Khánh Hòa Vẫn Còn Khó Khăn Cho Đầu Ra Cá Ngừ Sau Khai Thác

Ngoài hàng loạt khó khăn như chi phí tăng cao, ngư trường không ổn định đã ảnh hưởng đến nghề khai thác, những chủ tàu đánh bắt cá ngừ đại dương ở Khánh Hòa luôn canh cánh với nỗi lo bị ép giá. “Được mùa” nhưng lại mất giá và hiện nay là tình trạng ép giá; ngư dân đánh bắt cá ngừ đang còn gặp rất nhiều khó khăn đầu ra cho sản phẩm.
Theo một số chủ tàu, trung bình chi phí cho mỗi chuyến đánh bắt cá ngừ hiện nay (tính luôn cả tiền mua mồi câu) chi phí phải tốn trên trăm triệu đồng. Trong khi đó, giá cá lại không hề tăng so với năm ngoái. Hơn nữa, phần lớn các chủ tàu đều ứng tiền trước từ các đầu nậu để lo phí tổn ra khơi.
Cá vô bờ, không bán cho họ thì khó bán cho người khác, buộc lòng phải chịu cảnh ép giá. Các trường hợp không ứng tiền trước, ngư dân cũng vẫn phải theo giá đó mà bán, không thể khác được.
“Khi cá vào cảng, lúc sản lượng ít lại được giá cao, trong khi sản lượng nhiều thì giá cá lại thấp, do các đầu nậu, chủ vựa chi phối, gây rất nhiều khó khăn, chúng tôi cảm thấy không yên tâm” - Một ngư dân tại cảng cá Hòn Rớ chia sẻ.
Lâu nay, vẫn biết giá cá ngừ đại dương ở Khánh Hòa luôn lên xuống là chuyện bình thường. Song nếu bà con đem cá đi bán ngoài tỉnh cũng chẳng được vì các đầu nậu đã liên kết, thống nhất giá cá với nhau. Thường vào đầu mùa, các đầu nậu mua cá với giá cao, có khi lên tới gần 100.000 đồng/kg.
Các tàu đang ở ngoài khơi dù chưa đánh bắt được nhiều cũng vội vã chạy vào. Đến khi cá vô bờ nhiều thì các đầu nậu lập tức hạ giá, thậm chí có thời điểm chỉ còn 50 - 60.000 đồng/kg như đầu năm 2013. Do vậy tâm trạng của những chủ tàu đánh bắt cá ngừ luôn phập phồng lo âu. Nếu không ra khơi thì không có tiền trả lãi vay.
Còn ra khơi mà lỗ thì những chuyến biển sau sẽ khó tìm nhân công, thuyền viên. Mặt khác, cách bảo quản cá ngừ đại dương hiện nay của ngư dân còn rất lạc hậu, nên chất lượng không tốt, dẫn đến cá ướp cũng không đạt chất lượng. Khi bán, số cá này dễ bị loại ra hoặc mua với giá thấp hơn rất nhiều.
Ông Nguyễn Văn Đẩu - Chi Cục trưởng Chi cục Khai thác & Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa cho biết: “Trong đầu năm, lượng cá ngừ về nhiều, các nhà thu mua, sản xuất cũng như chế biến có sự điều chỉnh giá, tuy nhiên nhiều khi điều chỉnh giá cá thấp.
Về phía Chi cục, Sở Nông nghiệp nhiều lần mời các doanh nghiệp cùng với Hội nghề cá đã có sự bàn bạc để làm sao các doanh nghiệp xuất khẩu, cở sở chế biến có lãi, ngư dân đánh bắt cũng bán được giá cá ngừ hợp lý, tránh tổn thất.”
Về chất lượng cá ngừ khi về cảng cũng rất khó xác định, các đầu nậu thường o ép, hạ chất lượng cá để thu mua với giá rẻ, ngư dân buộc phải chấp nhận. Về mặt chất lượng cũng như giá cả, từ trước đến nay chưa có quy định và kiểm soát rõ ràng.
Do đó mong muốn của ngư dân hiện nay cần có sự quản lý hiệu quả từ khâu đánh giá chất lượng, thu mua sau khai thác của các ngành chức năng, nhằm đảm bảo quyền lợi cho bà con ngư dân, giúp họ yên tâm bám biển, bám ngư trường.
Có thể bạn quan tâm

Theo ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Định, đến nay nông dân các địa phương trong tỉnh đã sử dụng trên 1.681 ha mặt nước để nuôi tôm, trong đó diện tích mặt nước thả nuôi tôm thẻ chân trắng 483,3 ha, tôm sú 1.197,7 ha.

Dù đang vào mùa đánh bắt chính nhưng nhiều ngư dân đành cho tàu nằm bờ vì một số mặt hàng hải sản rớt giá, trong khi chi phí cho mỗi chuyến ra khơi lại tăng cao.

Ngày 29/5/2015, tại huyện Phước Long, Phân viện Nuôi trồng thủy sản Minh Hải phối hợp Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư Bạc Liêu và UBND huyện Phước Long tổ chức Hội thảo chuyên đề: “Tìm giải pháp khắc phục tình trạng tôm chết mô hình quảng canh cải tiến”. Có hơn 100 bà con nông dân vùng chuyển đổi nuôi trồng thủy sản của huyện Phước Long tham dự.

Theo kế hoạch, năm nay, toàn tỉnh Quảng Ninh sẽ thả nuôi 9.615ha tôm các loại, trong đó diện tích nuôi tôm sú 6.814ha; diện tích nuôi tôm chân trắng 2.801ha. Phấn đấu đạt sản lượng 9.638 tấn. Tính đến thời điểm này, bà con nông dân và các doanh nghiệp nuôi trồng thuỷ sản trong tỉnh đã thu hoạch xong tôm nuôi vụ thu - đông và đã cơ bản thả tôm giống nuôi vụ xuân - hè.

Hiện nay, việc nuôi xen canh sò huyết và cua trong vuông tôm được nhiều hộ dân trên địa bàn xã Trần Thới và Đông Thới (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) thực hiện mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình chi phí đầu tư thấp, ít rủi ro nhưng mang tính bền vững, rất phù hợp với điều kiện và trình độ sản xuất của nông dân.