Khó quản lý hoạt động mua bán cây giống mắc ca

Vì sao giá cây giống mắc ca tăng vọt như vậy? Trả lời câu hỏi của phóng viên Nhân Dân điện tử, ông Đỗ Ngọc Duyên cho biết: Nguyên nhân giá cây giống mắc ca tăng mạnh là do thời gian gần đây, thông tin trên báo chí và các cuộc hội thảo về cây mắc ca cho rằng: mắc ca là “cây tỷ đô”, loại cây trồng mới mang lại hiệu quả kinh tế cao nên người dân trên địa bàn tỉnh đổ xô vào trồng mắc ca, khiến nguồn giống bị thiếu hụt, lợi dụng vào đó các đơn vị, cá nhân bán cây giống đã đẩy giá lên để kiếm lời. Trong khi đó, cho đến nay ngành nông nghiệp tỉnh vẫn chưa khẳng định được tính hiệu quả của cây mắc ca nên việc người dân đổ xô vào trồng cây mắc ca sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trước tình hình giá cây giống mắc ca tăng mạnh, Sở NN&PTNT Đác Nông đã tiến hành kiểm tra, rà soát diện tích trồng cây mắc ca trên địa bàn toàn tỉnh. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh các tổ chức, cá nhân đã trồng được hơn 700 ha cây mắc ca bằng các nguồn vốn từ Chương trình khuyến nông quốc gia, nông thôn mới; dự án hỗ trợ phát triển vùng biên giới, dự án 3EM; doanh nghiệp và người dân trồng tự phát… tập trung chủ yếu tại các huyện Tuy Đức, Đác Mil, Đác R’lấp, Đác Glong, Đác Song và thị xã Gia Nghĩa.
Do mắc ca là cây lâm nghiệp có nguồn gốc nhập khẩu từ nước ngoài, giá trị kinh tế cao nên thời gian qua tại một số địa phương đã xuất hiện hiện tượng phát triển tự phát diện tích cây mắc ca sử dụng giống không rõ nguồn gốc, chất lượng, xuất xứ rõ ràng và không phù hợp với định hướng và quy hoạch phát triển cây mắc ca của tỉnh. Trong khi đó, cây mắc ca đòi hỏi về chọn giống, sinh thái, điều kiện đất đai, khí hậu (như nhiệt độ, chế độ mưa, gió), độ cao… và kỹ thuật trồng, chăm sóc phải tuân thủ kỹ thuật nghiêm ngặt…
Trước tình trạng cây giống mắc ca được bán tràn lan trên thị trường và lợi dụng vào nhu cầu cây giống trong nhân dân tăng cao, một số đối tượng đã đưa các loại cây giống không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng về bán để trục lợi.
Trong khi đó, công tác kiểm tra, quản lý hoạt động mua bán cây giống mắc ca trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, vì người dân trực tiếp đi mua tại các cơ sở bán cây giống ngoài tỉnh mang về trồng, đồng thời một số đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh mua cây giống rồi chở thẳng về vườn, rẫy giao cho người dân trồng nên không thể kiểm soát hết.
Vì vậy, nhằm hạn chế những thiệt hại về kinh tế cho người dân, Sở NN&PTNT tỉnh Đác Nông đã đưa ra những khuyến cáo, hướng dẫn một số biện pháp kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mắc ca trên địa bàn.
Theo đó, về giống chỉ trồng cây giống được ghép từ những giống đã được Bộ NN&PTNT công nhận. Đến thời điểm hiện nay, Bộ NN&PTNT đã công nhận chín giống mắc ca tiến bộ kỹ thuật gồm giống: 842, 741, 900, 800, 695, OC, 246, 816, 849, đặc biệt là các giống đã được khảo nghiệm tại Tây Nguyên như giống 246, 816, OC,849 và chỉ nên mua giống tại những đơn vị có uy tín về sản xuất giống mắc ca, có địa chỉ rõ ràng. Trên một vườn trồng mắc ca nên chọn từ hai đến ba giống khác nhau để các giống thụ phấn chéo khi ra hoa giúp tăng năng suất, sản lượng.
Ngoài ra, Sở NN&PTNT cũng khuyến cáo, trước mắt chỉ trồng mắc ca tại khu vực được quy hoạch trên địa bàn huyện Tuy Đức, còn các huyện khác và thị xã Gia Nghĩa chỉ trồng khảo nghiệm, trồng thí điểm, đến khi có quy hoạch và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn thuộc Sở NN&PTNT thì mới được mở rộng diện tích.
Về thời gian trồng thích hợp khoảng tháng 5, 6 và kết thúc trồng trước ngày 15-8 hằng năm. Mắc ca có thể trồng thuần nhưng tốt nhất nên trồng xen với các loại cây trồng khác như cà-phê, cây hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày khác…
Cũng theo ông Đỗ Ngọc Duyên, ngoài những khuyến cáo cho nông dân không nên ồ ạt trồng cây mắc ca mà chỉ trồng theo quy hoạch của tỉnh, Sở NN&PTNT sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp các ngành liên quan và các địa phương tiến hành kiểm tra chặt chẽ hoạt động mua bán các loại giống cây trồng trên địa bàn, nhất là giống cây mắc ca, nếu phát hiện những đơn vị, cá nhân nào bán cây giống không bảo đảm chất lượng, không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Có thể bạn quan tâm

Hiện tại, giá heo hơi dao động từ 4,7 - 4,8 triệu đồng/1 tạ; heo con cũng đang ở mức giá thấp, dao động từ 90 - 100 ngàn đồng/kg, với mức giá này thì người nuôi có lãi từ 500 ngàn - 600 ngàn đồng/tạ. Cận Tết Nguyên đán vừa qua, giá heo hơi có lúc lên đến 4,9 triệu đồng/tạ, tuy không bằng cùng kỳ năm 2014 nhưng nhờ giá thức ăn chăn nuôi, thuốc phòng trị bệnh ổn định nên người chăn nuôi hết sức phấn khởi.

Cụ thể, rau dền lấy hạt năng suất đạt 4 tấn/ha, giá thị trường dao động từ 30.000 - 34.000 đồng/kg tùy theo chủng loại và chất lượng, trừ các khoản chi phí đầu tư như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các chi phí khác, nông dân còn lãi 30 triệu đồng/ha. Ngoài ra, các loại rau màu khác cũng đạt khá như rau muống lấy hạt đạt 3 tấn/ha, giá từ 27.000 - 28.000 đồng/kg; ớt có giá từ 14.000 đồng - 15.000 đồng/kg, nông dân vẫn có lợi nhuận.

Trồng sắn mì nhiều năm làm đất bạc màu và củ ít, nên đầu tháng 9/2014, anh Ma Blý (xã Ea Bia, huyện Sông Hinh) đã quyết định chuyển 1,9ha đất rẫy trồng sắn của mình sang trồng cây đậu đỏ. Niềm vui đã đến với gia đình Ma Blý, khi đậu đỏ vừa được mùa, được giá.

Trước đây, mặc dù gia đình ông Tâm có 5.000 m2 diện tích đất vườn nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn, thường thiếu trước hụt sau. Đến năm 2000, phong trào nuôi cá tra ở một số nơi rầm rộ đã thôi thúc ông Tâm phải chuyển cách làm ăn. “Tôi đã đào và thả nuôi được 3ha diện tích mặt nước. Lúc ấy không đủ vốn, tôi phải mượn của dòng họ và vay ngân hàng. Hai năm đầu do chưa có nhiều kinh nghiệm nên không lời nhiều…” - ông Tâm nhớ lại.

Số lượng hạt bán ra thị trường chưa nhiều, trong khi thông tin về loại cây mới này đang nóng lên từng ngày khiến giá thu mua mỗi nơi một kiểu.