Khánh Hòa Tìm Hướng Đi Mới Cho Xuất Khẩu Cá Ngừ

Nếu như các năm trước, cá ngừ có mức tăng trưởng kim ngạch cao nhất trong nhóm hàng thủy sản xuất khẩu, thì năm 2013 lại bị giảm đến hơn phân nửa. Cá ngừ - mặt hàng thế mạnh trong xuất khẩu của thủy sản Khánh Hòa đang gặp khó khăn và rất cần một hướng đi mới.
Trên thế giới hiện có 14 nước nhập khẩu cá ngừ của tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên trong năm qua, tất cả các thị trường này đều giảm giá nhập khẩu cá ngừ của địa phương. Hiện trạng này khiến tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cá ngừ năm 2013 của Khánh Hòa chỉ đạt 97 triệu USD, giảm đến 45% về lượng và 62% về giá trị so với năm 2012. Cùng với giảm giá cá ngừ, thị phần tại các thị trường cũng bị thu hẹp. Các chuyên gia thủy sản cho rằng, ngành khai thác cá ngừ của Khánh Hòa đang dần mất thương hiệu do chất lượng sụt giảm. Từ khi xuất hiện hình thức khai thác mới là câu đèn thì sản lượng khai thác tăng mạnh, nhưng chất lượng lại giảm. Cá ngừ không còn đủ phẩm chất để xuất khẩu nguyên con, mà chỉ có thể xuất khẩu thông qua các mặt hàng chế biến như đóng hộp, hoặc hấp chín.
Bên cạnh yêu cầu về chất lượng, thì yêu cầu về nguồn gốc sản phẩm khai thác cũng được các nước quan tâm. Trong khi đó, việc đạt chứng nhận này không hề đơn giản, bởi việc ghi chép nhật ký, thủ tục cho mỗi chuyến biển… còn khá mới mẻ đối với ngư dân. Riêng đối với sản phẩm cá ngừ tinh chế, tỉnh Khánh Hòa chưa có được quy trình chế biến công nghệ cao, dẫn đến chất lượng, mẫu mã sản phẩm không bằng được với các nước tiên tiến, nên giá trị bị giảm đi rất nhiều. Tuy còn gặp khó khăn nhưng nhiều ngư dân Khánh Hòa vẫn quyết tâm gắn bó với nghề câu cá ngừ.
Ông Lê Văn Hy - Đội trưởng Ngư đội khai thác cá tại quần đảo Trường Sa chia sẻ: “Hồi trước bán được một tấn cá vẫn đủ chi phí đánh bắt , nhưng giờ bán một tấn cá chi phí tăng lên do giá cá giảm nhưng chúng tôi vẫn cố gắng theo đuổi nghề”.
Năm 2014, nghề khai thác và chế biến cá ngừ của Khánh Hòa được dự báo vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Theo Hiệp hội cá ngừ Việt Nam nếu không có sự chuyển biến về trình độ khai thác, quy mô và công nghệ chế biến, cá ngừ Khánh Hòa sẽ tiếp tục bị mất giá do không thể cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Thạc sĩ Vũ Đình Đáp - Chủ tịch Hiệp hội cá ngừ Việt Nam cho rằng: “Công tác quản lý của Nhà nước cần phải cải tiến, sâu sát hơn và phải đầu tư nhiều hơn. Theo tôi phải cho đóng mới tàu chuyên khai thác cá riêng cho cá ngừ, chứ không thể sử dụng tàu đánh các loại cá khác”.
Năm 2014, tỉnh Khánh Hòa phấn đấu khai thác khoảng 3.000 tấn cá ngừ, kim ngạch xuất khẩu đạt 200 triệu USD. Thế nhưng đến thời điểm này toàn ngành vẫn chưa tháo gỡ được những khó khăn và tồn tại, chính vì vậy, trong thời gian tới xuất khẩu cá ngừ của Khánh Hòa cần tìm ra hướng đi mới nhằm nâng cao giá trị của cá ngừ địa phương trên thị trường quốc tế.
Vừa qua, với mục đích nâng cao khả năng cạnh tranh của cá ngừ Việt Nam trên thị trường quốc tế, vừa qua Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã tổ chức hội nghị thành lập CLB Doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá ngừ VASEP. Tham gia CLB có 22 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá ngừ, chiếm 90% kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của cả nước. CLB là tổ chức tự nguyện của các doanh nghiệp thành viên có chế biến và xuất khẩu cá ngừ, nhằm mục đích liên kết hoạt động, nâng cao giá trị sản phẩm cá ngừ Việt Nam. Đồng thời, hợp tác chặt chẽ, cùng có lợi trong tổ chức thực hiện các vấn đề về nguyên liệu, chất lượng, thị trường xuất khẩu.
Có thể bạn quan tâm

Cuối tuần qua, ông Huỳnh Thanh Cảnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận chủ trì cuộc họp các thành viên trong Ban chỉ đạo phát triển bền vững cây thanh long và lãnh đạo các địa phương đánh giá tình hình thực hiện Tháng cao điểm phòng trừ bệnh đốm nâu trên cây thanh long (28/11 - 31/12/2014).

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức Hội thảo tìm giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ, chế biến chanh trên địa bàn tỉnh Long An. Đến dự hội nghị có Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam tại TP.HCM - Nguyễn Văn Kỳ, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành.

Nhằm xây dựng thương hiệu cho thanh long Bình Thuận, Đề án dán tem có chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” trên quả thanh long khi đưa ra thị trường được tiến hành. Đơn vị thực hiện đề án là Hiệp hội thanh long Bình Thuận, thời gian thực hiện là 2 năm (từ 5/2013 – 5/2015), tổng kinh phí là 2.076 triệu đồng, trong đó nhà nước cấp một nữa, còn lại do Hiệp hội và các doanh nghiệp đóng góp.

Hiện tại, HTX Thạnh Phước, ở xã Đông Thạnh chỉ tiêu thụ từ 1.000 - 1.500kg cung cấp cho các chợ đầu mối lân cận; còn những hợp đồng lớn cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước thì không đủ số lượng theo hợp đồng. Theo các nhà vườn nơi đây, gần đến Tết Nguyên đán, giá chanh không hạt sẽ tăng trở lại và sản lượng sẽ tăng lên, bởi nhà vườn đang chăm sóc xử lý cho trái nghịch vụ.

Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích thanh long toàn tỉnh Bình Thuận tiếp tục tăng mạnh. Năm 2014, thanh long tiếp tục trồng mới thêm 3.381 ha, đưa diện tích thanh long trên toàn tỉnh lên 24.000 ha, sản lượng ước đạt 500.000 tấn.