Khan Hiếm Tôm Hùm Giống, Giá Vọt Tăng

Do khan hiếm giống, giá tôm hùm giống tại các tỉnh Nam Trung bộ đã tăng lên 350-400 đồng/con, cao gấp đôi năm ngoái.
Nghề nuôi tôm hùm lồng tại các tỉnh Nam Trung bộ đang gặp nhiều khó khăn do khan hiếm con giống. Trong khi đó, tôm hùm giống phụ thuộc hoàn toàn vào việc khai thác ngoài tự nhiên.
Vào vụ năm nay, bà Nguyễn Thị Dung, chuyên nuôi tôm hùm lồng ở xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa phải tìm kiếm nhiều nơi cung cấp tôm hùm giống có đủ 1 vạn con giống. Do nguồn giống ngoài tự nhiên năm nay khan hiếm nên giá tôm hùm giống tăng gấp đôi so với năm ngoái mà chất lượng giống lại không đảm bảo. Theo bà Dung, tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi sẽ rất cao. Thành ra, mấy năm trước giá từ 200-220 đồng/con, nay lên đến 350-400 đồng/con.
Nghề nuôi tôm hùm tại các tỉnh Nam Trung bộ đã phát triển hơn 20 năm nay, sản lượng khoảng 1.300 tấn/năm. Đến nay, tôm hùm giống phụ thuộc vào việc khai thác ngoài tự nhiên với sản lượng khoảng 8 triệu con/năm. Trong lúc Việt Nam chưa thể sản xuất được giống nhân tạo, con giống ngoài tự nhiên ngày càng khan hiếm chính là khó khăn lớn nhất của nghề nuôi tôm hùm hiện nay. Nhiều người nuôi tôm phải bỏ nghề hoặc chuyển sang nuôi các loài hải sản khác.
Ông Huỳnh Kim Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Tôm hùm giống mùa này khan hiếm, không chủ động được sản lượng giống hằng năm, rất khó khăn cho phát triển nuôi tôm hùm, không thể định hướng. Do đó, khi giống tôm hùm không đảm bảo thì bà con thả loại cá biển khác”.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ đạo các tỉnh có vùng phân bố giống tự nhiên cần quy hoạch bảo vệ và khai thác hợp lý và phải xem khai thác tôm hùm giống là một nghề. Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chính quyền các địa phương cần xây dựng mô hình đồng quản lý hoặc quản lý nghề cá dựa vào cộng đồng để đảm bảo việc khai thác tôm hùm giống mang tính bền vững.
Ông Tám cho biết: “Bộ cũng đang chỉ đạo các cơ quan, viện nghiên cứu sản xuất tôm hùm giống nhân tạo, kết quả cũng chưa có khả quan. Cách thức tổ chức khai thác tự nhiên hiện nay chưa đảm bảo được bền vững, phương pháp khai thác còn thủ công cho nên chúng ta phải tổ chức lại dưới hình thức quản lý cộng đồng có gắn với lại bảo vệ phát triển nguồn lợi. Khai thác theo mùa vụ và tránh những tổn hại đến nguồn lợi”.
Trong lúc chờ đợi việc sản xuất tôm hùm giống nhân tạo, các địa phương cần triển khai ngay các giải pháp để bảo vệ nguồn lợi tôm hùm giống trước khi quá muộn.
Có thể bạn quan tâm

Ở Đồng Nai, chỉ có vùng đất Bàu Sậy giáp suối Ba, suối Lầy ở các xã Gia Kiệm, Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất) mới trồng được rau cần nước nõn nà, ăn vừa giòn vừa thơm. Cần nước vùng này trở thành loại rau đặc sản được nhiều thương lái các tỉnh, thành phía Nam đặt mua.

Khai thác lợi thế đất đồi rộng, thuận lợi cho việc chăn nuôi gà thả vườn, những năm qua các hộ dân thôn Tân Yên (xã Hồng Thái Đông - Quảng Ninh) đã tích cực áp dụng mô hình trang trại, gia trại trồng cây ăn quả, trồng rừng, kết hợp chăn gà thả vườn.

Sâu hồng còn được gọi là sâu đục trái bưởi đang trở thành dịch lan rộng trên nhiều diện tích trồng bưởi của tỉnh trong hơn một năm qua. Sâu tấn công mạnh vào thời kỳ bưởi bắt đầu thu hoạch. Hiện chưa có thuốc đặc trị, công tác phòng là chính. Bà con trồng bưởi nhận xét: Bệnh nấm hồng, thối rễ, xì mủ thân cây, vàng lá gân xanh, vàng bạc Greening cũng không đáng sợ bằng con sâu hồng…

Số liệu từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2013 đạt gần 2,9 tỷ USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Vị Thủy kết hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Hậu Giang vừa tiến hành giao 20 con heo giống cho 10 hộ dân ở xã Vị Thanh để thực hiện Dự án chăn nuôi heo sinh sản hướng nạc đảm bảo vệ sinh môi trường.