Khai thác thủy sản xa bờ cần nâng cấp hầm bảo quản cá

Cá ngừ đại dương sau khi câu được bảo quản trong hầm gỗ trên tàu câu, làm giảm chất lượng.
Hầm bảo quản cá kém chất lượng
Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, hiện đội tàu đánh bắt thủy sản toàn tỉnh lên đến 6.144 chiếc, tập trung ở TP Tuy Hòa, TX Sông Cầu, huyện Tuy An và huyện Đông Hòa. Trong đó, tàu có công suất dưới 90CV khoảng 5.000 chiếc, tàu có công suất từ 90 đến 250CV hơn 460 chiếc và tàu có công suất từ 250 đến hơn 400CV là 259 chiếc.
Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các tàu khai thác thủy sản xa bờ của ngư dân chưa được đầu tư bài bản, nhất là hầm bảo quản cá trên tàu, vậy nên tỉ lệ tổn thất sau thu hoạch còn cao, làm giảm kinh tế mỗi chuyến biển của ngư dân.
Sở hữu tàu cá có công suất 420CV chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương trên vùng khơi xa, ông Phan Thuẩn ở phường 6, TP Tuy Hòa, cho biết:
Tàu cá của gia đình tôi chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương ở ngư trường Trường Sa. Mỗi chuyến biển thường phải kéo dài cả tháng, vì vậy việc bảo quản chất lượng thủy sản đánh bắt là rất quan trọng.
Hiện nay, tàu cá của gia đình tôi có 4 hầm bảo quản, đảm bảo đủ diện tích chứa lượng thủy sản đánh bắt được. Tuy nhiên, các hầm bảo quản này chỉ được lắp ghép bằng ván gỗ có lót xốp và bọc bạt nhựa nên việc giữ nhiệt không đạt, chất lượng thủy sản bị ảnh hưởng. Theo ông Thuẩn, đa phần số thủy sản đánh bắt được sớm, khi vào bờ đều suy giảm chất lượng, bị thương lái đánh xuống cá loại 2 hoặc loại 3.
Còn ông Trần Văn Đồng ở xã An Ninh Đông (huyện Tuy An), cho hay: “Vì công nghệ bảo quản lạc hậu nên một số cá khi đưa vào bờ bị thương lái dạt xuống cấp thấp, giá trị cũng giảm mạnh. Cụ thể, hiện giá cá ngừ đại dương loại 1 được thu mua với giá 140.000 đồng/kg, còn loại 2 là 80.000 đồng/kg và loại 3 chỉ còn 60.000 đồng/kg”.
Theo nhiều ngư dân, hầu hết các tàu câu cá của họ đều có hầm bảo quản thủy sản nhưng rất thô sơ, dùng phương pháp ướp đá xay truyền thống nên chất lượng thủy sản bị giảm. Bình quân mỗi chuyến biển đánh bắt cá ngừ đại dương, khi vào bờ lượng thủy sản bị thương lái đẩy xuống loại 2, 3 chiếm khoảng 30% tổng sản lượng.
Cần nâng cấp hầm bảo quản
Để hạn chế tổn thất sau thu hoạch đối với tàu đánh bắt xa bờ, nhiều ngư dân trong tỉnh đã đầu tư nâng cấp hầm bảo quản theo công nghệ tiên tiến. Ông Trần Kim Hoa ở phường 6 TP Tuy Hòa, cho biết:
Tôi vừa đóng xong một tàu cá có công suất 750CV, với đầy đủ thiết bị hiện đại phục vụ khai thác cá ngừ đại dương như máy dò cá, máy định vị, đặc biệt hầm bảo quản của tàu cá này được đầu tư theo công nghệ mới.
Hầm được làm bằng gỗ, bên ngoài bọc inox chống gỉ, ở giữa bọc xốp polyurethane (PU).
Với công nghệ này, hầm bảo quản được cách nhiệt tốt, giảm tỉ lệ hao hụt nước đá, giúp cá được bảo quản tốt hơn, tỉ lệ cá kém chất lượng giảm... Còn theo ông Trần Ngọc Tự, cũng ở địa phương này, tàu cá nhà ông có công suất 400CV hoạt động khai thác cá ngừ đại dương đã gần chục năm.
Mới đây, ông đã đầu tư hơn 60 triệu đồng, cộng với sự hỗ trợ của Trường đại học Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) để nâng cấp 2 hầm bảo quản cá với công nghệ sử dụng hợp chất PU giữ nhiệt cho hầm. Cũng theo ông Tự, mặc dù chi phí đầu tư khá lớn nhưng hiệu quả kinh tế mang lại sẽ cao hơn và thời gian sử dụng được lâu hơn.
Không riêng gia đình ông Hoa, ông Tự, hiện rất nhiều ngư dân đánh bắt thủy sản xa bờ cũng có nhu cầu nâng cấp hầm bảo quản, nhưng chưa thể thực hiện vì chi phí lớn.
Ông Phan Thuẩn cho hay: Vừa rồi gia đình tôi đã đăng ký tham gia mô hình bảo quản sản phẩm trên tàu cá xa bờ bằng vật liệu PU do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư triển khai.
Theo đó, gia đình phải đối ứng 90 triệu đồng để nâng cấp hầm bảo quản, chưa kể chi phí gia cố thêm ván gỗ cho hầm. Vì số tiền đầu tư quá lớn, gia đình không đáp ứng được nên đã xin rút.
Hiện nay, tỉ lệ tổn thất sau thu hoạch trong khai thác thủy sản xa bờ của ngư dân rất lớn.
Bởi vì, nhiều tàu đánh bắt xa bờ chưa có hầm bảo quản cá hoặc có hầm bảo quản nhưng không đạt chất lượng, nên cá sau khi đánh bắt do không được bảo quản tốt đã bị kém chất lượng. Vì vậy, bà con ngư dân cần nâng cấp hầm bảo quản để tăng hiệu quả kinh tế của mỗi chuyến biển.
Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã triển khai mô hình bảo quản sản phẩm trên tàu cá xa bờ bằng vật liệu PU. Đây là mô hình bảo quản hiện đại, giúp hạn chế tổn thất sau khai thác.
Tuy nhiên, mô hình đang gặp khó khăn vì chi phí đối ứng của ngư dân khi tham gia khá cao, người dân không đủ điều kiện tham gia, hiện phải chờ ý kiến chỉ đạo của Sở NN-PTNT. (Ông Nguyễn Thành, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh)
Có thể bạn quan tâm

Sau đề án tái cơ cấu của Bộ NN-PTNT, một số tỉnh, thành khu vực ĐBSCL cũng xây dựng đề án riêng. Theo các chuyên gia, cần phải có vai trò của đầu mối để tăng cường mối liên kết vùng, chứ không thể để tự mỗi địa phương làm theo ý riêng của mình.

Được thành lập năm 1998, Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp và điện năng Vân Hùng (xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao) có nhiệm vụ chính phục vụ sản xuất nông nghiệp, đến năm 2002 chuyển sang quản lý điện, công trình nước sạch và các khâu dịch vụ. Hiện nay HTX có 1.270 xã viên, trong đó có 39 người trực tiếp làm 7 dịch vụ: Thuỷ lợi, bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật tư nông nghiệp, điện, vệ sinh môi trường, nước sinh hoạt.

Ngày 24.11, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Quảng Nam phối hợp với Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Bắc Trà My mở lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ quản lý, xây dựng đề án khuyến công cho hơn 60 học viên là cán bộ chuyên trách công tác khuyến công và cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn của huyện.

Đi lên từ hai bàn tay trắng, ông Cao Văn Tâm quyết chí phải làm giàu bằng chính nghề nông truyền thống của ông cha. Hằng ngày, ông tìm đọc sách báo, xem truyền hình để học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả được truyền thông giới thiệu. Sau một thời gian tìm tòi, ông mạnh dạn vay vốn ngân hàng, mượn thêm tiền tích góp xây dựng chuồng trại nuôi gà, kết hợp với chăn nuôi gia súc và trồng rừng.

Với 100 triệu đồng nguồn vốn tài trợ từ tỉnh Đông Flander (Vương quốc Bỉ), Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa Đà Lạt đã trồng, chăm sóc thực nghiệm giống dâu tây Mỹ Thơm và giống dâu tây Newzealand trên diện tích 100m2 nhà lưới hở.