Khổ vì ruộng bỗng dưng bị nhiễm mặn

Có ruộng nhưng bỗng dưng không thể sản xuất, nên đã 4 vụ mùa trôi qua, hơn 30 hộ dân có ruộng ở Đồng Sát mong mỏi một hướng giải quyết thỏa đáng từ cơ quan chức năng.
Cánh đồng Đồng Sát cách đồng muối Sa Huỳnh chỉ một con đường bê tông rộng chưa đầy 5m.
Dẫn tôi ra thăm cánh đồng Đồng Sát – một nơi từng và “vựa lúa” của mấy mươi hộ dân Long Thạnh 1, bà Phạm Thị Hết, thôn Long Thạnh 1 diễn giải:
“Ai đến đây cũng thắc mắc, tại sao chúng tôi có thể làm muối một bên, trồng lúa một bên.
Ấy vậy mà từ thời cha ông đến giờ, chúng tôi vẫn làm đâu ra đó.
Bởi Đồng Sát rộng cỡ 3ha thôi, nhưng có bàu chứa nước rộng gần 1ha rồi.
Nước mặn theo thủy triều tràn qua được cống nước, thì đã có bàu chứa giữ lại.
Bởi vậy, nước mặn không bao giờ xâm phạm được đến ruộng đồng”.
Mất bàu giữ nước, nên nước mặn theo đường cống thoát nước này vào thẳng xứ đồng Đồng Sát.
Cách ngăn mặn đầy sáng tạo được truyền lại từ xa xưa mà bà Hết kể giờ chỉ còn là hoài niệm.
Bởi bàu chứa nước mặn của cánh đồng Đồng Sát giờ đã bị san lấp để đổi lấy mặt bằng xây dựng khu TĐC Đồng Sát cho các hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng Dự án mở rộng Quốc lộ 1.
Không còn bàu chứa nước, nên mỗi lần thủy triểu dâng, nước mặn băng qua cống nước và đổ trực tiếp vào cánh đồng Đồng Sát khiến cả cánh đồng rộng hơn 3ha bị nhiễm mặn nặng.
Vì thế, người dân Long Thạnh 1 đành ngậm ngùi bỏ hoang cả cánh đồng.
Ông Nguyễn Thủy, người phải bỏ hoang 2 sào ruộng ở Đồng Sát cho biết: “Cuối năm 2013, lúa đang chuẩn bị chín thì bị nước mặn ùa vào nên tôi cùng mọi người phải lo cắt lúa sớm để vớt vát.
Và kể từ đó cho đến nay, chúng tôi không còn sản xuất được nữa”.
Liên quan đến việc 34 hộ dân có ruộng tại xứ đồng Đồng Sát nhưng không thể sản xuất được, ông Trần Sơn- Trưởng thôn Long Thạnh 1, khẳng định, từ trước đến nay, Đồng Sát chưa từng bị nhiễm mặn, chỉ khi xây dựng khu TĐC Đồng Sát, thì tình trạng xâm nhập mặn mới xảy ra.
Hiện, các hộ dân có ruộng bị nhiễm mặn đều đã được rà soát, kiểm tra diện tích thực tế và lập danh sách để chờ đền bù.
Nhưng 2 năm nay, vấn đề trên vẫn chưa được giải quyết, khiến người dân rất thắc mắc và kiến nghị nhiều lần ở các cuộc tiếp xúc cử tri.
Trả lời những kiến nghị, thắc mắc của người dân, ông Nguyễn Tấn Tài - Phó phòng NN & PTNT huyện Đức Phổ cho biết:
“Về phương án đền bù cho người dân có ruộng tại Đồng Sát, hiện huyện đã trình văn bản lên Sở GTVT – đơn vị làm chủ đầu tư công trình khu tái định cư Đồng Sát để Sở có hướng giải quyết cho người dân.
Còn về giải pháp cải tạo, rửa mặn, giúp người dân có thể sản xuất trở lại vượt quá khả năng của huyện, nên hiện huyện đang chờ Sở NN & PTNT tham mưu, hướng dẫn”.
Có thể bạn quan tâm

Gia sản chỉ có 2 công đất rẫy nên cuộc sống gia đình ông Thạch Vươl (58 tuổi, ngụ ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) luôn luẩn quẩn trong vòng nghèo khó. Năm 2013, một người em sống ở TP. Hồ Chí Minh hướng dẫn trồng cây thiên lý để bán bông. Và nhờ đó, gia đình ông Vươl thoát nghèo.

Nếu bán xô (trái nhỏ, lớn đều cân) khoảng 8.000 đ/kg, cam lựa loại 1 chỉ 11.000 - 12.000 đ/kg, cam nước 3.000 đ/kg. Theo các hộ trồng cam, vào đầu vụ giá từ 25.000 - 30.000 đ/kg, giá giữ mức cao kéo dài 3 tháng, sau đó vào mùa thu hoạch rộ giá giảm dần.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết mùa vụ năm 2014, sản lượng vải thiều tại hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương ước đạt gần 200 nghìn tấn quả tươi. Cũng như nhiều mặt hàng nông sản khác, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu vải thiều truyền thống lớn nhất của Việt Nam.

Trong khi nhiều mặt hàng nông sản khác đang gặp nhiều khó khăn khi XK ra thị trường thế giới, hợp đồng thu mua bị suy giảm, bị bạn hàng ép giá… thì hồ tiêu vẫn tăng trưởng mạnh, vững bước tiến sâu vào thị trường thế giới. Lần đầu tiên sau bao năm XK, lần đầu tiên tiêu đạt trên 1 tỷ USD.

Trước thông tin Thủ tướng đã đồng ý việc đưa mặt hàng thức ăn chăn nuôi (TACN) công nghiệp đang chịu thuế giá trị gia trăng (VAT) từ 5% xuống đối tượng không chịu thuế, người chăn nuôi nhiều nơi rất vui vì chắc chắn giá TACN sẽ giảm. Tuy nhiên, sau đó họ cũng phải đối mặt với không ít nỗi lo...