Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Khoai Lang Đắk Nông Xuất Ngoại

Khoai Lang Đắk Nông Xuất Ngoại
Ngày đăng: 29/03/2014

Trong những năm qua, diện tích trồng cây khoai lang dần được mở rộng khắp tỉnh Đắk Nông và đã làm giàu cho nhiều hộ dân trong tỉnh. Không những thế, khoai lang còn được “xuất ngoại” đến nhiều nước trên thế giới.

Thoát nghèo từ khoai lang

Trước đây, người dân xã Đắk Búk So (huyện Tuy Đức, Đắk Nông) chỉ tập trung trồng những loại cây truyền thống (mì, bắp, lúa, điều, tiêu…) đều cho năng suất thấp nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Vào năm 2002, huyện Tuy Đức đã nhập giống khoai lang Nhật Bản về trồng vì nó phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu và trình độ canh tác của địa phương.

Tháng 4-2002, Hợp tác xã (HTX) 19-5 (ở xã Đắk Búk So) mua giống khoai lang Nhật (đã được trồng tại Lâm Đồng) về trồng thử khoảng 0,5ha. Chỉ sau gần 4 tháng, đã cho thu hoạch đạt năng suất cao nên HTX này đã trồng thêm 5ha, năng suất đạt 15 tấn/ha và bán được 5.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá khoai lang truyền thống cũng chỉ 1.000 đồng/kg.

Có cây trồng tốt, đạt năng suất cao, xã Đắk Búk So đã vận động người dân chuyển đổi cây trồng cũ có giá trị kinh tế thấp sang trồng khoai lang xuất khẩu. Xã mời cán bộ kỹ thuật của huyện, của tỉnh về hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp cây giống cho nông dân. Sang vụ thu đông năm 2003, bà con trong xã Đắk Búk So đã trồng được 50ha, đến nay, diện tích cây khoai lang trong xã khoảng 300ha.

Ông Phạm Thiên Viết, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Búk So, phấn khởi nói: “Cây khoai lang Nhật Bản rất phù hợp với đất đai và khí hậu ở Đắk Bu So, vì thế năng suất vụ đầu lên tới 18 tấn/ha. Với giá bán từ 6.000 - 8.000 đồng/kg, mỗi hécta lãi khoảng 40 - 50 triệu đồng/vụ (một năm 2 vụ).

Từ khoai lang đi lên, hiện xã chỉ còn 16% hộ nghèo, không còn hộ đói, 80% số hộ đã có xe gắn máy, nhiều hộ đã mua được xe ô tô con, ô tô tải chở hàng hóa…”.

Sau thành công từ xã Đắk Búk So, cây khoai lang Nhật được mở rộng đến nhiều xã của huyện Tuy Đức. Theo báo cáo của Phòng NN-PTNT huyện Tuy Đức, hiện toàn huyện có hơn 2.500ha khoai lang và chủ yếu được trồng ở các xã như: Đắk Búk So, Quảng Trực, Đắk R’tih, Quảng Tân, Quảng Tâm…

Vào năm 2009, Hội Khoai lang Tuy Đức cũng đã được thành lập để phát triển, quảng bá và xây dựng thương hiệu cho khoai lang của huyện. Đến năm 2012, nhãn hiệu “Khoai lang Tuy Đức - Đắk Nông” đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (thuộc Bộ KH-CN) cấp chứng nhận bảo hộ độc quyền.

Ông Trần Đình Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, chia sẻ: “Tuy Đức có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cây khoai lang, nhất là khoai lang Nhật và đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cho nhiều nông dân. Sản phẩm khoai lang Nhật trồng trên đất Tuy Đức đã xuất khẩu sang nhiều nước và được đánh giá cao.

Huyện cũng đã tạo điều kiện để Hội khoai lang Tuy Đức hoạt động và hiện đang có những ưu tiên đầu tư để nâng cao giá trị sản phẩm khoai lang.

UBND huyện cũng đã xây dựng vườn ươm giống để phục vụ nhu cầu về cây giống cho nông dân nhằm tăng năng suất, nâng cao chất lượng cũng như xây dựng thương hiệu cho sản phẩm khoai lang”.

Cần nhà máy chế biến

Cây khoai lang Tuy Đức - Đắk Nông không những giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo mà thậm chí vươn lên làm giàu. Không chỉ tiêu thụ trong nước, khoai lang Tuy Đức hiện còn được xuất khẩu ra nước ngoài.

Có 9 đại lý vệ tinh của Công ty TNHH Kim Oanh (Lâm Đồng), Công ty D.J.F (Nhật Bản) và một số đại lý khác của các công ty Đài Loan (Trung Quốc) đặt tại Tuy Đức. Khoai sau khi thu mua được vận chuyển về các nhà máy tại các thành phố lớn, từ đây sẽ chế biến ra thành phẩm và xuất qua các “công ty mẹ” để làm ra các sản phẩm như bánh, kẹo, mứt...

Từ đó khoai lang Tuy Đức được đưa vào các siêu thị lớn trong nước và xuất sang thị trường Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Singapore... Nhưng tại Tuy Đức hiện chưa có nhà máy chế biến xuất khẩu, nên khoai từ Đắk Nông vẫn phải chuyên chở sang Lâm Đồng, xuống TPHCM hoặc ra Bắc bán cho các nhà máy.

“Cái khó nhất của người dân Đắk Búk So hiện nay là thiếu nhà máy để chế biến ngay tại địa phương. Nếu có nhà máy đặt tại xã, người dân đỡ phải mất tiền chuyên chở đi bán nơi khác và có khi bán được giá cao hơn”, ông Phạm Thiên Viết, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Búk So bày tỏ.

Việc trồng khoai lang Nhật làm giàu ở Đắk Nông hiện không còn dừng lại ở huyện Tuy Đức. Nhiều huyện khác trong tỉnh cũng đã chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả để trồng khoai lang Nhật như: Đắk Song (diện tích 4.124ha), Đắk Mil (281ha), Đắk G’long (90ha)...

Qua thực tế sản xuất, khoai lang Nhật đã mang lại hiệu quả cao, vì thế nhiều hộ nông dân Đắk Nông đang rất “ham”. Hiện tổng diện tích khoai lang của tỉnh đã lên đến khoảng 7.000ha, sản lượng khoảng 90 ngàn tấn/năm.

Nhằm phát huy thế mạnh của cây trồng này, tỉnh Đắk Nông đang xây dựng quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu khoai lang; đồng thời, tích cực kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào cơ sở sản xuất giống, kỹ thuật tại chỗ để cung ứng cho người dân; đầu tư xây dựng nhà máy chế biến khoai lang với công suất 70.000 tấn/năm tại huyện Đắk Song và Tuy Đức.


Có thể bạn quan tâm

Anh Huỳnh Văn Á chủ động khống chế dịch chổi rồng trên cây nhãn, cho thu nhập cao Anh Huỳnh Văn Á chủ động khống chế dịch chổi rồng trên cây nhãn, cho thu nhập cao

Thời gian qua, mặc dù dịch bệnh chổi rồng trên cây nhãn gây thiệt hại nặng trên diện rộng, nhưng nhờ làm tốt công tác phòng bệnh, anh Huỳnh Văn Á, ở ấp Quí Thạnh, xã Nhị Quí, tỉnh Tiền Giang đã khống chế được dịch chổi rồng, đồng thời, xử lý cho cây ra hoa nghịch vụ, nâng cao mức sống gia đình.

27/04/2015
Đắng lòng chung cảnh dưa hấu rớt giá Đắng lòng chung cảnh dưa hấu rớt giá

Thời gian gần đây, trên các phương tiện truyền thông đề cập nhiều đến chuyện cửa khẩu Tân Thanh đóng cửa, thương lái không “mặn mà” với các ruộng dưa ở Quảng Nam, Quảng Ngãi... Đến nay, Quảng Bình cũng đang chung cảnh dưa hấu rớt giá, người dân như “ngồi trên đống lửa”.

27/04/2015
Vải thiều rộng cửa xuất khẩu Vải thiều rộng cửa xuất khẩu

Cục BVTV cho biết, Bộ Nông nghiệp Australia vừa có văn bản chính thức cho phép NK quả vải tươi từ Việt Nam. Đây là tin vui và là cơ hội lớn cho người trồng vải thiều ở miền Bắc ngay từ vụ vải năm 2015.

27/04/2015
Sầu riêng vào vụ thu hoạch, giá vẫn cao Sầu riêng vào vụ thu hoạch, giá vẫn cao

Hiện nay, một số vườn sầu riêng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã bắt đầu vào vụ thu hoạch. Thương lái mua tại vườn với giá là 32.000 - 35.000 đồng/kg loại 1, từ 20.000 - 30.000 đồng/kg với loại 2, 3 đối với sầu riêng cơm vàng hạt lép và từ 40.000 đồng trở lên đối với sầu riêng Ri6 đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

27/04/2015
Từ chuyện ứng xử với trái dưa hấu, lại nghĩ đến thanh long Từ chuyện ứng xử với trái dưa hấu, lại nghĩ đến thanh long

Không chỉ các công ty xuất khẩu mà các cơ sở, điểm thu mua, thương lái cũng đã và đang đầu tư vườn thanh long cho riêng họ, tiêu thụ khép kín. Một dạng bất trắc mới của thị trường đã hiện ra, ở trạng thái sẽ không có người mua, hao hao như thị trường trái dưa hấu...

27/04/2015