Khám phá máy ép bún điều khiển hoạt động bằng mắt quang học

Vốn là thợ cơ khí, anh Huỳnh Nguyễn Ngọc Thanh (thôn Cửu Lợi Tây, xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) đã mày mò, chế tạo thành công chiếc máy ép bún số 8 điều khiển hoạt động bằng mắt quang học.
Anh Huỳnh Nguyễn Ngọc Thanh bên chiếc máy ép bún số 8 điều khiển hoạt động bằng mắt quang học đã mang về cho anh giải nhất trong hội thi “Sáng tạo nhà nông” năm 2014 của tỉnh Bình Định.
Theo anh Thanh, máy ép bún số 8 điều khiển hoạt động bằng mắt quang học giúp giảm nhân công và năng suất cải thiện đáng kể.
Hiện tại, đã có khoảng gần 40 chiếc máy được bán cho người dân làm bún khắp vùng với giá khoảng 19 triệu đồng/máy.
Đối với máy thông thường, khi ép bún cần phải thông qua 1 dụng cụ điều khiển rất bất tiện cho người sử dụng, khi dùng chiếc máy có gắn mắt quang học thì công việc này gần như tự động.
“Khác với các loại máy ép bún số 8 thông thường, loại máy này được trang bị thêm mắt quang học vào phía dưới bộ phận vỉ đưa qua. Về nguyên lý, khi có vật cản (vỉ) tác động thì mắt quang học sẽ điều khiển máy ép hoạt động, ép ra sợi bún rơi xuống vỉ. Sau khi khởi động máy, người thợ chỉ cần đưa vỉ vào và mang bún ra phơi nhanh chóng. Khi không có vỉ phơi tác động, bộ phận cảm biến bằng mắt quang học sẽ tự động nhận biết và điều khiển máy ngừng ép, nhưng động cơ vẫn hoạt động và chờ đến lượt vỉ phơi khác đưa vào mà không cần phải ngắt công tắc như trước” - anh Thanh cho hay.
Với chiếc máy sáng tạo này, anh Thanh đã giúp những hộ làm bún số 8 ở địa phương giảm được chi phí nhân công lao động, thời gian và tăng năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo chân anh Thanh, chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Bảy (50 tuổi, trú thôn Cửu Lợi Tây) để chứng kiến hoạt động của chiếc máy ép bún số 8 có gắn mắt quang học.
Rất gọn gàng, mỗi khi bà vợ ông Nguyễn Bảy đưa tấm vỉ vào máy, những sợi bún tự động chảy xuống vỉ, khi tấm vỉ được rút ra, bún ngưng chảy.
“Trước đây, phải có 4 nhân công mỗi ngày mới làm được 1 tạ bột, ra được 58kg bún khô, nay chỉ cần 2 người đã làm thoải mái, mới đến trưa đã xong công việc cả ngày. Ráo bột xong, bỏ vào khuôn, đưa vào máy; 1 người đứng vỉ hứng bún, 1 người mang vỉ bún đi phơi, gọn trơn. Mỗi ngày làm 1 tạ bột, chỉ ép 10 lần, mỗi lần 12 cục (10kg) là xong. Mỗi cái máy giá 19 triệu đồng với nhà nông phải “gồng” mới mua nổi, nhưng dùng máy rồi mới thấy hiệu quả rất thiết thực”- ông Bảy chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm

Máy gieo hạt đậu phộng gồm 2 phần: Máy xới tay hiệu Yanmar, sử dụng động cơ K15 và bộ phận gieo hạt đậu phộng, có thùng chứa đậu khoảng 20 kg.

Với diện tích đất tự nhiên 95.339 km2, chiếm 26,8% đất tự nhiên của cả nước, miền núi phía Bắc là vùng đất đồi núi rộng lớn, có nhiều tiềm năng phát triển các cây công nghiệp.

Thiên nhiên biệt đãi cho Tây Nguyên có tầng đất đỏ bazan để phát triển nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Chúng tôi có mặt tại trang trại nuôi bò sữa của ông Phan Doãn Huấn, đội sản xuất 26/7, Nông trường Mộc Châu (Sơn La) lúc 4 giờ sáng.

Dù năm nay đã bước sang tuổi 77 nhưng kỹ sư Phạm Văn Nguyên (thành viên Ban cố vấn của Hiệp hội Điều VN) vẫn tràn đầy nhiệt huyết với cây điều.