Khấm Khá Nhờ Trồng Ngưu Tất

Mặc dù là cây trồng xen vụ, song cây ngưu tất (còn gọi là cỏ xước, một loại cây dược liệu) không những giúp nhiều nông dân xã Thống Nhất (huyện Hưng Hà, Thái Bình) thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.
Những ngày này, trên các ngả đường về xã Thống Nhất, người ta luôn thấy các loại xe tải lớn nhỏ nối đuôi nhau về thu mua cây ngưu tất.
Dẫn chúng tôi đi thăm các thửa ruộng trồng loại cây này, ông Vũ Văn Bẩm - Trưởng thôn An Mai cho hay: Năm nay cả thôn An Mai trồng khoảng 70 mẫu cây ngưu tất. Mặc dù là cây vụ đông, nhưng ngưu tất lại là nguồn thu nhập chính của bà con.
Chị Đỗ Thị Nhân, thôn An Mai phấn khởi nói: “Năm nay giá bán ngưu tất thấp hơn mọi năm, nhưng tính ra vẫn hiệu quả hơn một số cây trồng khác. Các nhà ở làng tôi, từ ti vi, tủ lạnh, nhà tầng đến nuôi con học đại học đều nhờ loại cây này cả đấy…”.
Cũng theo chị Nhân, bình quân 1 sào (360m2) cây ngưu tất cho thu hoạch khoảng 4 – 5 tạ củ. Hiện, giá củ ngưu tất dao động từ 8.000 – 11.000 đồng/kg (tùy loại). Tính ra, người trồng thu về từ 3 – 4 triệu đồng mỗi sào. Còn theo ông Bẩm, có năm giá củ ngưu tất đạt tới 18.000 đồng/kg nên bà con rất thích trồng loại cây dược liệu này.
Theo nhiều hộ dân trong xã, ngưu tất thường được trồng từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm. Đây là loại cây dễ trồng, sinh trưởng mạnh, chi phí đầu tư không nhiều, chỉ cần mua 1kg hạt giống (giá 60.000 đồng) là có thể gieo được 2 sào, cộng công làm đất, phân bón thì tổng chi phí khoảng 800.000 – 1 triệu đồng/sào, tính ra lãi cao hơn nhiều so với trồng lúa.
Trồng ngưu tất cần đánh luống thật cao để tránh ngập úng. Khi cây sinh trưởng mạnh, cần cắt ngọn để cây có đủ chất dinh dưỡng nuôi củ to, dài…
Do vậy mà cây ngưu tất đang được trồng khá phổ biến trên địa bàn xã Thống Nhất, nhà ít trồng khoảng 2 sào, nhà nhiều thì lên tới vài mẫu. Thậm chí nhiều hộ còn đầu tư cả máy cày, máy bừa về chỉ để phục vụ cho việc gieo trồng cây ngưu tất trong vụ đông. “Nhiều gia đình đã thu được cả trăm triệu đồng chỉ sau gần 4 tháng trồng cây này đấy” – ông Bẩm bật mí.
Theo ông Nguyễn Văn Thành - cán bộ HTX Thống Nhất, ngưu tất là loại cây trồng đã gắn bó với bà con hơn 30 năm nay, trung bình mỗi năm cả xã trồng khoảng 50ha và đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Tuy nhiên, ông Thành cho biết, đến nay cây ngưu tất vẫn chưa có đầu ra bền vững, sản phẩm chủ yếu bán cho các thương lái tại Hưng Yên, Ninh Bình, Hà Nam… nên bà con không chủ động được giá.
Có thể bạn quan tâm

Có khả năng trong năm nay Việt Nam nhập khẩu hơn 150.000 con gia súc sống (trâu, bò - pv) từ Úc, trở thành thị trường tiêu thụ mặt hàng này lớn thứ hai của Úc sau Israel, theo thông tin của Thương vụ Việt Nam tại Úc được đăng trên trang thị trường nước ngoài ttnn.com.vn hôm 19-3.

Manh nha từ một vài mô hình nhỏ, đến nay, phong trào nuôi gà thả vườn theo hướng hàng hóa ở Mai Sơn, huyện Lục Yên (Yên Bái) đã phát triển khá mạnh. Không chỉ đáp ứng nhu cầu trên địa bàn, "gà vườn" Mai Sơn giờ đây đã được thị trường biết đến nhờ nuôi "gà vườn", đời sống kinh tế - xã hội của người dân đã được nâng lên, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới.

Vĩnh Hòa (Ba Tri - Bến Tre) là xã thuần nông. Để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình, trong những năm trước đây, nông dân ở Vĩnh Hòa đã đầu tư nuôi bò. Do giá bò không ổn định, năm 2008, người dân đã chuyển sang nuôi dê.

Đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu kỹ thuật xây dựng nhà yến và hoàn thiện quy trình nuôi chim yến trong nhà” do Thạc sĩ Lê Hữu Hoàng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên (MTV) Yến sào Khánh Hòa làm chủ nhiệm vừa được nghiệm thu đạt loại xuất sắc.

Trong khi nhiều địa phương ở ĐBSCL loay hoay với bài toán trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp thì tại An Giang, nhiều nông dân đã mạnh dạn bỏ cây lúa, tập trung trồng cỏ, trồng bắp kết hợp nuôi bò vỗ béo cho thu nhập cao.