Khát Vọng Lập Nghiệp Từ Mô Hình Nấm Sò

Thôn Quật Xá (xã Cam Thành, Cam Lộ, Quảng Trị) là vùng đất thuần nông, người dân quanh năm chỉ trồng các loại cây ngắn ngày như lúa, lạc và sắn. Trong câu chuyện làm ăn của những người dân địa phương, mọi người thường nhắc đến một cô gái trẻ tên là Hải Đường đang ngày đêm miệt mài phát triển mô hình trồng nấm sò.
Qua sự chỉ dẫn của những người dân địa phương, chúng tôi tìm đến mô hình trồng nấm sò của chị Đặng Thị Hải Đường (sinh năm 1991). Tuy bận rộn với việc thu hoạch nấm nhưng chị vẫn nhiệt tình, vui vẻ trò chuyện cùng chúng tôi. Chị Đường từng là sinh viên Trường Cao đẳng Lương thực Thực phẩm Đà Nẵng. Cách đây hai năm, khi ra trường, chị đã nộp hồ sơ xin việc ở nhiều nơi nhưng vẫn chưa có hồi âm.
Qua nhiều lần đọc báo và xem tivi, thấy nhiều người có thu nhập cao từ việc trồng nấm, với vốn kiến thức được trang bị trong thời gian học tập, chị Đường nhận thấy nấm sò là loại cây cần vốn ít nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, có thể áp dụng tại địa phương.
Đầu năm 2014, được sự đồng ý của bố mẹ, chị Đường vay của người thân 5 triệu đồng bắt tay xây dựng mô hình với 1.000 bịch phôi nấm được nhập từ trại nấm. Do mới trồng nên chị cũng gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu thông tin và kinh nghiệm thực tế. Chị cho biết: “Trong quá trình học tại trường, tôi cũng có học vài học phần về kỹ thuật trồng các loại nấm nhưng khi áp dụng kỹ thuật và phương pháp đã học vào thực tế thì có nhiều điểm chưa phù hợp.
Trong quá trình chăm sóc có nhiều phôi nấm phát triển không bình thường, một số phôi bị khô và mốc nhưng chưa tìm ra nguyên nhân, đã cố công khắc phục nhưng vẫn không đạt được hiệu quả”.
Qua thời gian theo dõi, chị Đường nhận thấy nguyên nhân là do thời tiết tại địa phương thay đổi thất thường, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của nấm. Biết được nguyên nhân, chị đã xây dựng lại trại nấm thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông và tưới nước đều đặn, hợp lý.
Qua hơn 5 tháng chăm sóc, vụ mùa đầu tiên, chị thu hoạch hơn 150 kg nấm sò thương phẩm, lãi trên 14 triệu đồng. Từ thành công bước đầu, chị Đường đã đầu tư hơn 2.000 bịch phôi nấm (nấm sò trắng và nấm sò tím), mở rộng trại nấm để tiếp tục phát triển mô hình.
Về kỹ thuật chăm sóc, chị cho biết: “Cách trồng nấm của tôi dựa trên lý thuyết một phần nhưng phải tùy vào thời tiết của từng vùng. Đối với Quảng Trị có khí hậu nóng, mùa đông lại thường rất lạnh nên việc xây dựng trại phải đảm bảo yếu tố thích hợp, duy trì được nhiệt độ trong khoảng 200C - 280C thì nấm phát triển khỏe mạnh. Đối với nguồn nước tưới phải là nước sạch và không được phun thuốc.
Còn bệnh thường mắc phải là các loại nấm mốc xanh, đen, vàng, nguyên nhân chủ yếu do nguyên liệu ủ chưa đủ nhiệt, vệ sinh khu vực cấy giống không tốt, thời tiết nóng bức, thiếu độ thông thoáng hoặc giống nấm bị mắc bệnh từ trước. Trường hợp nữa là do nhiễm khuẩn vì vi khuẩn làm hỏng mũnấm hoặc do quá trình tưới nước vào các vết rách, do vệ sinh kém sau khi thu hái. Nếu có những dấu hiệu trên phải loại bỏđể tránh trường hợp lây lan sang các phôi nấm khác”.
Chị Đường lý giải rằng, trồng nấm sò mang lại hiệu quả kinh tế cao bởi kỹ thuật trồng đơn giản, vốn đầu tư ít, lại nhẹ công chăm sóc, ai cũng có thể phát triển mô hình trồng nấm này. Trong tương lai, chị sẽ nhân rộng mô hình nấm ra hàng ngàn bịch phôi nấm vì nhu cầu của thị trường rất cao. Bí quyết mang lại thành công cho chị đó là đổi mới phương pháp trồng nấm, chỉ tưới nước sạch, không dùng thuốc kích thích tăng trưởng.
Sau khi thu hoạch xong chị bỏ mối cho các tiểu thương ngay tại chợ Cam Lộ, bình quân 20 - 30kg/ngày với giá khoảng 40.000đ - 50.000đ/kg, đem lại thu nhập trên 8 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, chị còn tận dụng xác phôi sau thu hoạch nấm để bón cho các loại cây trồng khác và giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường.
Anh Trần Trung Hòa, Bí thư Đoàn xã Cam Thành cho biết: “Chị Đặng Thị Hải Đường là một trong những cá nhân tiên phong mở rộng mô hình trồng nấm. Đoàn thanh niên của huyện đãnhiều lần thăm hỏi, động viên và hỗ trợ phát triển mô hình nấm của chị Đường. Sắp tới, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này để thanh niên địa phương có thể lập nghiệp, làm giàu”.
Có thể bạn quan tâm

Thái Bình là tỉnh ven biển với hơn 52 km bờ biển, được bao bọc bởi hệ thống sông lớn là: Sông Hồng, sông Trà Lý, sông Luộc, sông Thái Bình, sông Diêm với ba loại hình thủy vực nước ngọt, nước lợ và nước mặn, do đó diện tích mặt nước để đưa vào nuôi trồng thuỷ sản rất lớn.

Anh Hà Văn Dương, người quản lý bè cá giới thiệu, các loài cá nuôi trong các ô chuồng chủ yếu là Rô phi đơn tính, cá Lăng, Chép 3 máu, Trắm đen, Diêu hồng và cá Ngạnh sông.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, rót chén trà xanh mời khách ông Quý nhớ lại, trước kia ông cũng như bao gia đình khác trong xã thu nhập chính chủ yếu trông vào hai vụ lúa nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Trước khi đến với mô hình nuôi ba ba, ông từng áp dụng nhiều mô hình chăn nuôi khác nhưng hiệu quả kinh tế không cao, cái nghèo vẫn luôn đeo bám ông và gia đình.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ba huyện ven biển tham mưu UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban có liên quan và UBND các xã nuôi tôm biển khẩn trương tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuẩn bị tốt các điều kiện sản xuất và thả giống tuân thủ theo lịch thời vụ đã ban hành.

Toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có 423ha mặt nước nuôi cá tra thâm canh, trong đó đang thả nuôi là 278,5ha, giảm 9,7% (30ha) so năm 2012. Giá cá tra nguyên liệu hiện từ 21.000 - 23.500 đ/kg nhưng giá thành sản xuất lên khoảng 23.000 - 24.000 đ/kg nên người nuôi tiếp tục theo lỗ.