Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Khai Thác Khơi Xa Gặp Khó

Khai Thác Khơi Xa Gặp Khó
Ngày đăng: 26/12/2014

Khai thác thủy sản khơi xa vốn là thế mạnh của ngư dân Khánh Hòa. Nhưng 2 năm trở lại đây, sản lượng đánh bắt ngày càng sụt giảm, giá cá lại thấp. Nhiều chủ tàu không còn động lực để vươn khơi.

Nhiều tàu khai thác xa bờ đang neo tại cảng Hòn Rớ

Gặp chúng tôi, ông Phan Tái Anh - chủ tàu KH 90016 TS (Hòn Rớ, Phước Đồng, TP. Nha Trang) buồn bã nói: “Năm nay, các tàu câu cá ngừ đại dương đều thất bát. 10 chuyến đi câu thua lỗ hết 6 chuyến, thậm chí thua lỗ nặng. Tuy giá cá ngừ đại dương có tăng (hiện ở mức 100.000 đồng/kg - PV) nhưng sản lượng khai thác đạt quá thấp, chỉ bằng 40 - 45% so với những năm trước nên chúng tôi vẫn lỗ”. Theo lời kể của ông Anh, trong 10 chuyến đi biển của ông, chuyến thắng lợi nhất là câu được 40 con cá ngừ đại dương, sản lượng đạt khoảng 2 tấn, với giá bán hiện nay được 200 triệu đồng, trừ phí tổn hết 130 triệu đồng, gia đình ông cùng với bạn thuyền lãi được 70 triệu đồng. Thế nhưng, trong năm qua, số chuyến đạt sản lượng cao như vậy rất ít; hầu hết chỉ đạt từ 15 - 25 con; có khi chỉ có 3 - 7 con/chuyến nên lỗ nặng.
Trường hợp của ngư dân Kiều Minh Thuận - chủ tàu KH96481TS (Cửa Bé, Vĩnh Trường, TP. Nha Trang) cũng tương tự. 3 chuyến đi biển liên tiếp gần đây của gia đình ông đều thua lỗ. Thế nên, tuy đang là đầu mùa câu cá ngừ đại dương nhưng ông vẫn quyết định cho tàu nằm bờ 1 chuyến để vay mượn tiền và tìm bạn câu mới. Bởi lẽ, sau nhiều chuyến đi không có thu nhập, vốn cạn, bạn câu đã rời bỏ tàu. “Từ đầu năm đến nay, tôi đã thua lỗ 5/8 chuyến ra khơi. Chuyến gần đây nhất lỗ gần 100 triệu đồng, những chuyến trước lỗ khoảng 35 - 40 triệu đồng”, ông Thuận chia sẻ. Khó khăn càng chồng chất khó khăn khi trước mỗi chuyến đi, ông đều phải ứng trước cho 7 bạn thuyền mỗi người 2 - 3 triệu đồng để họ chăm lo cho gia đình, sau khi về bờ nếu lãi thì còn trừ được tiền ứng, nếu lỗ thì cũng mất luôn chi phí này.
Không riêng gì các tàu câu cá ngừ đại dương mà các tàu lưới cản đường dài khai thác cá ngừ sọc dưa cũng lâm vào cảnh tương tự. Nhiều tháng liền, tàu về bờ luôn đạt sản lượng thấp, chỉ dưới 7 tấn cá, trong khi trước đây là 15 - 20 tấn mỗi chuyến. Không chỉ mất mùa mà ngư dân còn chịu cảnh mất giá. Nhiều ngư dân thắc mắc khi sản lượng cá về cảng ít mà giá lại không cao. Hiện cá ngừ sọc dưa chỉ dao động ở mức 19.000 - 20.000 đồng/kg, thấp hơn gần 10.000 đồng/kg so với cùng thời điểm này năm trước. Theo ngư dân Trần Văn Tài (Hòn Rớ, TP. Nha Trang), các ngư trường đánh bắt truyền thống ngày càng cạn kiệt, sản lượng đạt thấp. Không riêng tháng này, các tháng trước các tàu cập cảng chủ yếu thua lỗ, đi 10 chiếc thì lỗ hết 8 chiếc.
Theo thống kê của Ban quản lý cảng cá Hòn Rớ (TP. Nha Trang), năm 2014, tàu thuyền cập cảng đạt khoảng 14.000 lượt, trong đó số lượng tàu thường xuyên neo đậu tại cảng chiếm đến 40%. Nguyên nhân của việc tàu cá nằm bờ là do đánh bắt không có sản lượng.
Hiện nay, ở Hòn Rớ thường tập trung tàu hoạt động 2 nghề chủ yếu là câu cá ngừ đại dương và lưới cản đường dài. Năm nay, 2 nghề này sản lượng đánh bắt đều rất thấp; tính từ đầu năm đến giữa tháng 12-2014, sản lượng thủy sản qua cảng chỉ đạt 16.000 tấn, bằng 88% kế hoạch năm 2014.
Hiện đang mùa mưa bão, không phải là thời điểm thuận lợi cho tàu thuyền ra khơi nên chắc chắn sản lượng sẽ tăng không đáng kể. Ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng Ban quản lý Cảng cá Hòn Rớ khẳng định: “Không chỉ mất mùa mà giá cá cũng thấp khiến nhiều chủ tàu lâm vào cảnh thua lỗ; một số phương tiện nằm bờ hoặc chuyển đổi sang nghề khác. Hoạt động khai thác khơi xa ngày càng gặp nhiều khó khăn”.
Đến cảng cá Hòn Rớ những ngày này, hàng trăm tàu thuyền khai thác xa bờ đang nằm bờ. Trao đổi với nhiều ngư dân, sở dĩ họ không mạnh dạn vay vốn để đóng mới tàu thuyền khai thác theo Nghị định 67 là do cần phải tính toán kỹ hiệu quả khai thác, bởi với sản lượng đánh bắt thấp, giá cá không cao sẽ dẫn đến thua lỗ. Vay rồi làm sao trả được nợ?


Có thể bạn quan tâm

Hiệu Quả Bón Phân Silic Trên Đậu Phộng Hiệu Quả Bón Phân Silic Trên Đậu Phộng

UBND huyện Thoại Sơn (An Giang) vừa họp Hội đồng Khoa học và Công nghệ nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của silic đến sinh trưởng năng suất và chất lượng giống đậu phộng L14 tại Thoại Sơn, An Giang”, do Thạc sĩ Phạm Thị Kiều Oanh-Trạm Khuyến nông Thoại Sơn làm chủ nhiệm.

31/08/2013
Thử Nghiệm Trồng Thanh Long Ruột Đỏ Tại Xã Phong Vân (Bắc Giang) Thử Nghiệm Trồng Thanh Long Ruột Đỏ Tại Xã Phong Vân (Bắc Giang)

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) vừa triển khai mô hình trồng thanh long ruột đỏ quy mô 1 ha tại xã Phong Vân.

31/08/2013
Quýt “Vàng” Trên Đất Cằn Quýt “Vàng” Trên Đất Cằn

Gắn bó và trồng quýt nhiều năm nay, ông Phạm Văn Thí (ở ấp Bầu Chiên, xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được xem là một trong những người trồng quýt giỏi ở vùng này.

31/08/2013
Tiếp Vốn Người Nuôi Cá Tiếp Vốn Người Nuôi Cá

Với 500 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) của T.Ư Hội NDVN cho vay để thực hiện dự án nuôi cá nước ngọt, nhiều hộ nuôi cá ở xã Phú Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa đã đầu tư mua con giống, mở rộng ao nuôi...

31/08/2013
Phát Triển Kinh Tế Biển Phát Triển Kinh Tế Biển

Với 32km bờ biển, 81 nghìn ha bãi bồi ven biển và gần 4.000ha đất ngập triều, những năm qua, huyện Giao Thủy (Nam Định) đã tập trung phát triển kinh tế biển trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn” của huyện, trọng tâm là phát triển lực lượng khai thác xa bờ, xây dựng hạ tầng dịch vụ nghề cá và phát triển nuôi trồng thủy sản, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của huyện.

03/09/2013