Khoai lang Đồng Thái thiếu thị trường ổn định

Sản phẩm chủ lực
Tháng 4 này là tròn một năm sản phẩm khoai lang Đồng Thái được chính thức công bố nhãn hiệu tập thể. Thời gian có nhãn hiệu chưa lâu, song cũng đã mở ra nhiều hy vọng cho bà con nông dân tại xã thuần nông này. Gia đình anh Nguyễn Văn Loan, thôn Tri Lai, xã Đồng Thái trồng 7 sào khoai lang, chủ yếu vào vụ Đông.
Anh Loan cho biết, từ khi có nhãn hiệu tập thể, khoai lang bán được giá hơn so với trước. Cụ thể, hiện nay, giá khoai lang bán buôn dao động từ 15.000 - 17.000 đồng/kg, thời điểm trước Tết Nguyên đán Ất Mùi lên tới 20.000 đồng/kg. Anh Loan tính toán, trừ chi phí, mỗi sào khoai cho lãi khoảng 4 triệu đồng, cao hơn khá nhiều so với cấy lúa.
Theo UBND xã Đồng Thái, diện tích trồng khoai lang của toàn xã đạt trên 300ha. Từ năm 2010 - 2012, được sự hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội, năng suất khoai lang đã tăng lên rõ rệt. Nếu như trước đây chỉ đạt 450 - 500kg/sào thì đến nay đã đạt 850 - 900kg/sào.
Bên cạnh đó, xã cũng triển khai trồng thử nghiệm hơn 10 giống khoai và lựa chọn cuối cùng giống chủ lực là khoai lang Hoàng Long. Giống khoai này có vỏ nâu đỏ, ruột vàng sẫm, ăn có vị ngọt, bùi rất đặc biệt và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương. Theo các bậc cao niên trong làng, trước đây, khoai lang Đồng Thái là một trong những đặc sản dùng để tiến vua của vùng xứ Đoài.
Ông Phùng Trần Anh - Chủ tịch UBND xã Đồng Thái cho biết, hàng năm, tổng sản lượng khoai lang toàn xã đạt khoảng 6.000 tấn, chủ yếu cung cấp cho thị trường Hà Nội, Hòa Bình và một số địa phương lân cận. Sản xuất khoai lang đã trở thành hướng phát triển kinh tế quan trọng nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện, thu nhập từ khoai lang chiếm hơn 30% tổng thu nhập của các hộ gia đình.
Trăn trở tìm đầu ra
Mặc dù có chất lượng thơm ngon và sản lượng dồi dào, song khó khăn nhất của sản xuất khoai lang Đồng Thái hiện nay là chưa có cơ sở chế biến, bảo quản và đầu ra ổn định. Thời điểm này, đến xã Đồng Thái vẫn thấy cảnh thương lái chở xe tải đến thu mua khoai lang, song theo ông Phùng Quốc Lượng - Chủ nhiệm HTX Dịch vụ kinh doanh Đồng Thái, lượng khoai trong dân còn khá nhiều.
Ông Lượng chia sẻ thêm, hầu như chưa có DN lớn về thu mua khoai lang mà chủ yếu người dân tiêu thụ tại chỗ quen đã giao dịch từ lâu. Trong khi đó, HTX hoạt động khó khăn vì thiếu vốn, không thể thu mua hết lượng khoai cho người dân.
Khoai lang Đồng Thái được thu hoạch vào tháng 11 âm lịch và chất lượng ngon nhất chỉ trong khoảng 3 - 4 tháng, còn từ 5 - 6 tháng trở đi là chất lượng giảm đáng kể, khoai bị hà, xốp. Được biết, trước đây đã từng có DN tại Hà Nội về tìm hiểu và đặt vấn đề đưa khoai lang Đồng Thái vào tiêu thụ tại siêu thị nhưng do chất lượng sản phẩm không đồng đều, củ tròn, củ dài nên đầu ra vẫn bị... tắc.
Hiện nay, khoai lang Đồng Thái đã được đóng trong gói lưới và có tem nhãn, tuy nhiên, công nghệ bảo quản vẫn dùng phương thức truyền thống là lót lá xoan hay rắc vôi bột. Do đó, cánh cửa vào các siêu thị của sản phẩm này vẫn bị đóng kín. Trước tình hình này, cả nông dân và lãnh đạo địa phương đều kiến nghị TP, các sở, ngành hỗ trợ xã xây dựng nhà lạnh để bảo quản sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Chí - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội cho biết, các siêu thị có yêu cầu rất cao về chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Khoai lang Đồng Thái có ưu thế hơn những nơi khác là có nhãn hiệu tập thể, tuy nhiên, để mở đầu ra cho sản phẩm, thời gian tới, cùng với sự hỗ trợ kết nối của Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội, HTX Dịch vụ kinh doanh Đồng Thái cần chủ động làm việc với các DN để liên kết đưa khoai lang vào các kho lạnh bảo quản rồi tiêu thụ. Đồng thời, HTX cần hoàn thiện quy trình sản xuất ra sản phẩm khoai lang đồng đều về chất lượng, mẫu mã và xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm.
Có thể bạn quan tâm

Vừa qua, Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (gọi tắt là Công ty Bia Sài Gòn) tiếp tục đồng hành cùng Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao tặng 4 con bò với giá trị khoảng 40 triệu đồng cho bà con nông dân tại huyện Thường Xuân.

Mạnh dạn đưa giống bưởi Diễn về vùng đất khô cằn quê mình, anh Hồ Sỹ Phượng (34 tuổi, quê Nghệ An) từ người đi làm thuê cho các chủ vườn đã trở thành “vua bưởi”, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng.

“Quan điểm của trung tâm là nếu xác định lỗi thuộc về meo thì sẽ đền bù lại giống meo mới đạt chất lượng hoặc hoàn tiền mua meo cho những cơ sở bị thiệt hại” - ông Khôi nói.

Theo ông Toàn, nếu chủ tàu Hoàng Anh 01 có yêu cầu điều chỉnh chiều cao của tháp cabin tàu thì công ty sẽ thực hiện ngay, bởi việc này không mất nhiều thời gian và không ảnh hưởng đến các yếu tố kỹ thuật khác của cả con tàu.

Trước kia, điều được xem là cây xóa đói, giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, là cây phủ xanh đất trống, đồi trọc. Những năm hoàng kim, cây điều lên ngôi và Bình Phước đã được mệnh danh là “thủ phủ điều” của cả nước. Tuy nhiên, danh hiệu này không đứng vững được lâu, bởi điệp khúc được mùa, mất giá hay điệp khúc trồng, chặt. Vì vậy cây điều Bình Phước vẫn bấp bênh như nhiều cây trồng khác.