Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Khi Tư Duy Của Người Dân Chưa Được Cởi Trói…

Khi Tư Duy Của Người Dân Chưa Được Cởi Trói…
Ngày đăng: 02/12/2014

Gia đình ông Trần Văn Hiền (xã Tân Hương) nằm trong số rất ít trường hợp nuôi cá theo hình thức bán thâm canh tại huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Trong ảnh: Ông Hiền đang chăn cá bằng thức ăn công nghiệp.

Với khoảng 350ha mặt nước có khả năng sử dụng để chăn nuôi thủy sản, huyện Phổ Yên (Thái Nguyên) là địa phương có tiềm năng đáng kể để phát triển lĩnh vực này, nhưng về cơ bản tiềm năng đó chưa được phát huy tốt, phần nhiều số hộ có diện tích mặt nước vẫn chăn nuôi thủy sản theo lối quảng canh.

Thực trạng chăn nuôi thủy sản ở xã Tân Hương là một ví dụ. Xã có 20ha ao hồ, 4,5ha ruộng trũng có thể tận dụng để nuôi thủy sản và từng có một hợp tác xã chăn nuôi cá từ hàng chục năm trước. Bắt đầu từ năm 2003, 30 hộ dân trên địa bàn xã đã được tham gia mô hình nuôi cá rô phi đơn tính do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I triển khai (các hộ được hỗ trợ hoàn toàn cá giống và được tập huấn kỹ thuật nuôi).

Theo ông Hoàng Văn Phú, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hương, mô hình đã góp phần cải thiện nhận thức của người dân về chăn nuôi cá và họ đã chú trọng tới nghề này hơn. Nhưng khi mô hình kết thúc, sự hỗ trợ không còn thì phần lớn số hộ đã từng tham gia lại quay về chăn nuôi cá theo lối quảng canh (chăn thả tự nhiên). Vì thế mà năng suất cũng như hiệu quả nuôi cá của người dân trên địa bàn thấp, trung bình chỉ đạt khoảng 3 tấn cá/ha mặt nước/năm.

Tại huyện Phổ Yên hiện nay, số hộ đầu tư nuôi cá theo hình thức bán thâm canh như trường hợp gia đình ông Trần Văn Hiền ở xóm Trại, xã Tân Hương chỉ đếm trên đầu ngón tay (hình thức nuôi thâm canh lại càng hiếm hơn). Với 1,2ha ao (vốn là khu ruộng trũng được gia đình ông đấu thầu và mua lại một phần từ nhiều năm trước), ông Hiền thả nuôi một số loại cá như rô phi đơn tính, chép, trắm, mè.

Ngoài tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp sẵn có, gia đình ông dùng thức ăn công nghiệp để nuôi cá nên năng suất đạt khoảng 8 tấn cá/ha mặt nước mỗi năm. Ông Hiền chia sẻ: Gần 20 năm gắn bó với nghề nuôi cá, gia đình tôi chỉ áp dụng chăn thả tự nhiên nên cá lớn rất chậm, hiệu quả kinh tế thấp. Sau một số lần được hỗ trợ thông qua các dự án khuyến nông và quá trình đúc rút kinh nghiệm, tôi quyết định chuyển sang nuôi cá bán thâm canh từ đầu năm nay và nhận thấy hiệu quả rõ rệt.

Cách làm như gia đình ông Hiền đang được các cơ quan liên quan và địa phương của huyện Phổ Yên hỗ trợ, khuyến khích nhân rộng. Nhưng kết quả đạt được chưa rõ rệt khi đại đa số hộ dân có ao hồ vẫn chọn hình thức chăn thả tự nhiên, ít chú trọng đầu tư cải tạo ao nuôi, giống và thức ăn cho cá.

Vì vậy, năng suất trung bình trong chăn nuôi thủy sản ở Phổ Yên hiện đạt rất thấp (khoảng 2,5 tấn cá/ha mặt nước/năm), tỷ trọng giá trị chăn nuôi thủy sản chỉ đạt khoảng 2,7% nội ngành Nông nghiệp (tăng không đáng kể so với thời điểm 10 năm trước).

Theo anh Phạm Minh Hiệp, cán bộ phụ trách chăn nuôi của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phổ Yên, nguyên nhân chính là do nhiều người dân chưa nhận thức rõ hiệu quả của chăn nuôi thủy sản theo hình thức thâm canh, thói quen nuôi thả cá một cách tự nhiên của bà con không dễ gì thay đổi.

Nhiều người có tâm lý sợ rủi ro, dè dặt và ngại đầu tư hoặc trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên không duy trì nuôi thâm canh khi kết thúc dự án… Điển hình như mô hình nuôi cá lóc bông được triển khai từ năm 2006, dù đã chứng minh hiệu quả kinh tế cao nhưng khi không còn sự hỗ trợ, trong số hàng chục hộ dân tham gia thì đến nay chỉ còn 3 hộ duy trì.

Có thể nói, việc phát huy tiềm năng chăn nuôi thủy sản ở Phổ Yên (cũng như nhiều nơi khác) phụ thuộc lớn vào trình độ thâm canh và tư duy làm ăn của người dân.

Do đó, ngoài sự quan tâm hỗ trợ thì công tác tuyên truyền, đặc biệt là việc triển khai các mô hình trình diễn như các cơ quan chuyên môn của huyện đã và đang làm là rất cần thiết (hiện trên địa bàn huyện Phổ Yên có 2 mô hình chăn nuôi cá được triển khai tại những xã có tiềm năng lớn như: Tân Hương, Đông Cao, Tiên Phong và Đồng Tiến). Nhận thức và hình thức chăn nuôi của người dân sẽ thay đổi theo hướng tích cực khi họ thấy rõ hiệu quả kinh tế có thể thu được…

Nguồn bài viết: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/kinh-te/khi-tu-duy-cua-nguoi-dan-chua-duoc-%E2%80%9Ccoi-troi%E2%80%9D%E2%80%A6-222364-108.html


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Heo Ứng Dụng Đệm Lót Sinh Thái Ở Cà Mau Nuôi Heo Ứng Dụng Đệm Lót Sinh Thái Ở Cà Mau

Những năm qua, chăn nuôi gia súc, gia cầm nói chung và chăn nuôi heo nói riêng phát triển khá mạnh cả về quy mô lẫn số lượng. Do ảnh hưởng của tập quán chăn nuôi truyền thống, phần lớn người chăn nuôi khu vực nông thôn vẫn duy trì phương thức chăn nuôi thả rông hoặc chuồng trại sơ sài; chất thải trong chăn nuôi thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm.

12/09/2012
Hiệu Quả Từ Việc Thụ Tinh Nhân Tạo Đối Với Đàn Bò Giống Ở Bến Tre Hiệu Quả Từ Việc Thụ Tinh Nhân Tạo Đối Với Đàn Bò Giống Ở Bến Tre

Hiện nay, đàn bò của tỉnh Bến Tre có trên 180.000 con, lớn nhất trong các tỉnh thành ở ĐBSCL. Chất lượng đàn bò ngày càng được chú trọng với các ưu điểm như: trọng lượng lớn, tốc độ tăng trọng nhanh, tỷ lệ thịt xẻ cao, chất lượng thịt ngon. Có được kết quả này là nhờ công tác thụ tinh nhân tạo được thực hiện thời gian qua tại tỉnh.

16/09/2012
Nông Dân Trồng Cà Phê Lãi Ít Nhất 20% Nông Dân Trồng Cà Phê Lãi Ít Nhất 20%

Theo dự báo, sản lượng cà phê ở Đắc Lắc, địa phương trồng cà phê lớn nhất ở Việt Nam, có thể giảm tới 1/5 trong niên vụ này.

16/09/2012
Hiệu Quả Kinh Tế Từ Mô Hình Trồng Giống Mướp Đắng CN0244 Ở Vĩnh Phúc Hiệu Quả Kinh Tế Từ Mô Hình Trồng Giống Mướp Đắng CN0244 Ở Vĩnh Phúc

Vụ Hè Thu năm 2012, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (TTƯDTBKH) Vĩnh Phúc đã phối hợp với Công ty TNHH giống cây trồng Chánh Nông xây dựng mô hình trình diễn và giới thiệu giống mướp đắng lai F1 CN0244.

16/09/2012
Làm Giàu Từ Nuôi Cá Kèo Ở Bạc Liêu Làm Giàu Từ Nuôi Cá Kèo Ở Bạc Liêu

Vườn Cò là một ấp nghèo của xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu). Sản xuất chủ yếu của người nông dân ở đây là 1 vụ lúa và 1 vụ tôm, đời sống còn nhiều khó khăn. Tuy vậy, trong ấp có một số hộ nông dân làm kinh tế rất thành công (nuôi cá kèo) trong đó có hộ ông Trần Văn Thọ.

24/09/2012