Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Khổ Qua Thành... Khổ Quá !

Khổ Qua Thành... Khổ Quá !
Ngày đăng: 29/03/2012

Từ đầu năm đến nay, người trồng khổ qua ở Bình Định trở tay không kịp vì giá khổ qua liên tục rớt giá thảm hại. Hiện nay, người trồng khổ qua ở tỉnh này vừa làm vừa “run” vì không biết trong thời gian tới giá cả của nó có còn tuột thêm nữa không.

Xã Phước Hiệp (Tuy Phước-Bình Định) là địa phương có phong trào trồng rau màu rất mạnh, trong đó khổ qua là loại cây trồng chủ lực với hàng trăm hộ tham gia. Nông dân ở đây người không có đất màu cũng đi thuê đất với giá rất cao để trồng khổ qua, bởi nếu được giá, thu nhập từ loại cây trồng này cao gấp nhiều lần so với cây lúa. Trồng khổ qua phủ bạt (giống như trồng dưa hấu) vừa tiết kiệm được nước tưới, vừa lưu giữ được lâu lượng phân bón tại gốc và ít bị sâu bệnh tấn công gây hại nên có độ an toàn cao. Nông dân Lê Ngọc Anh ở đội 2, thôn Lộc Chánh, xã Phước Hiệp vừa giăng dây ni lon cắm choái cho vụ trồng mới vừa cho biết: “Gia đình tui làm 3 sào khổ qua, trong dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, 1 kg khổ qua bán được 12.000đ. Thu hoạch trọn vụ tui “bỏ túi” được 40 triệu, ngon ơ. Nếu suôn sẻ, cây khổ qua không bị sâu bệnh gây hại, giá cả ổn định, mỗi năm thu 2 vụ thì không làm cây gì cho bằng. Còn bây giờ, vợ chồng tui vừa xuống giống vừa run vì khổ qua đang đứng ở giá rất thấp, chỉ có 3.000đ/kg”.

Theo tính toán của anh Lê Ngọc Anh, mỗi sào đất phải chi phí 500.000đ tiền giống, 300.000đ tiền mua bạt, 600.000đ tiền lưới (15 kg), 4 triệu đồng tiền phân/vụ (cả phân bón lót). Đó là chưa kể đến chi phí tiền mua cây làm choái, công làm đất và thuốc BVTV. Với năng suất 2 tấn khổ qua/sào và với cái giá 3.000đ/kg như hiện nay, sau khi trừ mọi chi phí người trồng khổ qua chỉ lãi được chút ít hoặc vừa đủ vốn.

Chị Hai (vợ anh Anh) góp chuyện: “Từ Tết đến nay giá khổ qua liên tục giảm mạnh, từ 12.000đ-14.000đ/kg xuống còn 6.000đ/kg. Người trồng khổ qua chưa hết tá hỏa thì lại tiếp tục giảm còn 4.000đ, thậm chí có lúc tuột chỉ còn 2.500đ/kg, bây giờ nhích lên được 3.000đ. Người làm nông thì phải làm quanh năm chứ lẽ nào để đất không, cũng không thể chờ giá tăng cao mới trồng. Bữa nay xuống giống mà vợ chồng tui luôn miệng cầu nguyện cho lúc thu hoạch giá khổ qua tăng cao trở lại”.

Những người đã có thâm niên 9-10 năm trồng khổ qua như vợ chồng anh Lê Ngọc Anh, được “trúng” nhiều vụ rồi thì giờ có “thua” cũng cam đành, chứ như trường hợp chị Nguyễn Thị Nở ở thôn Đại Lễ (Phước Hiệp) mới “chân ướt chân ráo” vào nghề đã phải đối mặt với cái giá khổ qua thấp tịt thì không khỏi lo lắng. Chị Nở đứng cuốc cỏ giữa những vồng khổ qua vừa xuống giống với gương mặt buồn thiu, than thở: “Tui vừa thuê lại 3,5 sào đất của những hộ nông dân có lao động đi làm hết ở khu công nghiệp để trồng khổ qua với giá 1,2 triệu đồng/sào/năm, với diện tích này tui làm được 7 vồng khổ qua. Chưa chi đã chi phí hết 3 cây rưỡi bạt nhựa hơn 800.000đ, mua hàng trăm cây trảy làm chóai, mỗi cây 5.000đ, 35 bì giống mỗi bì 47.000đ, vị chi hết hơn 1,6 triệu đồng nữa. Tính thêm phân bón, công làm đất tiền chi phí đầu tư lên đến 4-5 triệu đồng. Với cái giá khổ qua hiện nay chắc lời lãi không đủ chi phí tiền phân”.

Tại điểm thu mua của chị Ba ở xã Phước Hiệp, chúng tôi nhìn thấy nhân công đang đóng những trái khổ qua vào những chiếc thùng giấy với không khí làm ăn rất uể oải. Hàng ngày, chị Ba thu mua của nông dân và cung ứng ra thị trường Đà Nẵng hàng trăm thùng khổ qua. Thế nhưng mặt hàng này hiện đang rất “đứng”, nhiều khi hàng vừa chở ra đến nơi đã phải chịu cái gía hạ hơn. Làm ăn thua lỗ liên tục. Chị Ba than thở về “bi cảnh” của trái khổ qua hiện nay: “Người trồng khổ qua...khổ đã đành, mua bán như tụi tui cũng khổ lây. Bây giờ tiếp tục đóng hàng gửi đi để giữ mối lái chứ chẳng lời lãi gì, thậm chí nhiều chuyến lỗ chỏng chân”.

Box: “Xã Phước Hiệp có 8 thôn thì thôn nào cũng có nông dân trồng khổ qua. Trồng nhiều diện tích nhất là thôn Tú Thủy, lúc đắt hàng, mỗi ngày có đến hàng chục đầu nậu tập trung về thu mua, lúc hàng ế như hiện nay thì vắng teo. Cây khổ qua là cây trồng chủ lực trong chuyển đổi cơ cấy cây trồng của xã, bây giờ giá tuột thấp, người trồng đang gặp rất nhiều khó khăn”, ông Lê Văn Nhựt-Phó chủ tịch UBND xã Phước Hiệp.


Có thể bạn quan tâm

Đặc sản ở Viễn Sơn (Yên Bái) Đặc sản ở Viễn Sơn (Yên Bái)

Xã Viễn Sơn (Yên Bái) có diện tích trồng quế lớn nhất, nhì huyện Văn Yên. Cây quế góp phần xóa đói giảm nghèo, giúp người dân vươn lên làm giàu. đồng bào Dao nơi đây coi cây quế như một sản vật truyền thống.

18/08/2015
Được giá, được mùa bí xanh trái vụ Được giá, được mùa bí xanh trái vụ

Bà con nông dân xã Bảo Hiệu (Yên Thuỷ - Hòa Bình) đang thu hoạch bí xanh – một trong những cây họ bầu bí giảm nghèo chủ lực trên vùng đất còn nhiều khó khăn này. Thông thường mọi năm, các hộ chỉ trồng bí vụ đông xuân. Tuy nhiên, gần đây, cây bí xanh được bà con trồng tăng vụ ở vụ hè thu. Đáng mừng là nỗ lực chuyển đổi của bà con đã được bù đắp xứng đáng nhờ bí xanh trái vụ được giá, được mùa. Mới có ít ngày thu hoạch thời điểm trung tuần tháng 8 đã mang về hàng chục triệu đồng cho các hộ, cá biệt có hộ thu trên, dưới 100 triệu đồng.

18/08/2015
Trồng cây địa liền ở thôn Nam Hả Trong (Ba Chẽ - Quảng Ninh) Trồng cây địa liền ở thôn Nam Hả Trong (Ba Chẽ - Quảng Ninh)

Nam Hả Trong là thôn có nhiều hộ trồng địa liền của xã Nam Sơn (huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh). Kinh tế chủ lực của thôn là phát triển lâm nghiệp, nhưng luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu đất rừng, đã buộc xã Nam Sơn phải có phương án làm sao trên cùng một diện tích đất có thể thu được nhiều nguồn lợi. Một trong những nguồn lợi ấy là trồng cây địa liền xen kẽ trên các diện tích trồng keo.

18/08/2015
Hàng ngàn ha mì bị thiệt hại Hàng ngàn ha mì bị thiệt hại

Trên địa bàn huyện chỉ mới xuất hiện những cơn mưa dông đầu mùa, đất chưa đủ độ ẩm nhưng nhiều người dân huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đã ồ ạt xuống giống một số cây trồng vụ mùa; trong đó chủ yếu là cây mì, sau đó gặp nắng nóng kéo dài đã làm cho hàng ngàn ha mì chết và chậm phát triển vì thiếu nước. Những ngày qua, trên địa bàn huyện bắt đầu có mưa, phần nào giải cơn khát cho cây trồng thì cũng là điều kiện cho các dịch bệnh gây hại cây trồng xuất hiện.

18/08/2015
Diện tích mía nguyên liệu giảm trên 600 ha Diện tích mía nguyên liệu giảm trên 600 ha

Ông Hồ Thành Phi, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, cho biết: Do hiệu quả kinh tế cây mía thấp, Công ty cổ phần đường Bình Định (BISUCO) thiếu quyết tâm đầu tư nên nông dân trong vùng nguyên liệu mía của huyện đã phá bỏ mía chuyển sang trồng các loại cây trồng khác, khiến cho diện tích mía nguyên liệu bị giảm mạnh.

18/08/2015