Khấm Khá Nhờ Trồng Ngưu Tất

Mặc dù là cây trồng xen vụ, song cây ngưu tất (còn gọi là cỏ xước, một loại cây dược liệu) không những giúp nhiều nông dân xã Thống Nhất (huyện Hưng Hà, Thái Bình) thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.
Những ngày này, trên các ngả đường về xã Thống Nhất, người ta luôn thấy các loại xe tải lớn nhỏ nối đuôi nhau về thu mua cây ngưu tất.
Dẫn chúng tôi đi thăm các thửa ruộng trồng loại cây này, ông Vũ Văn Bẩm - Trưởng thôn An Mai cho hay: Năm nay cả thôn An Mai trồng khoảng 70 mẫu cây ngưu tất. Mặc dù là cây vụ đông, nhưng ngưu tất lại là nguồn thu nhập chính của bà con.
Chị Đỗ Thị Nhân, thôn An Mai phấn khởi nói: “Năm nay giá bán ngưu tất thấp hơn mọi năm, nhưng tính ra vẫn hiệu quả hơn một số cây trồng khác. Các nhà ở làng tôi, từ ti vi, tủ lạnh, nhà tầng đến nuôi con học đại học đều nhờ loại cây này cả đấy…”.
Cũng theo chị Nhân, bình quân 1 sào (360m2) cây ngưu tất cho thu hoạch khoảng 4 – 5 tạ củ. Hiện, giá củ ngưu tất dao động từ 8.000 – 11.000 đồng/kg (tùy loại). Tính ra, người trồng thu về từ 3 – 4 triệu đồng mỗi sào. Còn theo ông Bẩm, có năm giá củ ngưu tất đạt tới 18.000 đồng/kg nên bà con rất thích trồng loại cây dược liệu này.
Theo nhiều hộ dân trong xã, ngưu tất thường được trồng từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm. Đây là loại cây dễ trồng, sinh trưởng mạnh, chi phí đầu tư không nhiều, chỉ cần mua 1kg hạt giống (giá 60.000 đồng) là có thể gieo được 2 sào, cộng công làm đất, phân bón thì tổng chi phí khoảng 800.000 – 1 triệu đồng/sào, tính ra lãi cao hơn nhiều so với trồng lúa.
Trồng ngưu tất cần đánh luống thật cao để tránh ngập úng. Khi cây sinh trưởng mạnh, cần cắt ngọn để cây có đủ chất dinh dưỡng nuôi củ to, dài…
Do vậy mà cây ngưu tất đang được trồng khá phổ biến trên địa bàn xã Thống Nhất, nhà ít trồng khoảng 2 sào, nhà nhiều thì lên tới vài mẫu. Thậm chí nhiều hộ còn đầu tư cả máy cày, máy bừa về chỉ để phục vụ cho việc gieo trồng cây ngưu tất trong vụ đông. “Nhiều gia đình đã thu được cả trăm triệu đồng chỉ sau gần 4 tháng trồng cây này đấy” – ông Bẩm bật mí.
Theo ông Nguyễn Văn Thành - cán bộ HTX Thống Nhất, ngưu tất là loại cây trồng đã gắn bó với bà con hơn 30 năm nay, trung bình mỗi năm cả xã trồng khoảng 50ha và đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Tuy nhiên, ông Thành cho biết, đến nay cây ngưu tất vẫn chưa có đầu ra bền vững, sản phẩm chủ yếu bán cho các thương lái tại Hưng Yên, Ninh Bình, Hà Nam… nên bà con không chủ động được giá.
Có thể bạn quan tâm

Không chỉ trang bị kiến thức, tư vấn làm ăn cho bà con nông dân (ND) Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND Hà Tĩnh còn làm đầu mối “tiếp sức” cho bà con ND sau học nghề được tiếp cận vốn ưu đãi, ký kết hợp đồng cung ứng giống, phân bón thức ăn và bao tiêu sản phẩm.

Sau hơn hai năm triển khai chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) của tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các sản phẩm OCOP không chỉ góp phần quan trọng xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập người dân, phát triển KTXH trên địa bàn mà OCOP đã khẳng định thương hiệu riêng trong chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Quảng Ninh.

Phong trào “nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi” của Hội Nông dân (HND) đang ngày càng lan rộng trong các tầng lớp nông dân toàn tỉnh. Qua đó, đã khơi dậy ý chí làm giàu, là động lực giúp nông dân vươn lên trong cuộc sống.
Nhà nông Cao Minh Chí (sinh năm 1961) áp dụng biện pháp luân canh giữa các loại rau với hoa trong nhà kính ở khu vực Đất Mới, phường 7, TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), thu lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng/ha/năm. Nhiều năm liền, ông Chí được bầu chọn là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Khi truyền thông đưa tin đại gia này nuôi bò thu về lợi nhuận khủng, đại gia kia dốc hàng trăm tỉ đồng ra trồng rau…, không ít người cho rằng những đại gia Việt này đang chạy theo phong trào. Thế nhưng, chính những dự án đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao của họ đang mở ra cơ hội mới cho ngành nông nghiệp Việt.