Khánh Hòa Mùa Xoài Chua

Từ Tết Nguyên đán đến nay, thời tiết khô ráo kết hợp với sương mù xuất hiện nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho bọ trĩ và bệnh muội đen trên lá tàn phá cây xoài trên diện rộng làm cây xoài khó đậu quả. Đến nay, xoài đang vào mùa thu hoạch nhưng sản lượng không bao nhiêu, việc tiêu thụ cũng gặp không ít khó khăn do cước phí tăng.
Người trồng xoài lao đao
Theo thống kê của UBND huyện Cam Lâm, địa phương có 13 xã trồng xoài với diện tích trên 4.000ha, tập trung chủ yếu ở các xã Cam Hải Tây, Cam Thành Bắc và thị trấn Cam Đức. Trong đó, giống xoài canh nông của địa phương chiếm khoảng 2/3 tổng diện tích.
Hiện, phần lớn xoài canh nông bị nhiễm bọ trĩ và bệnh muội đen trên lá, ước tính thiệt hại từ 85% đến 100% diện tích. Theo các chủ vườn, do thời tiết từ Tết Nguyên đán đến nay khô ráo, kết hợp với sương mù xuất hiện đã tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển và bùng phát mạnh khiến xoài khó đậu quả, sản lượng giảm.
Ông Lê Thanh Hà, một chủ vườn ở xã Cam Hải Tây buồn rầu cho biết: “Những năm trước, đến giờ này, tôi đã bắt đầu thuê nhân công thu hoạch vườn xoài 4ha của gia đình. Năm nay, đang vào mùa thu hoạch nhưng chúng tôi vẫn phải phun thuốc thường xuyên cho vườn xoài nhằm hạn chế bọ trĩ và bệnh muội đen trên lá lây lan và gây hại thêm chứ chưa biết khi nào sẽ hái xoài được”.
Theo ông Hà, tuy đã phát hiện và phòng, chống sâu bệnh sớm, nhưng vườn xoài của gia đình ông vẫn bị rụng trái từ 70-80%. Số còn lại bị nhiễm bọ trĩ nên quả xoài bị sần, nhiều đốm đen..., giá trị kinh tế không cao. Nếu bán được hết số này, ông Hà vẫn lỗ hơn 100 triệu đồng.
Cách đó không xa, vườn xoài bà Lê Thị Thúy cũng chịu chung số phận. “Chưa có năm nào trồng xoài khó như năm nay. Nhà vườn lỗ nặng bởi đầu tư nhiều phân, thuốc, kích thích cho xoài ra hoa. Cụ thể, từ tháng 8 - 11 âm lịch, chúng tôi bắt đầu xịt thuốc lên đọt tạo mầm hoa, kết hợp trộn phân chuồng, phân NPK bón gốc.
Tuy nhiên, dù đầu tư bao nhiêu xoài cũng không ra trái, mà chỉ ra… lá, nếu cho ra trái thì sản lượng quả chỉ đạt 20 - 30%, hoặc cho quả nhỏ, kém chất lượng nên bị thương lái ép giá”, bà Thúy than thở.
Không riêng Cam Hải Tây, nhiều chủ vườn ở xã Cam Thành Bắc, thị trấn Cam Đức... cũng đang bất lực nhìn vườn xoài bị sâu bệnh hoành hành. Cả dãy vườn xoài dọc theo hai bên tuyến đường từ Bãi Dài đến trung tâm thị trấn Cam Đức chỉ có thưa thớt vài quả.
Chỉ có nông dân thiệt thòi
Nhiều nông dân trồng xoài ở huyện Cam Lâm, cho biết, không những mất mùa mà khi bán xoài cho các thương lái, nông dân đều bị ép giá. Họ lấy đủ lý do như việc ngày 01/4, Bộ Giao thông vận tải có chủ trương yêu cầu các tỉnh ra quân kiểm tra tải trọng xe lưu động trên đường bộ đã khiến nhiều lái xe phải giảm tải trọng nên do đó họ phải giảm giá xoài để bù lỗ cước vận chuyển.
Chị Trần Thị Hương (trú xã Cam Hải Tây), cho biết, nhiều bạn hàng TP.HCM đã báo ngưng lấy hàng hoặc lấy cầm chừng bởi cước phí vận tải tăng, họ ít lãi. Trước đây, cước phí vận tải trung bình 2.000 đồng/kg. Sau ngày 01/4, người thu mua nói giá cước tăng lên 5.000 đồng/kg; cộng cả công bốc xếp, đóng hàng thì chi phí này khoảng 6.000 đồng/kg.
Nếu giữ giá thu mua xoài 22.000 đồng/kg thì họ phải chi tổng cộng 28.000 đồng/kg, tới tay người tiêu dùng không dưới 30.000 đồng/kg nên rất khó bán, nên buộc họ phải giảm một nửa giá xoài…
Theo ông Nguyễn Văn (xã Cam Hiệp Bắc), năm ngoái, nhà ông lãi 70 triệu đồng; nhưng năm nay, với giá thu mua thấp như hiện nay, nếu không bán mà để chờ tăng giá thì xoài chín, bị úng lũng, nên đành bấm bụng buông xuôi theo số phận thôi. Bán được đồng nào hay đồng đó.
Việc các thương lái ngừng thu mua hoặc mua cầm chừng với giá thấp khiến các chủ vựa ở Cam Lâm khó khăn. Tuy nhiên, người thiệt thòi nhất vẫn là nông dân trồng xoài.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 26-2, Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết hiệp hội đã phối hợp với Hội Nghề cá Việt Nam tổ chức buổi hội thảo chứng nhận tiêu chuẩn chung cho tôm ASEAN tại TP Cần Thơ.

Chưa bao giờ phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng (gọi tắt là tôm thẻ) ở các tỉnh ven biển ĐBSCL phát triển rầm rộ như hiện nay. Từ Bến Tre sang Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu… đâu đâu cũng thấy nông dân chọn tôm thẻ để thả nuôi cho vụ mới năm 2014. Với lợi thế thời gian nuôi ngắn, bán giá cao, thu lời nhiều… tôm thẻ đang chiếm lĩnh thị trường. Hiệu quả hơn nuôi tôm sú Nông dân các tỉnh ĐBSCL đang chuẩn bị xuống giống vụ tôm mới năm 2014. Nếu như trước đây tôm sú đóng vai trò chủ lực thì nay tôm thẻ vươn lên chiếm vị trí số 1. Ông Nguyễn Văn Mì, ở ấp 2, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú (Sóc Trăng) cho biết: “Mấy năm nay tôm sú bị dịch bệnh hoành hành làm chết hàng loạt, trong khi tôm thẻ thắng lớn về năng suất lẫn giá cả”. Ông Nguyễn Văn Mì dẫn chứng, hồi cuối năm 2013, ông bỏ ra 300 triệu đồng nuôi một ao tôm thẻ rộng 4.000m². Đến cuối tháng 2-2014, ông thu hoạch được 5 tấn tôm thẻ loại 40 con/kg, bán cho nhà máy với giá 220.000 đồng/kg, thu lời 700 triệu đồng; thời gian nuôi chỉ mất 87 ngày. Trúng đậm tôm

Bà Phạm Thị Chín ở khóm 7, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời, được biết đến là người thành công với mô hình trồng cây ăn trái, mỗi năm thu nhập gần 100 triệu đồng.

Kết thúc vụ lúa vừa qua, nông dân trong tỉnh vô cùng phấn khởi vì vừa trúng mùa lại được giá. Nhiều nơi năng suất đạt ngoài mong đợi của người dân và chính quyền địa phương.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, với diễn biến thời tiết thất thường như hiện nay thì rất dễ làm phát sinh các loại sâu bệnh hại trên cây cao su, nhất là vào thời điểm cây ra lá non, thuận lợi cho các bệnh phấn trắng, héo đen đầu lá, nhện đỏ, nhện vàng phát sinh gây hại.