Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Khá Lên Nhờ Tận Dụng Bờ Liếp Trồng Màu

Khá Lên Nhờ Tận Dụng Bờ Liếp Trồng Màu
Ngày đăng: 01/08/2013

Nếu như chỉ nghe giới thiệu, không nhìn tận mắt thì không ai tin trên vùng đất giáp biển như Mỹ Bình, xã Phú Tân, huyện Phú Tân, lại phủ kín hoa màu trong suốt hai mùa mưa nắng.

Vừa chỉ tay về phía bờ đê, ông Nguyễn Hoàng Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Tân, cho hay: “Cả con đê dài 4 km được bà con tận dụng trồng hoa màu, vừa cho thu nhập khá, vừa giữ được thân đê và cảnh quan”.

Ông Lê Văn Sơn là một trong những lão nông đi đầu trong phong trào trồng hoa màu trên đất trống, trên bờ liếp của xứ biển Mỹ Bình.

Ông bộc bạch: Vợ chồng ông phiêu bạt từ xứ Vĩnh Thuận (Kiên Giang) đến vùng đất này lập nghiệp từ năm 1982. Ban đầu gia đình sinh sống bằng nghề nuôi tôm và khai thác huê lợi từ rừng phòng hộ trên diện tích đất 4,5 ha. Sau cơn bão số 5 (năm 1997) gia đình ông có tới 9 nhân khẩu đã chuyển vào khu vực đê biển Tây sinh sống, cuộc sống chủ yếu nhờ vào con tôm, con cá.

Nhờ ý thức được sự nghèo khó, cả nhà chí thú làm ăn. Ông Sơn đã nghĩ ra nguồn thu nhập thứ hai và đến bây giờ là nguồn thu nhập chính của gia đình: trồng hoa màu trên diện tích đất bờ liếp, vuông tôm, thân đê.

Bà Bảnh, vợ ông Sơn, cho biết, mỗi năm, trung bình gia đình trồng 3 vụ rau màu và thêm 1 vụ cải bán vào dịp Tết Nguyên đán. Thương lái thu mua tận nhà với giá ổn định. Trung bình bí, khổ qua có giá từ 5.000-8.000 đồng/kg. Mỗi vụ mùa (3 tháng), gia đình bà thu lãi khoảng 20 triệu đồng. Những lúc cao điểm, có ngày thu nhập 2 triệu đồng. Riêng liếp bí rợ, mỗi ngày bán bông cũng được trên 100.000 đồng.

Học tập từ mô hình của ông Sơn, đến nay cả xóm Mỹ Bình đã phủ xanh hoa màu trên đoạn đê dài 4 km.

Ông Nguyễn Hoàng Khoa cho biết, gia đình ông Sơn bắt đầu trồng màu từ năm 2000. Ban đầu trồng trên diện tích nhỏ, càng về sau ông tận dụng hết diện tích đất sân nhà, bờ vuông, triệt để không còn mảnh đất nào trống. Từ 3-4 năm trước, ông Sơn bắt đầu mở rộng diện tích đất trồng rau màu lên tới hơn 9.000 m2.

Ban đầu việc tưới tiêu rất vất vả, nhất là vào mùa khô. Chính vì thế gia đình đầu tư tiền khoan giếng nước. Có giếng nước, ông Sơn nối ống kéo dài hàng ngàn mét để tưới tiêu. Từ đó, hoa màu nghịch mùa cho thu nhập càng tăng. Mỗi mùa vụ, ông Sơn thu hoạch khoảng 2 tấn bí rợ, hơn 1 tấn khổ qua và hơn 2 tấn dưa leo, lợi nhuận sau khi trừ chi phí hơn 20 triệu đồng.

Từ việc chỉ trông chờ vào nguồn lợi thuỷ sản trên đất rừng phòng hộ, nay những lão nông như ông Sơn ở Mỹ Bình đã khẳng định được sức trù phú của vùng đất mặn. Hơn 30 năm gắn bó với vùng đất biển, gia đình ông đã thoát cảnh nghèo khó và là một trong những hộ có thu nhập cao ở Mỹ Bình.


Có thể bạn quan tâm

Hiệu quả mô hình HTX chăn nuôi và tiêu thụ gà Tiên Yên Hiệu quả mô hình HTX chăn nuôi và tiêu thụ gà Tiên Yên

Để bảo tồn và phát triển giống gà Tiên Yên theo quy mô lớn, UBND huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh đang triển khai xây dựng mô hình HTX chăn nuôi và tiêu thụ gà Tiên Yên.

16/09/2015
Phát triển đàn bò theo hướng Zebu hóa Phát triển đàn bò theo hướng Zebu hóa

Huyện Gio Linh (Quảng Trị) có tổng diện tích đất nông nghiệp là 38.207,38 ha, trong đó, diện tích đất sản xuất nông nghiệp 14.866,44 ha và đất lâm nghiệp 22.838,33 ha.

16/09/2015
Hiệu quả mô hình nuôi gà 6 cựa ở Quảng La Hiệu quả mô hình nuôi gà 6 cựa ở Quảng La

Chăn nuôi gà vốn là một nghề truyền thống của người dân xã Quảng La (Hoành Bồ - Quảng Ninh). Những năm gần đây, được chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật, nhiều gia đình trong xã đã chủ động mở rộng quy môi nuôi thả gà theo hướng hàng hóa

16/09/2015
Bảo hiểm nông nghiệp chiếc phao của nông dân trồng cà phê Bảo hiểm nông nghiệp chiếc phao của nông dân trồng cà phê

Sản xuất nông nghiệp nói chung, cây cà phê nói riêng ở Đắk Lắk đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức do biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán diễn biến ngày càng phức tạp khiến nông sản mất mùa, đẩy người nông dân vào tình thế khó khăn

16/09/2015
Sức hấp dẫn từ cây sắn ở Cam Lộ Quảng Trị Sức hấp dẫn từ cây sắn ở Cam Lộ Quảng Trị

Những ngày đầu tháng 9, đi qua các vùng quê của huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, đặc biệt các xã trung du, gò đồi, chúng tôi đều thấy màu xanh bạt ngàn của cây sắn.

16/09/2015