Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Khi Nông Dân… Chê Tiền

Khi Nông Dân… Chê Tiền
Ngày đăng: 11/08/2014

Trong 3 năm 2011-2013, Nhà nước đã bỏ ra 11.082 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân bảo vệ đất lúa theo Nghị định 42/2012/NĐ-CP của Chính phủ. Đó quả là một con số rất lớn.

Hỗ trợ để nông dân bảo vệ đất lúa, nghĩa là khi thấy trồng một loại cây khác có lợi hơn trồng lúa, người nông dân bỏ lúa chuyển sang trồng cây đó, khiến diện tích đất lúa có nguy cơ bị thu hẹp, thì số tiền “hỗ trợ” kia sẽ là phần bù đắp cho họ, để họ giữ lại đất lúa nhưng vẫn có lợi nhuận ngang bằng với việc trồng cây khác.

Với nghĩa đó, thì gói hỗ trợ và số tiền hỗ trợ kia thật có ý nghĩa.

Nhưng đến nay nhìn lại, người nông dân được gì từ gói hỗ trợ?

Cứ theo như Thông tư số 205/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính “Hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ để bảo vệ và phát triển đất lúa”, thì đối tượng được hưởng gói hỗ trợ trên là các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trực tiếp sản xuất lúa trên diện tích đất nằm trong quy hoạch đất trồng lúa.

Mức hưởng là 500.000 đồng/ha/năm cho người trồng lúa trên đất chuyên trồng lúa; 100.000 đồng/ha/năm cho người trồng lúa trên đất lúa khác, trừ lúa nương được mở rộng không nằm trong quy hoạch. Cả hai mức hỗ trợ được chia làm 2 lần/năm.

Thông tư thì quy định chặt chẽ, rành mạch như vậy. Nhưng do ruộng cấy ít, đặc biệt là với nông dân miền Bắc diện tích cấy lúa của mỗi hộ càng ít, nên số tiền họ được hưởng chẳng đáng bao nhiêu, trong khi muốn nhận được tiền hỗ trợ phải làm đủ các thủ tục rất phiền hà: Nào phô tô sổ hộ khẩu, phô tô chứng minh nhân dân, nào phô tô giấy chứng nhận QSDĐ…Rồi thì đi lại hai ba lần. Mà một năm phải 2 lần làm các thủ tục đó chứ không phải 1.

Thế nên, theo phản ánh trên một số phương tiện thông tin đại chúng, nhiều nơi địa phương niêm yết danh sách các hộ được nhận tiền đã 3 năm nay, bản danh sách đã ố vàng mà vẫn không có ai đến nhận.

Có nơi trưởng thôn phải lặn lội đến từng nhà vận động dân làm thủ tục nhận tiền để địa phương “hoàn thành kế hoạch” vẫn không xong.

Nói như một nông dân ở huyện Cần Đước (Long An) thì: “Nhà tôi có 0,2 ha đất lúa, một năm hai lần, mỗi lần nhận được 50.000 đồng, trong khi phải đi xe ôm lên ngân hàng mỗi lần hết 100.000 đồng để xin phô tô sổ đỏ (đã thế chấp vay tiền), mất 100.000 đồng “chi phí” mới lấy được sổ đỏ ra phô tô nữa”.

Thậm chí có hộ, sau khi làm đủ các thủ tục, chỉ nhận được ba, bốn chục ngàn đồng. Hộ ít ruộng đã vậy, còn những hộ có một vài ha trở lên, số tiền mỗi lần được nhận chỉ vài ba trăm, dăm trăm ngàn, cũng không đủ để bù đắp phần thua thiệt cho họ so với việc họ chuyển đất lúa sang trồng cây khác, khi thấy trồng cây khác có lợi hơn.

Đã nhận tiền “hỗ trợ để bảo vệ và phát triển đất lúa” rồi thì không thể chuyển đất lúa sang trồng cây khác được nữa. Đó cũng là một trong những lý do khiến người nông dân “né” gói hỗ trợ này.

Một điều không thể không nói đến nữa là đối với rất nhiều nơi trên cả nước, hiện người nông dân vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Với những địa phương đó thì dù muốn, người nông dân cũng hoàn toàn không đủ thủ tục để có thể được nhận tiền.

Hỗ trợ nông dân là phải hỗ trợ bằng chính sách chứ không phải bằng tiền. Nếu có một chính sách khiến người nông dân có lợi hơn khi trồng lúa, thì thử bắt họ bỏ lúa trồng cây khác xem...


Có thể bạn quan tâm

Tham Gia Xây Dựng Nông Thôn Mới Tham Gia Xây Dựng Nông Thôn Mới

Qua 25 năm hình thành và phát triển, Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Bình Thành (huyện Lấp Vò) đã trở thành HTX đa dịch vụ đáp ứng nhu cầu sản xuất của bà con, đồng thời góp sức xây dựng nông thôn mới của địa phương.

22/08/2014
Ngân Hàng Đi Bán Cá, Nuôi Tôm Ngân Hàng Đi Bán Cá, Nuôi Tôm

Theo một quy trình sản xuất kinh doanh thông thường, những hộ nuôi tôm, cá vay vốn sản xuất, sau khi thu hoạch sẽ thu tiền trả cho ngân hàng. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng sẽ thuận buồm xuôi gió như vậy. Ở thời điểm này, nhiều ngân hàng - chủ nợ phải đi “bán cá, nuôi tôm”…

03/09/2014
Cá Ruộng Vào Mùa Cá Ruộng Vào Mùa

Vào đầu tháng 7 (âm lịch) hằng năm, nhiều nông dân lâu nay quen sản xuất 2 lúa kết hợp 1 vụ cá hoặc những nơi vùng đất trũng không thể sạ lúa vụ 3 (Thu đông) lại bắt đầu thả nuôi cá trên ruộng lúa, nhằm kiếm thêm nguồn thu nhập trong những tháng mùa nước nổi.

22/08/2014
Cách Phòng Chống Bệnh Đốm Trắng Trên Tôm Biển Cách Phòng Chống Bệnh Đốm Trắng Trên Tôm Biển

Theo kết quả quan trắc môi trường của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bến Tre, từ tháng 6-2014 đến nay, ở hầu hết các điểm thu mẫu giáp xác ngoài kênh rạch tự nhiên trên địa bàn Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú đều phát hiện nhiễm mầm bệnh đốm trắng với tần suất ngày càng cao, đặc biệt là bệnh đốm trắng (WSSV).

03/09/2014
Cẩn Trọng Với Táo Trung Quốc Cẩn Trọng Với Táo Trung Quốc

Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa công bố, 7 tháng đầu năm, lượng táo nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm trên 58% so với hàng nhập khẩu từ nước khác. Thông tin này làm người tiêu dùng không khỏi băn khoăn bởi lượng táo TQ nhập nhiều như vậy đã đi đâu?

22/08/2014