Khắc Phục Hạn Chế Để Phát Triển Ngành Nghề Nông Thôn

Sáng ngày 20/10, Bộ NN&PTNT tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện NĐ số 66/2006/NĐ-CP ngày 7/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn. Qua 5 năm triển khai, việc phát triển ngành nghề nông thôn ở các địa phương vẫn còn nhiều hạn chế.
Theo báo cáo của Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT), đến tháng 10/2011, cả nước có 4.575 làng nghề, bình quân tốc độ phát triển làng nghề tăng từ 6 - 15%/năm. Hoạt động sản xuất nghề đã tạo việc làm cho hơn 11 triệu lao động, thu hút khoảng 30% lực lượng lao động nông thôn, trong đó có những địa phương thu hút được 60% lực lượng lao động, với mức thu nhập đạt bình quân 450.000 - 4.000.000 đồng/người/tháng, cao gấp 1,5 đến 4 lần so với nông nghiệp. 5 tỉnh, thành dẫn đầu là Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương và Thái Bình, với 2.735 làng nghề, chiếm 60% tổng số làng nghề cả nước.
Tuy nhiên, việc phát triển ngành nghề của nước ta hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Ông An Văn Khanh, Phó Cục trưởng Cục chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối cho biết, tình trạng thiếu nguyên liệu ngày càng gia tăng, nhất là các ngành sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Công nghệ, thiết bị sản xuất lạc hậu, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định. Nhiều địa phương chưa dành nguồn lực để phát triển ngành nghề, tạo việc làm... Đặc biệt, hiện nay, việc quản lý ngành nghề nông thôn giữa các cơ quan nhà nước từ T.Ư đến địa phương vẫn còn chồng chéo. Theo báo cáo, hiện có 27 tỉnh giao việc quản lý ngành nghề nông thôn cho Sở Công Thương, 22 tỉnh giao cho Sở NN&PTNT.
Một số nội dung quy định tại NĐ số 66 như quản lý chất lượng sản phẩm làng nghề, đào tạo nhân lực chưa có hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành liên quan. Bà Lê Hồng Hoanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP. HCM cho biết, sức cạnh tranh của sản phẩm các nghành nghề của nước ta so với sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực còn hạn chế do kiểu dáng, mẫu mã ít được đổi mới. Hơn nữa, chất lượng lao động còn thấp. Như TP. HCM có tới gần 70% lao động nông thôn chưa qua đào tạo.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng nhận định, muốn đẩy mạnh phát triển ngành nghề ở nông thôn, trước mắt cần rà soát, sửa đổi, bổ sung một số điểm chưa hợp lý trong NĐ số 66. Cụ thể, đưa một số ngành nghề mới vào danh mục và thống nhất về một mối trong việc quản lý ngành nghề nông thôn giữa hai ngành nông nghiệp và công thương. Việc điều chỉnh NĐ số 66 cần bám vào QĐ số 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. Bởi, phát triển ngành nghề nông thôn chính là một bộ phận của xây dựng nông thôn mới. Tới đây, Bộ NN&PTNT sẽ kiến nghị Chính phủ tăng cường hỗ trợ, xây dựng Quỹ Khuyến công để giúp cho các làng nghề phát triển thương hiệu, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho nông dân
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay, hồ tiêu tại Khánh Sơn (Khánh Hòa) đang được mùa, được giá. Người dân đang có xu hướng phá bỏ các diện tích sản xuất kém hiệu quả để trồng tiêu. Tuy nhiên, việc chuyển đổi ồ ạt có thể tiềm ẩn những hậu quả khác…

Nhiều người hỏi tôi, gà nuôi mà không bán được thì làm cách nào? Cái quy luật “cung - cầu” cứ nhày nhót quanh bà con ta, lúc lên, lúc xuống kiểu này thì rất khó trả lời.

Các hộ áp dụng quy trình VietGAP nông hộ thuộc Dự án LIFSAP tại 3 Vùng chăn nuôi ưu tiên gồm Thống Nhất, Xuân Lộc, và Long Khánh, người chăn nuôi vẫn bảo toàn đàn vật nuôi, và không bị bất cứ ảnh hưởng nào bởi dịch cúm gia cầm.

Chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi tổng hợp của anh Lê Văn Quang (thôn Cầu Trên, xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) đúng ngày anh khánh thành ngôi nhà mới xây.

Hội nông dân (ND) tỉnh vừa trao 1.000 hom giống thanh long ruột đỏ Long Định L1-H14 trị giá 15 triệu đồng cho 6 hộ hội viên thôn Lò Vôi, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ.