Khi Những Ruộng Lúa Bị… Khai Tử

Những năm gần đây, diện tích thanh long ở Bình Thuận liên tục phát triển. Mới qua mấy tháng đầu năm 2014 đã có nhiều diện tích đất lúa 2 - 3 vụ ở các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình… bị nông dân tự “quy hoạch” để trồng thanh long.
Khi những ruộng lúa tiếp tục bị khai tử để thanh long tự phát cũng đồng nghĩa với những rủi ro khó lường mà người trồng thanh long sẽ phải hứng chịu.
Theo qui hoạch của tỉnh Bình Thuận thì đến năm 2015, diện tích trồng thanh long cả tỉnh sẽ là 15.087 ha, nhưng đến thời điểm này, diện tích đã nhảy vọt lên 22.452 ha, vượt quy hoạch đến năm 2015 trên 7.000 ha.
Làm nông luôn vất vả, và nếu chỉ chăm vào cây lúa thì khó mà đổi đời, tuy nhiên hiện nay, việc tiêu thụ lúa thương phẩm ở một số địa phương cũng khá thuận lợi. Vừa rồi ở xã Hàm Phú, huyện Hàm Thuận Bắc, thu hoạch xong 20 ha lúa theo mô hình thí điểm liên kết sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm, năng suất bình quân từ 65 đến 70 tạ mỗi ha.
Giá thu mua ở đầu vụ từ 7.000 đến 7.200 đồng/kg. Như vậy, trồng 1 ha lúa, nông dân thu về khoảng 50 triệu đồng, nhưng tính ra vẫn thấp hơn từ 3 đến 4 lần so với thu nhập từ 1 ha thanh long trái vụ và được giá.
Do đó, thấy lợi trước mắt, nhiều người đổ xô trồng thanh long, nhưng đến khi thị trường giá biến động thì hậu quả cũng khó mà lường được. Được biết, toàn tỉnh hiện 6.694 ha thanh long trồng trên đất lúa, trong đó thanh long trồng trên đất lúa 2 – 3 vụ là 4.079 ha, đất lúa 1 vụ là 2.165 ha.
Riêng tại huyện Hàm Thuận Bắc, mới chỉ 5 tháng đầu năm 2014 đã có 907 trường hợp vi phạm trồng thanh long trên đất lúa với diện tích trên 230 ha, trong đó có trên 209 ha lúa nước từ 2 đến 3 vụ bị đào ao, đổ đất để trồng thanh long. Qua kiểm tra cấp xã đã xử phạt 510 trường hợp.
Việc quản lý chặt chẽ đất lúa nước có liên quan đến vấn đề an ninh lương thực quốc gia, nhưng thực tế khi tiến hành xử phạt nông dân cũng là vấn đề rất nhạy cảm, gây khó xử cho những người phụ trách công việc này.
Hiện thanh long Bình Thuận vẫn chưa đứng vững được ở các thị trường lớn khác như các nước châu Âu, châu Mỹ, mà đa phần là được xuất dạng tiểu ngạch qua thị trường Trung Quốc; nhưng mỗi khi bến đỗ này chỉ gặp trục trặc nhỏ thì chẳng những ảnh hưởng trực tiếp đến nhà vườn, những người kinh doanh, mà còn liên đới chung đến sự phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh.
Bên cạnh diện tích thanh long phát triển quá nhanh cũng ảnh hưởng đến một số vấn đề xã hội như gây quá tải cho công suất điện, hạn chế những sản phẩm lương thực khác…
Ngoài việc quản lý, xử phạt, cũng còn nhiều việc lớn hơn cần phải làm như quản lý và thực hiện triệt để diện tích, quy hoạch vùng trồng thanh long, có biện pháp hỗ trợ thực tế để khuyến khích nông dân tập trung đầu tư chăm sóc long sạch theo tiêu chuẩn VietGAP thay vì phát triển thêm diện tích.
Và có lẽ bước ổn định lâu dài nhất vẫn là nhanh chóng tìm cách tăng thị trường xuất chính ngạch, có hợp đồng để ràng buộc giữa người trồng và tiêu thụ.
Khi nông dân vẫn chưa ý thức được những rủi ro thị trường thì diện tích cây thanh long sẽ còn tăng, thay vào đó sẽ có nhiều diện tích lúa tiếp tục bị khai tử.
Có thể bạn quan tâm

Từ vài ha trồng thử nghiệm ban đầu, đến nay nông dân huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) đã xuống giống 87 ha ớt, tập trung ở các xã: Phú Đông (37 ha), Phú Thạnh (33 ha) và Tân Phú (17 ha).

Tại Hậu Giang, giá cam sành mua tại vườn đã giảm 5.000 - 6.000 đồng/kg so cùng kỳ năm 2013. Nếu mua xô, cam sành giá 7.000 - 8.000 đồng/kg, cam loại 1 giá 9.000 - 10.000 đồng/kg; cam mật có giá 6.000 - 7.000 đồng/kg. Riêng cam xoàn có giá từ 20.000 - 22.000 đồng/kg, giảm 2.000 - 4.000 đồng/kg so cùng kỳ và giảm trên 10.000 đồng so với vụ nghịch.

Những năm gần đây, nhiều người trồng xoài ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã tiến hành bao trái xoài từ khi trái còn non. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu chống côn trùng gây hại và nâng cao chất lượng quả.

Nguồn thanh long đưa về hai chợ đầu mối này chủ yếu là của Bình Thuận, Long An và Tiền Giang, sau đó chuyển đi tiêu thụ ở các chợ nội thành hay khu vực lân cận. Còn tại Hà Nội, hiện cũng có hai chợ đầu mối gồm Trung tâm Kinh doanh chợ đầu mối phía Nam (Khu đô thị Đền Lừ) và chợ đầu mối Long Biên.

Theo định hướng hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tỉnh ta xác định cơ giới hóa sản xuất là một trong những khâu then chốt, nhằm giảm chi phí sản xuất, giải quyết một phần tình trạng thiếu hụt lao động nông nghiệp lúc mùa vụ và nâng cao thu nhập cho nông dân.