Khánh Hòa tồn đọng 40.000 tấn muối do giá muối giảm mạnh

Theo ông Trương Hữu Lan, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Khánh Hòa, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn tồn khoảng 40.000 tấn muối, chiếm hơn một nửa sản lượng muối đã làm ra.
Từ nay đến hết tháng 8/2015, Tổng Công ty Muối Việt Nam sẽ mua tạm trữ khoảng 4.000 tấn muối, giá theo thỏa thuận với diêm dân. Bên cạnh đó, tỉnh Khánh Hòa cũng đã chỉ đạo các công ty ở địa phương lập đề án thu mua muối tạm trữ thông qua việc hỗ trợ lãi suất vốn vay từ ngân hàng.
Dự kiến, các công ty này sẽ thu mua khoảng 20.000 tấn muối cho diêm dân. Công tác thu mua muối tạm trữ đang được triển khai nhanh để tránh mưa bão.
Những ngày này, tại vùng sản xuất muối lớn nhất tỉnh Khánh Hòa là Ninh Thọ, Ninh Diêm, Ninh Thủy… thị xã Ninh Hòa, muối của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình vẫn còn tồn nhiều, trong khi giá muối vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước tình hình thời tiết đang chuyển sang mùa mưa, các doanh nghiệp, hợp tác xã khẩn trương vận chuyển muối tồn vào kho hoặc đến chỗ đất cao ráo để đắp đống rồi phủ bạt bảo quản tạm. Với hộ gia đình thì đóng muối tồn vào bao tải rồi mang về hoặc đem gửi chỗ khác.
Tuy nhiên, do lượng muối tồn nhiều, trong khi kho, bãi để bảo quản thì có hạn nên vẫn còn lượng lớn muối tồn đắp thành đống hàng chục tấn ngay tại bờ ruộng vốn thấp trũng, nếu có mưa lớn số muối này có thể bị hỏng.
Hiện nay, giá muối sản xuất trên ruộng đất từ 350-400 đồng/kg, muối sản xuất theo kỹ thuật lót bạt 600 đồng/kg, chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.
Khánh Hòa hiện có trên 970ha muối, tập trung phần lớn ở thị xã Ninh Hòa, còn lại ở Cam Ranh và Vạn Ninh.
Giai đoạn 2015-2020, tỉnh Khánh Hòa thực hiện tái cơ cấu nghề muối theo hướng thu hẹp diện tích sản xuất muối còn trên 500ha, đồng thời nâng cấp, cải tạo đồng muối, áp dụng cơ giới trong khâu vận chuyển, thu hoạch, chế biến muối để xuất khẩu.
Có thể bạn quan tâm

Thông thường hàng năm, công tác chống hạn diễn ra chủ yếu ở vụ sản xuất hè thu nhưng năm qua do lượng mưa quá thấp nên ngay giữa mùa mưa mà hầu hết các hồ chứa, công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đều có mức nước thấp hơn trung bình nhiều năm trước. Bởi vậy, ngay từ vụ đông xuân 2014 – 2015, công tác chống hạn được ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện.

Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) luôn chú trọng cải tạo ruộng đồng, đầu tư thâm canh để không ngừng tăng diện tích và nâng cao chất lượng sản phẩm lúa hàng hóa. Diện tích cây lúa gieo trồng hàng năm của huyện đạt trên 13.500 ha, sản lượng bình quân trên 80.000 tấn, chủ yếu là các loại giống cho năng suất, chất lượng cao như: Khang Dân, HT1, HC95, Ma Lâm, PC6...

Mới gặp tôi, ông Vương Khánh Hùng ở xã Hải Thành (Hải Lăng, Quảng Trị) đã chia sẻ: “Sống ở vùng úng trũng, chủ yếu nhờ vào mấy sào ruộng quanh năm lại thường xuyên bị lũ lụt nên cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng với gia đình tôi. Trăn trở mãi, cuối cùng tôi nghĩ phải “tích tụ” ruộng đất, đưa cơ giới vào đồng ruộng giải quyết nhanh khâu làm đất, đặc biệt là khâu thu hoạch tránh lũ mới có được thu nhập ổn định...”.

Chăn nuôi có vai trò rất quan trọng trong kinh tế nông nghiệp, tạo ra giá trị và hiệu quả kinh tế lớn hơn nhiều so với trồng trọt. Do đó, trong mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tăng giá trị thì ngành chăn nuôi được chú trọng phát triển, phấn đấu đưa ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh.

Sáng 23-1, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM và Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đã làm việc với Công ty TNHH Ba Huân để nghe báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) này, đồng thời ghi nhận ý kiến của DN đối với Dự án Luật Thú y, Luật Vệ Sinh an toàn lao động, sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 diễn ra tháng 5- 2015.