Khá Lên Nhờ Nuôi Cá Giống

Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở xã Tịnh Thới, thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) thoát nghèo, ổn định cuộc sống nhờ mô hình nuôi cá giống. Một trong những hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu đầu tiên từ mô hình này là gia đình chú Nguyễn Văn Sáu ở ấp Tịnh Mỹ.
Trước đây, gia đình chú Sáu thuộc hộ nghèo, không ruộng đất ở xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh, thu nhập gia đình chủ yếu từ việc làm thuê và buôn bán nhỏ. Năm 1995, được sự chỉ dẫn của bạn bè, chú Sáu hợp đồng với UBND thành phố Cao Lãnh khai thác đất bãi bồi ven sông Tiền trên địa phận ấp Tịnh Mỹ, xã Tịnh Thới để sản xuất. Qua tìm hiểu, học hỏi những mô hình làm ăn hiệu quả từ bạn bè, chú Sáu mạnh dạn vay vốn triển khai mô hình nuôi cá giống với diện tích 5ha đất. Thời gian đầu, chú các loại: cá trê, cá he, cá mè vinh. Tuy khởi đầu chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc cá còn hạn chế dẫn đến tỷ lệ cá hao hụt nhiều nhưng nhờ giá thức ăn và thuốc thú y thấp, đầu ra ổn định nên chú cũng có lời.
Đến năm 2002, chú Sáu có kinh nghiệm hơn trong nghề thì đầu ra cá giống lại bấp bênh, giá lên xuống thất thường, có vụ chú lỗ vài chục triệu đồng. Không nản chí, chú quyết tâm bám nghề. “Nghề nuôi cá giống cũng như những mặt hàng nông sản khác, giá dao động là qui luật của thị trường, điều quan trọng là phải yêu nghề và nắm vững kỹ thuật để nuôi đạt năng suất, dù cá rớt giá cũng không ảnh hưởng lớn đến thu nhập” - chú Sáu nói.
Với quyết tâm gắn bó với nghề nuôi cá giống, năm 2004, chú Sáu tiếp tục hợp đồng khai thác bãi bồi mở rộng diện tích nuôi lên 10ha. Lúc này, chú Sáu sang Tiền Giang bắt cá tra và cá điêu hồng bột về ương. Đây cũng là thời điểm nhu cầu nuôi cá tra xuất khẩu lớn, con giống không đủ cung cấp nhu cầu thị trường, giá cá giống ở mức cao. Nắm bắt thời cơ, chú Sáu thả 10 triệu con giống/vụ (1 triệu con/7.000m2 mặt nước), sau 2,5 - 3 tháng nuôi, kích cỡ con giống bình quân khoảng 2cm/con, bán với giá: cá tra 26.000 đồng/kg, cá điêu hồng 30.000 đồng/kg. Theo chú Sáu, trừ chi phí thức ăn, con giống, thuốc thủy sản,... bình quân 1ha chú thu lãi khoảng 25 triệu đồng/vụ.
Thời gian qua, mặc dù thị trường cá giống có nhiều biến động, nhất là thị trường cá tra nhưng nhờ thực hiện tốt các qui trình kỹ thuật trong chăn nuôi, chủ động thị trường, nhiều năm liền chú Sáu ương cá tra giống được mùa, trúng giá, bình quân 1 năm (3 vụ) với 10ha chú Sáu thu lãi khoảng 500 triệu đồng. Thành công trong sản xuất, chú Sáu nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá giống cho mọi người, sẵn lòng đóng góp giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Có thể bạn quan tâm
25 năm canh tác trên đồng ruộng, sự thạo nghề cộng với việc biết xây dựng kế hoạch cụ thể, nông dân Trần Đức Vĩnh (xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) từng bước làm giàu trên mảnh ruộng của mình. Hàng năm, anh thu về trên 1 tỷ đồng từ gần 300 công đất của mình.

Tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), trong tuần qua, sâu bệnh gây hại chủ yếu tập trung trên diện tích lúa của các tỉnh phía Nam.
Trước nguy cơ người dân đổ xô trồng cây mắc ca tự phát theo phong trào mà chưa có các thông tin đầy đủ về loại cây còn khá mới mẻ này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk vừa có văn bản khuyến cáo việc phát triển cây mắc ca trên địa bàn.

Sau một thời gian mưa dầm kéo dài, hiện Trời bắt đầu có nắng trở lại nên bà con trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đang tranh thủ thu hoạch lúa Hè thu đã quá ngày cắt. Tuy nhiên, điều quan tâm trong lúc này là các thương lái đều hạ giá thu mua lúa của nông dân xuống từ 200 - 300 đồng/kg so với giá đã đặt cọc cách nay khoảng một tuần.

Với xuất phát điểm từ một HTX đầu tư vào huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) chủ yếu là trồng keo lấy gỗ, nhận thấy mảnh đất này giàu tiềm năng cho phát triển các loại dược liệu quý, đến nay HTX Toàn Dân (xã Thanh Lâm, Ba Chẽ) đã phát triển thêm vùng trồng cây ba kích tím. Qua đó, mở hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân trên địa bàn.