Khai Thác Mặt Nước Để Phát Triển Nuôi Trồng Thủy Sản

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Krông Nô (Đắk Nông) thì trên địa bàn huyện hiện có khoảng 150-170 ha diện tích mặt nước đang được khoảng 600 hộ dân tận dụng để nuôi trồng thủy sản.
Trong đó, một số xã, thị trấn có diện tích mặt nước lớn là Buôn Choáh, Đắk D’rô, Đắk Mâm... việc phát triển nuôi trồng thủy sản đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Điển hình như hộ gia đình ông Trần Văn Hiệp, trú tại thôn Bình Gia, xã Buôn Choáh, 3 năm trước đã tận dụng diện tích mặt nước trên sông Krông Nô để đầu tư làm 5 lồng nuôi các loại cá: diêu hồng, rô phi, rô đồng, lăng...
Nhờ biết cách chăm sóc đúng kỹ thuật, cá lớn nhanh và mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình ông từ vụ đầu tiên. Thấy hiệu quả, ông tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô nuôi và hiện đã có đến 13 lồng nuôi đủ loại cá.
Ông Hiệp cho biết: “Tính theo thời vụ thì cứ 6 tháng một lứa đối với cá rô phi, rô đồng, cá diêu hồng và 2 năm trở lên đối với cá lăng, nhưng bây giờ tháng nào tôi cũng có cá bán. Cách làm của tôi là thả nhiều lứa với nhiều loại cá khác nhau, nên cứ xoay vòng liên tục, mỗi tháng bán từ 10 – 20 tấn cá, trừ chi phí thu được khoảng hơn 30 triệu đồng”.
Hiện nay, gia đình ông Hiệp đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cá với một doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh cũng như liên kết với một doanh nghiệp cung cấp giống cá có chất lượng, nên năng suất, hiệu quả ngày càng tăng, giảm bớt rủi ro trong quá trình nuôi.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Tiến Đại ở Buôn Choáh cũng đã tận dụng diện tích 7 sào ao hồ tưới cà phê trong mùa khô để thả cá.
Với các loại cá trắm, mè, chép... mỗi vụ thu hoạch cũng giúp gia đình ông có thu nhập hàng chục triệu đồng. Theo UBND xã Buôn Choáh thì hiện có nhiều người dân trên địa bàn tận dụng mặt nước sông Krông Nô và các ao hồ tưới cà phê để nuôi thủy sản.
Những năm qua, cùng với việc xây dựng mô hình nuôi cá nước ngọt, xã cũng chú trọng phối hợp các ngành chuyên môn tổ chức tập huấn cho các hộ dân về kỹ thuật chăn nuôi cá trên sông, ao hồ, cách khai thác, tái tạo nguồn lợi thủy sản, không để ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, tác hại đến hồ đập.
Theo ông Hoàng Trọng Phú, Phó Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Krông Nô thì bước đầu, việc chăn nuôi thủy sản cho thu nhập khá và hứa hẹn sẽ là hướng phát triển kinh tế hiệu quả nếu được đầu tư đúng hướng. Về phía ngành nông nghiệp huyện cũng đã triển khai nhiều mô hình thí điểm nuôi các loại cá, lươn, ếch... để đa dạng hóa việc nuôi trồng thủy sản.
Hiện nay, nhiều mô hình nuôi cá với các giống chất lượng cao đã được hình thành, có sản lượng lớn, phục vụ nhu cầu tiêu thụ ở các chợ, nhà hàng, thậm chí xuất ra ngoài địa bàn. Vì vậy, huyện cũng đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân khai thác những tiềm năng, lợi thế về mặt nước để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Có thể bạn quan tâm

Ngoài cây cao su, những năm gần đây huyện Sông Hinh (Phú Yên) chú trọng mở rộng diện tích trồng cây ca cao, trong đó có mô hình trồng ca cao dưới tán rừng, mở đầu cho một dự án quy mô lớn, có diện tích hàng trăm hecta, nhằm nâng cao đời sống nhân dân trong vùng hưởng lợi và tích cực bảo vệ rừng.

Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau khuyến cáo nông dân: Vào thời điểm này nên tạm dừng việc thả tôm nuôi, nhằm tránh những rủi ro. Đây là vụ thả nuôi trái vụ, mặt khác do thời tiết khô hạn gay gắt nên nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, nếu thả tôm nuôi vào thời điểm này sẽ không hiệu quả, thậm chí sẽ bị lỗ do chi phí đầu tư cao.

Tính đến thời điểm này, bà con nông dân huyện Cái Nước (Cà Mau) thả nuôi được khoảng 500ha tôm nuôi công nghiệp, trong đó có gần 300ha tôm thẻ chân trắng, tăng gấp 1,5 lần so với diện tích tôm sú.

Anh Mai Công Quốc ở ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, đã trải nghiệm vụ mùa 2012 gần 50 loại giống lúa chịu mặn trên đất nuôi tôm với năng suất cao. Anh góp phần rất lớn cho Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh, Viện lúa đbscl chọn ra giống lúa chịu mặn, đáp ứng nhu cầu sản xuất tại địa phương.

Từ nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân năm 2013, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi vừa cấp hỗ trợ 1.300 hom giống thanh long ruột đỏ cho 4 hộ dân tại xã Trà Phú (Trà Bồng). Được biết, cách đây 3 năm, cây thanh long ruột đỏ được đưa vào trồng thử nghiệm ở hai xã Trà Phú và Trà Bình đã phát huy hiệu quả.