Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Khá Lên Nhờ Trồng Mai Xen Mít Siêu Sớm

Khá Lên Nhờ Trồng Mai Xen Mít Siêu Sớm
Ngày đăng: 27/03/2014

Mít Thái Lan siêu sớm là cây trồng cho trái quanh năm với năng suất, lợi nhuận cao; còn mai vàng là cây trồng “không thể thiếu” trong những ngày “năm hết tết đến”. Nắm bắt cơ hội này, nhiều nông dân tại TX Bình Minh (Vĩnh Long) đã vươn lên làm giàu nhanh chóng nhờ trồng mai vàng xen mít Thái Lan siêu sớm.

Những ngày này, chúng tôi có dịp trở lại phường Cái Vồn (TX Bình Minh). Thật vui khi gặp lại anh Trần Ngọc Thành- một nông dân sản xuất giỏi, vươn lên thoát nghèo nhờ “không để đất trống”. Bởi, “hễ thấy đất trống là không chịu nỗi, phải trồng ngay một loại cây gì đó để tăng thu nhập”.

Sau 3 năm gặp lại, anh đã cất căn nhà 1 lầu, 1 trệt khá khang trang. Đó là thành quả của những tháng ngày cần cù lao động, biết đầu tư theo kiểu “lấy ngắn nuôi dài”. Sau thời gian đầu tư nhiều loại cây ăn trái, hiện anh tâm đắc nhất là trồng 1.000 gốc mai vàng xen trong 7 công vườn trồng mít siêu sớm.

Chỉ tính riêng tiền bán mai, anh đã có thể bỏ túi rủng rỉnh vài chục triệu đồng. Còn với 700 gốc mít siêu sớm thì cho năng suất khá cao, khoảng 40 tấn trái/năm, lại “được cái là thu hoạch bao nhiêu thì thương lái mua hết bấy nhiêu”. Thời điểm này, mít siêu sớm được thương lái thu mua với giá 12.000 đ/kg. Sau khi trừ chi phí, anh thu lợi nhuận hơn 400 triệu đồng/năm.

Theo anh Thành: Gọi là mít siêu sớm là vì từ khi trồng đến khi xử lý cho trái chỉ khoảng 18 tháng. Đây là cây khá “dễ tính” nên được trồng nhiều nơi. Quan trọng là phải tuân thủ theo quy trình kỹ thuật thích hợp để chi phí đầu tư thấp, đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

Đến phường Thành Phước, chúng tôi gặp ông Trần Minh Chí (tên thường gọi là Ba Quanh)- cũng là một trong những nhà vườn vươn lên thoát nghèo nhờ trồng mai vàng xen mít siêu sớm. Ông luôn quan tâm “lấy ngắn nuôi dài” và “nghiên cứu” đất này trồng cây gì là phù hợp?

Rồi đi tham quan, học hỏi các mô hình hay và “nhẵn mặt” ở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội Nông dân tổ chức. Theo ông Ba Quanh: “Để làm giàu, ngoài sự cần cù, phải biết lựa chọn mô hình phù hợp với khả năng, điều kiện của mình và học hỏi sự sáng tạo của người khác để ứng dụng hiệu quả trên mảnh vườn, thửa ruộng của mình”.

Với 14 công đất vườn, ông trồng 1.500 gốc mai vàng xen trong 1.000 gốc mít siêu sớm. Tết rồi, ông vừa bán mai vườn nhà, vừa mua đi bán lại được hơn 70 triệu đồng. Với mỗi công mít cho năng suất khoảng 6 tấn trái/năm. Nếu tính ở mức giá thấp nhất là 10.000 đ/kg, sau khi trừ chi phí (khoảng 4 triệu đồng/công) ông thu lợi nhuận 56 triệu đồng/công/năm.

Để trồng mít đạt hiệu quả, ông luôn hạn chế thấp nhất việc phun, tưới thuốc bảo vệ thực vật, chú trọng sử dụng phân chuồng thay cho phân hữu cơ và thường bơm đất phù sa vào để cây phát triển tốt. Vào thời điểm giá xuống thấp, ông chỉ cho trái thưa để cây nghỉ dưỡng và canh vào thời điểm tháng 7- 8 sẽ cho trái rộ vì giá cao (khoảng 19.000- 20.000 đ/kg).

Ngoài trồng mít, ông còn đứng ra thu mua và cung cấp cho thị trường trên 400 tấn trái/năm. Hàng chủ yếu xuất đi TP Hồ Chí Minh, Cà Mau và Campuchia. Việc kinh doanh của ông chủ yếu gắn với cái “a lô”, nơi nào thu giá cao thì xuất bán nên có thể hoàn toàn chủ động được đầu ra.

Qua đó, giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động. Mới đây, ông còn là người đầu tiên ký tên hiến trên 1 công đất trồng mít đang cho trái để làm đường giao thông nông thôn. Đồng thời, kêu gọi bà con nông dân cùng hỗ trợ cho những hộ gặp khó khăn khi tuyến đường đi qua.

Theo ông Đoàn Hùng Cường- Chủ tịch Hội Nông dân phường Thành Phước: Ông Ba Quanh là một trong những nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh giai đoạn (2011- 2013), là hội viên tích cực trong các phong trào hội, đóng góp vào các nguồn quỹ vận động, hỗ trợ mua giống và kinh nghiệm trồng mít hiệu quả cho nhiều nông dân.


Có thể bạn quan tâm

Nông Dân Dồn Sức Chăm Sóc Trái Cây Bán Tết Nông Dân Dồn Sức Chăm Sóc Trái Cây Bán Tết

Hàng năm, vào những ngày này nông dân trồng cây ăn trái lại dồn sức chăm sóc, bón phân, xử lý vườn cây ăn trái để cung cấp những trái cây chất lượng tốt nhất phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.

25/11/2013
Không Thể Làm Nông Nghiệp Theo Kiểu Không Thể Làm Nông Nghiệp Theo Kiểu "Mạnh Ai Nấy Làm"

Công ty cổ phần phát triển công nghệ sinh học Dona - Techno (TX. Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) là doanh nghiệp đầu tiên trong cả nước áp dụng thành công mô hình sản xuất trái sầu riêng sạch để đưa vào thị trường Mỹ - thị trường rất khó tính với nông sản nhập khẩu. Dona - Techno cũng là đơn vị đầu tiên trong tỉnh mạnh dạn đầu tư thiết kế vùng nguyên liệu sầu riêng lên đến 6 ngàn hécta tại 4 tỉnh: Đồng Nai, Đắk Nông, Lâm Đồng, Đắk Lắk. Gắn bó với Dona - Techno từ những ngày đầu thành lập, ông Nguyễn Phú Cường, Giám đốc công ty, cho biết với áp lực hội nhập ngày một sâu rộng, không thể làm nông nghiệp theo kiểu tư duy “mạnh ai nấy làm”.

25/11/2013
Trồng Dừa Xiêm Trên Đất Mặn Trồng Dừa Xiêm Trên Đất Mặn

Tại các xã Phú Hội, Long Thọ (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) đã phát triển được hơn 20 hécta dừa xiêm lùn. Loại cây này mang lại sức sống mới cho vùng đất nhiễm mặn ven kênh rạch, vốn không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.

25/11/2013
Tỷ Phú Cá Lồng Tỷ Phú Cá Lồng

Ông sinh ra và lớn lên tại vùng biển nghèo khó, thừa cát trắng, thiếu cơm ăn. Nhưng giờ đây, sau bao năm vật lộn với miền gió bụi, cát bay, ông đã trở thành tỷ phú nhờ nuôi cá lồng.

26/11/2013
Không Nuôi Tôm Thẻ Khi Chưa Có Điện Sản Xuất Không Nuôi Tôm Thẻ Khi Chưa Có Điện Sản Xuất

Trước thực trạng khai thác điện sinh hoạt để nuôi tôm thẻ chân trắng, gây hư hỏng nhiều công trình điện hạ thế và các thiết bị điện sinh hoạt của hộ dân, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có cuộc họp với lãnh đạo Sở NN&PTNT, Điện Lực Sóc Trăng, lãnh đạo các huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên, Cù Lao Dung và Tx Vĩnh Châu thống nhất quan điểm chỉ đạo: “Nơi nào không có lưới điện 3 pha thì không nên nuôi tôm thẻ chân trắng”.

26/11/2013