Khó Tăng Nhanh Tàu Cá Xa Bờ

Định hướng tái cơ cấu nghề khai thác hải sản đến năm 2020 của Quảng Nam là tăng số lượng tàu cá khai thác xa bờ lên gấp đôi (từ 8% lên 16%) nhưng hiện vẫn còn nhiều khó khăn.
Tái cơ cấu nghề khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh đòi hỏi phải căn cứ vào các chủ trương, chính sách, định hướng phát triển của trung ương, của tỉnh và phù hợp với tình hình thực tiễn hoạt động nghề cá. Có vậy mới phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế, thực hiện đúng kế hoạch và đem lại hiệu quả cao.
Có thể nhận thấy, chính sách khuyến khích đầu tư phương tiện có công suất lớn để hoạt động trên các ngư trường xa bờ của Quảng Nam chủ yếu tập trung ở Quyết định 20/2010/QĐ-UBND và sau này sửa đổi thành Quyết định 13/2012/QĐ-UBND.
Nội dung của các quyết định này là hỗ trợ lãi suất vốn vay sau đầu tư (10% lãi suất tính trên số tiền vay thực tế của các chủ tàu cá tại các ngân hàng) để ngư dân đóng mới hoặc cải hoán nâng cấp tàu cá hoạt động trên các vùng biển xa. Tuy nhiên, hạn mức hỗ trợ lãi suất vốn vay trong khoản vay tối đa không quá 700 triệu đồng để đóng mới tàu cá và lắp máy thủy mới.
Trong trường hợp vay vốn để đóng mới tàu cá mà lắp đặt máy thủy đã qua sử dụng thì mức hỗ trợ lãi suất vốn vay chỉ giới hạn trong mức vay tối đa là 500 triệu đồng. Còn với cải hoán tàu cá thì ngư dân chỉ được hỗ trợ lãi suất ở mức vay tối đa là 250 triệu đồng đối với cải hoán và lắp máy thủy mới; trường hợp tương tự nhưng lắp máy cũ thì chỉ giới hạn hỗ trợ lãi suất khi vay tối đa là 200 triệu đồng.
Có thể nhận thấy mức chênh rất lớn giữa hỗ trợ lãi suất sau đầu tư của Nhà nước với huy động vốn để trang bị phương tiện có công suất lớn của ngư dân. Chính vì hỗ trợ lãi suất vốn vay chỉ giới hạn trong hạn mức vay không quá 700 triệu đồng trong khi đóng mới một con tàu, ngư dân phải huy động không dưới 3 tỷ đồng nên đến thời điểm này, Quảng Nam chỉ mới giải ngân số tiền hỗ trợ là 379 triệu đồng.
Ông Nguyễn Tấn Nam - Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa (Duy Xuyên) cho biết, từ khi Quyết định 13/2012/QĐ-UBND có hiệu lực đến nay, chưa có ngư dân nào trên địa bàn tiếp cận được chính sách hỗ trợ này.
“Để vay được vốn của ngân hàng đòi hỏi ngư dân phải có tài sản thế chấp, trong khi đời sống của họ còn khó khăn. Ngư dân trên địa bàn không thể “với” tới để hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ” - ông Nam nói. Ngoài Quyết định 13/2012/QĐ-UBND, Quảng Nam cũng đã thành lập Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh nhằm giúp ngư dân tiếp cận nguồn vốn vay không lãi suất để đóng mới tàu có công suất lớn khai thác hải sản xa bờ.
Tuy nhiên, nguồn vốn này chỉ giới hạn trong khoảng 20 tỷ đồng từ ngân sách mà việc bổ sung thêm vốn lại phụ thuộc vào đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Quỹ có nguồn vốn không nhiều nên chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu vay vốn của ngư dân trên địa bàn tỉnh.
Giảm số lượng tàu thuyền hoạt động ven bờ, tăng thêm số tàu cá hoạt động khơi xa là hướng đi hợp lý nhằm hiện đại hóa nghề cá, khai thác bền vững nguồn lợi. Ngư dân trên địa bàn tỉnh rất khát khao đóng được con tàu mới có công suất lớn hay cải hoán nâng cấp tàu cũ để có thể hoạt động ở các ngư trường Hoàng Sa hay Trường Sa.
Tuy nhiên, nhiều ngư dân không thể huy động được nguồn vốn lớn và gặp khó khăn khi tiếp cận được chính sách hỗ trợ nên số lượng tàu có công suất lớn tăng chậm, khó đạt được kế hoạch đề ra.
Có thể bạn quan tâm

Với 0,6 ha mặt nước nuôi cá giống và cá thịt, mỗi năm xuất bán hơn 24 tấn cá thương phẩm và hơn 2 triệu con cá giống, ông Hồ Bá Quang, ở tổ 18, phường Phú Bài, thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế đã trở thành triệu phú, với thu nhập hàng năm 700 triệu đồng

Trong những năm gần đây, tình trạng nông dân và doanh nghiệp phá vỡ hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản xảy ra phổ biến, trong đó người nông dân luôn chịu nhiều thiệt thòi. Bên cạnh đó, hầu hết nông dân phải bán đổ bán tháo lúa mới vừa gặt, thậm chí bán cả lúa non để trang trải nợ nần. Mô hình cánh đồng mẫu lớn là lời giải cho bài toán rối rắm này.

Hiện tỉnh Trà Vinh có trên 100 ha nuôi cá tra xuất khẩu (trong đó, có 15 ha của Công ty TNHH thủy hải sản Sài Gòn MêKông được công nhận đạt chuẩn Global GAP), với sản lượng đạt hơn 20.000 tấn cá thương phẩm

Anh Trịnh Thanh Phong, 42 tuổi ở thôn Tân an, xã Tri Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận thu hoạch ốc hương bằng máy hút ốc.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có ý kiến chỉ đạo các bộ ngành tăng cường phối hợp, có biện pháp xử lý nghiêm để ngăn chặn tình trạng nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.