Khoai lang Đồng Thái thiếu thị trường ổn định

Sản phẩm chủ lực
Tháng 4 này là tròn một năm sản phẩm khoai lang Đồng Thái được chính thức công bố nhãn hiệu tập thể. Thời gian có nhãn hiệu chưa lâu, song cũng đã mở ra nhiều hy vọng cho bà con nông dân tại xã thuần nông này. Gia đình anh Nguyễn Văn Loan, thôn Tri Lai, xã Đồng Thái trồng 7 sào khoai lang, chủ yếu vào vụ Đông.
Anh Loan cho biết, từ khi có nhãn hiệu tập thể, khoai lang bán được giá hơn so với trước. Cụ thể, hiện nay, giá khoai lang bán buôn dao động từ 15.000 - 17.000 đồng/kg, thời điểm trước Tết Nguyên đán Ất Mùi lên tới 20.000 đồng/kg. Anh Loan tính toán, trừ chi phí, mỗi sào khoai cho lãi khoảng 4 triệu đồng, cao hơn khá nhiều so với cấy lúa.
Theo UBND xã Đồng Thái, diện tích trồng khoai lang của toàn xã đạt trên 300ha. Từ năm 2010 - 2012, được sự hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội, năng suất khoai lang đã tăng lên rõ rệt. Nếu như trước đây chỉ đạt 450 - 500kg/sào thì đến nay đã đạt 850 - 900kg/sào.
Bên cạnh đó, xã cũng triển khai trồng thử nghiệm hơn 10 giống khoai và lựa chọn cuối cùng giống chủ lực là khoai lang Hoàng Long. Giống khoai này có vỏ nâu đỏ, ruột vàng sẫm, ăn có vị ngọt, bùi rất đặc biệt và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương. Theo các bậc cao niên trong làng, trước đây, khoai lang Đồng Thái là một trong những đặc sản dùng để tiến vua của vùng xứ Đoài.
Ông Phùng Trần Anh - Chủ tịch UBND xã Đồng Thái cho biết, hàng năm, tổng sản lượng khoai lang toàn xã đạt khoảng 6.000 tấn, chủ yếu cung cấp cho thị trường Hà Nội, Hòa Bình và một số địa phương lân cận. Sản xuất khoai lang đã trở thành hướng phát triển kinh tế quan trọng nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện, thu nhập từ khoai lang chiếm hơn 30% tổng thu nhập của các hộ gia đình.
Trăn trở tìm đầu ra
Mặc dù có chất lượng thơm ngon và sản lượng dồi dào, song khó khăn nhất của sản xuất khoai lang Đồng Thái hiện nay là chưa có cơ sở chế biến, bảo quản và đầu ra ổn định. Thời điểm này, đến xã Đồng Thái vẫn thấy cảnh thương lái chở xe tải đến thu mua khoai lang, song theo ông Phùng Quốc Lượng - Chủ nhiệm HTX Dịch vụ kinh doanh Đồng Thái, lượng khoai trong dân còn khá nhiều.
Ông Lượng chia sẻ thêm, hầu như chưa có DN lớn về thu mua khoai lang mà chủ yếu người dân tiêu thụ tại chỗ quen đã giao dịch từ lâu. Trong khi đó, HTX hoạt động khó khăn vì thiếu vốn, không thể thu mua hết lượng khoai cho người dân.
Khoai lang Đồng Thái được thu hoạch vào tháng 11 âm lịch và chất lượng ngon nhất chỉ trong khoảng 3 - 4 tháng, còn từ 5 - 6 tháng trở đi là chất lượng giảm đáng kể, khoai bị hà, xốp. Được biết, trước đây đã từng có DN tại Hà Nội về tìm hiểu và đặt vấn đề đưa khoai lang Đồng Thái vào tiêu thụ tại siêu thị nhưng do chất lượng sản phẩm không đồng đều, củ tròn, củ dài nên đầu ra vẫn bị... tắc.
Hiện nay, khoai lang Đồng Thái đã được đóng trong gói lưới và có tem nhãn, tuy nhiên, công nghệ bảo quản vẫn dùng phương thức truyền thống là lót lá xoan hay rắc vôi bột. Do đó, cánh cửa vào các siêu thị của sản phẩm này vẫn bị đóng kín. Trước tình hình này, cả nông dân và lãnh đạo địa phương đều kiến nghị TP, các sở, ngành hỗ trợ xã xây dựng nhà lạnh để bảo quản sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Chí - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội cho biết, các siêu thị có yêu cầu rất cao về chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Khoai lang Đồng Thái có ưu thế hơn những nơi khác là có nhãn hiệu tập thể, tuy nhiên, để mở đầu ra cho sản phẩm, thời gian tới, cùng với sự hỗ trợ kết nối của Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội, HTX Dịch vụ kinh doanh Đồng Thái cần chủ động làm việc với các DN để liên kết đưa khoai lang vào các kho lạnh bảo quản rồi tiêu thụ. Đồng thời, HTX cần hoàn thiện quy trình sản xuất ra sản phẩm khoai lang đồng đều về chất lượng, mẫu mã và xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm.
Có thể bạn quan tâm

Từ bài viết về “Nuôi cá bống tượng mùa lũ” (Nguồn: Báo Nông Nghiệp Việt Nam, 12/10/2011), mô hình nuôi cá bống tượng lồng bè của anh Sáu Công (xã Vĩnh Lợi, huyện Châu Thành) đã mang lại lợi nhuận nhất định. Tuy nhiên vẫn có nhiều hộ trong vùng đã không thể tiếp tục nuôi loài cá này vì thua lỗ, mặc dù giá cá loại 1 dao động từ 350.000 - 450.000đ/kg, rất hấp dẫn (thương lái thu mua tại hộ nuôi). Đã nhiều bài viết về kỹ thuật nuôi cá bống tượng trong ao, lồng, bè, bể.., Nhưng mấu chốt về kỹ thuật, chính là con giống và và biện pháp thuần dưỡng.

Những ngày gần đây, nhiều nông dân trồng cà phê ở huyện Tân Phú (Đồng Nai) đã bước vào vụ hái cà phê, sớm hơn gần tháng so với mọi năm. Năm nay do nhiều nguyên nhân dẫn tới cà phê chín sớm, khiến nhiều chủ vườn khổ vì hái cà phê trong khi thời tiết đang mưa nhiều.

Nguyên nhân bước đầu được xác định do nguồn giống tôm thả nuôi của các hộ không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Mặt khác, nước cấp vào ao nuôi được lấy trực tiếp từ sông vào không qua xử lý; trong ao nuôi tôm còn có một số loài giáp xác tự nhiên như tôm rảo, cua, còng..

Mô hình này nuôi cá bằng thức ăn viên công nghiệp. Cụ thể, tháng thứ nhất, sử dụng thức ăn 40% độ đạm; tháng thứ 2-3, sử dụng thức ăn 30% độ đạm và 3 tháng còn lại sử dụng thức ăn 27% độ đạm. Mỗi ngày, người nuôi cho cá ăn vào sáng và chiều, theo định kỳ 10 ngày bón phân chuồng cho mương cá/lần.

Trồng tiêu trên cây trụ sống là một mô hình kinh tế mới được nông dân huyện Chư Pưh (Gia Lai) áp dụng trong 5 năm trở lại đây. Với những hiệu quả thiết thực mà cách làm này mang lại, nhiều địa phương trên địa bàn huyện đã và đang tích cực phát triển, từng bước nhân rộng mô hình. Ia Hrú được xem là một xã điển hình như thế.