanh Bình (sinh năm 1981) ở ấp 2, An Phước. Vừa làm công nhân tại Nông trường Cao su Trần Văn Lưu vừa chăn nuôi trâu sinh sản, anh Bình trở thành tấm gương điển hình về làm kinh tế giỏi, đi lên từ chính nghề nuôi trâu.