Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Khó Trên Cánh Đồng Khoai

Khó Trên Cánh Đồng Khoai
Ngày đăng: 08/04/2014

Có lẽ thời điểm hiện tại giá khoai mỡ trên cánh đồng khoai lớn nhất của huyện Tân Phước (Tiền Giang) thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Cũng chính vì điều này, câu chuyện lãi - lỗ, trồng hay bỏ cây khoai mỡ đang mang tính thời sự nóng bỏng của cả vùng đất bạt ngàn này.

Giá chạm đáy

Chúng tôi về Tân Phước vào những ngày đầu tháng 4, vào cao điểm của mùa khô nên nắng rát da. Đường về Tân Hòa Đông cũng không còn cảnh nhộn nhịp “trên bến dưới thuyền” của những trạm thu mua khoai. Giá khoai mỡ quá thấp nên không thấy nhiều thương lái xuất hiện.

Trên cánh đồng bạt ngàn của xã Tân Hòa Đông cũng chỉ còn một số ruộng khoai đang trơ trọi chờ ngày thu hoạch. Và vì thế câu chuyện về giá khoai đang được người nông dân bàn tán nhiều hơn trước. Có người vội vã thu hoạch vì sợ giá có thể xuống nữa, có người “neo” lại để chờ giá lên hoặc trữ lại để bán làm giống cho mùa vụ sau. Song, tất cả những người trồng khoai mỡ đang đối mặt với tình trạng thua lỗ là điều khó tránh khỏi.

Mặc dù đang vào lúc cao điểm nắng nóng mùa khô nhưng ông Trần Văn Hồng, ấp Tân Thuận 1, xã Tân Hòa Đông đành quyết định thu hoạch các liếp khoai mỡ của mình, sau thời gian dài cầm cự để chờ giá. Với 1,5 ha đang thu hoạch, năng suất dự tính khoảng 17-18 tấn/ha, giá khoai loại 1 từ 4.100 - 4.200 đồng/kg, loại 2 từ 1.800-2.000 đồng/kg như hiện nay, ông không trông mong gì có lời.

“Lứa khoai này đáng lẻ thu hoạch ngay sau Tết Nguyên đán nhưng do giá thấp nên tôi “neo” lại đến giờ này. Chờ mãi giá vẫn không lên nên đành phải đào bán. Đây có thể nói là năm mà khoai mỡ có giá thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Nhiều người khốn đốn vì lỗ nặng. Trồng khoai mùa này có thể nghĩ đơn giản là trồng ít lỗ ít, trồng nhiều lỗ nhiều” - ông Trần Văn Hồng tâm tư.

Theo những người dân trồng khoai nơi đây, tình trạng giá khoai mỡ tăng rồi giảm do yếu tố cung - cầu của thị trường không phải là chuyện mới, cũng không quá bất ngờ đối với nông dân đã hàng chục năm gắn bó với cây khoai mỡ. Song, với mức giá quá thấp như hiện nay không khỏi làm cho nông dân lo lắng. Bởi theo chiết tính, với mức giá hiện tại, người trồng khoai mỡ rất khó thu hồi được vốn, nói gì đến lời.

Anh Lê Việt Hà, cán bộ Khuyến nông xã Tân Hòa Đông cho biết thêm, mấy năm qua giá khoai mỡ có lúc lên, lúc xuống nhưng vẫn đảm bảo cho nông dân có lời. Đây là lần đầu tiên khoai mỡ rớt giá kéo dài và thấp nhất trong 10 năm trở lại đây đã làm cho nông dân thực sự lao đao. Vào cuối vụ khoai năm 2013, giá ở mức 8.000 đồng/kg người trồng khoai vẫn có lời. Vào thời điểm này năm rồi, giá khoai mỡ từ 11.000-15.000 đồng/kg, còn bây giờ chỉ hơn 4.000 đồng/kg.

Lý giải vì sao khoai mỡ tuột giá “không phanh” trong thời gian qua, nhiều người trồng khoai cho rằng, cuối vụ năm trước, giá khoai mỡ bắt đầu giảm, người dân “neo” lại chờ giá làm tăng sản lượng trong vụ này; một số vùng, người dân trồng khoai không chuyên, chọn giống không chất lượng, cây bị nhiễm bệnh dẫn đến chất lượng không đảm bảo nên giá bán thấp.

Mặt khác, sản lượng khoai mỡ trắng được trồng trong vụ này tăng, trong khi nhu cầu của thị trường, nhất là TP. Hồ Chí Minh chủ yếu là chuộng khoai tím… “Với tình hình hiện nay, giá khoai mỡ hiện đã xuống “chạm đáy” nên khó thể nào giảm thêm. Thời gian tới, giá khoai mỡ có thể sẽ tăng lên nhưng không nhiều” - ông Lê Việt Hà dự báo.

Liệu mai này còn cánh đồng khoai?

Cánh đồng khoai xã Tân Hòa Đông không chỉ nổi tiếng vì có diện tích trồng lớn mà còn vì nó đã gắn bó với công cuộc khai phá vùng đất nhiễm phèn nặng và gắn chặt với đời sống của người dân vùng này, nhưng tới đây chắc rằng không còn bao nhiêu diện tích đất được trồng khoai. Có lẽ sau vụ mùa năm nay, diện tích trồng khoai sẽ tiếp tục giảm.

Theo ước tính của ông Lê Việt Hà, diện tích trồng khoai mỡ trên địa bàn xã Tân Hòa Đông có giai đoạn lên đến 700 ha, nhưng nay chỉ còn khoảng 80 ha. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này một phần là do nhiều diện tích đất nông nghiệp đã được bao đê, nên người dân chuyển sang trồng khóm; phần còn lại là do tác động của giá khoai mỡ thấp và kéo dài, nên hiệu quả trồng khoai không cao so với các cây trồng khác.

Mấy năm gần đây, cánh đồng trồng khoai mỡ ở xã Thạnh Mỹ trỗi dậy và trở thành địa bàn có diện tích khoai mỡ lớn nhất của huyện Tân Phước. Thế mà, trước nhu cầu chuyển đổi cây trồng, nhất là tình hình giá cả sụt giảm kéo dài gần đây, khiến nhiều nông dân phải lao đao, nên diện tích trồng khoai cũng đang trên đà giảm.

Đây cũng là một trong những lý do để người dân trong vùng mới bao đê đẩy nhanh chuyển đổi sang cây khóm. Theo ước tính của Hội Nông dân xã Thạnh Mỹ, diện tích trồng khoai mỡ của xã năm nay chỉ còn khoảng 250 ha, giảm 50% so với cùng kỳ năm rồi. Ông Cao Văn Sáng, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho rằng xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới do diễn biến bất lợi của giá khoai mỡ chưa thấy có dấu hiệu kết thúc.

Nhận định thêm về giá khoai thấp bất thường trong năm nay, ông Cao Văn Sáng cho rằng, ngoài yếu tố thị trường, giá khoai mỡ xuống thấp còn là do hệ quả từ tác động của thời tiết. Đó là vào mùa đông vừa qua nhiệt độ lạnh kéo dài làm cho khoai bị hiện tượng đầu lân, khi thu hoạch tỷ lệ khoai bị dạt nhiều, nên càng đẩy giá khoai xuống thấp hơn.

“Có diện tích khoai đến lứa nhưng nông dân vẫn không thu hoạch vì khoai đầu lân, xấu xí nhiều quá, thương lái mua giá chỉ 1.500 đồng/kg, không đủ trả tiền công thu hoạch” - ông Cao Văn Sáng cho biết.

Khoai mỡ là cây trồng gắn liền với hành trình của những người đi khai hoang vùng Đồng Tháp Mười, gắn chặt với đời sống người dân Tân Phước, nhất là ở xã Tân Hòa Đông và xã Thạnh Mỹ. Một thời gian dài, cây khoai mỡ giúp cho nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá giàu.

Thế nhưng, cùng với công cuộc khai hoang, tăng cường công tác thủy lợi nội đồng nhằm thoát phèn, với tiến độ bao đê ở Tân Phước được đẩy mạnh, nên diện tích trồng khoai mỡ ngày càng bị thu hẹp để nhường chỗ cho cây khóm, cây màu khác. Đặc biệt, với diễn biến của giá khoai mỡ thời gian gần đây khiến cho tiến độ thu hẹp diện tích trồng khoai mỡ ngày càng nhanh hơn. Chúng tôi tự hỏi rằng, liệu mai này vùng Thạnh Mỹ, Tân Hòa Đông có còn cây khoai mỡ?


Có thể bạn quan tâm

Triển Khai Mô Hình Sử Dụng Bã Nấm Để Trồng Rau, Hoa Triển Khai Mô Hình Sử Dụng Bã Nấm Để Trồng Rau, Hoa

Ngày 30-9, tại huyện Phú Lương, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị triển khai Dự án xây dựng mô hình sử dụng bã nấm tạo giá thể dinh dưỡng để trồng rau, hoa trong chậu.

03/10/2013
Xuất Khẩu Chính Ngạch Tôm Hùm, Cá Mú Xuất Khẩu Chính Ngạch Tôm Hùm, Cá Mú

Từ trước đến nay cá mú, tôm hùm sống đều lệ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch, thường xuyên bị ép giá. Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa đang đi đầu trong cả nước lập một dự án đưa cá mú, tôm hùm xuất khẩu chính ngạch bằng tàu thông thủy…

04/10/2013
Thả 400 Nghìn Cá Tra Giống Ra Hệ Thống Sông Ngòi Thả 400 Nghìn Cá Tra Giống Ra Hệ Thống Sông Ngòi

Trung tâm Giống thủy sản Quảng Nam cho biết, số cá tra giống này được thuần hóa giống bố mẹ lấy từ đồng bằng sông Cửu Long, cho sinh sản tại cơ sở nuôi trồng của trung tâm cách đây 3 tháng. Cá tra là loại thủy sản được nuôi thả phổ biến ở miền Nam và trong những năm gần đây đã được nuôi thành công tại Quảng Nam. Đợt thả cá này mang tính chất thử nghiệm với mục đích qua sự chọn lọc của tự nhiên có thể lưu giữ nguồn gien giống cá tra, góp phần bổ sung nguồn lợi thủy sản của tỉnh.

04/10/2013
Nghề Nuôi Ong Mật Ở Động Đạt Nghề Nuôi Ong Mật Ở Động Đạt

Nuôi ong mật lâu nay là một trong những nghề đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân xã Động Đạt (Phú Lương - Thái Nguyên) bởi chi phí đầu vào thấp, người nuôi dễ tiếp cận với nghề. Để duy trì nghề nuôi ong mật, Hội Nông dân xã Động Đạt đã thành lập Chi hội Nuôi ong với 26 hội viên. Hàng năm, 500 đàn ong mật của các hội viên Chi hội đã cung ứng ra thị trường từ 10 đến 12 tấn mật.

04/10/2013
Mua Bán Hải Sản Từ Gốc Mua Bán Hải Sản Từ Gốc

Chỉ cần điện thoại là hải sản từ nhiều vùng mien sẽ được đóng thùng gửi đến tận nhà trong vòng 1 ngày

07/10/2013