Khá Lên Nhờ Cây Dừa Xiêm Đỏ

Nhờ thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, anh Nguyễn Văn Út (ấp Bình Phong, xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) thành công với mô hình trồng dừa xiêm đỏ, mang về nguồn lợi hơn 100 triệu đồng hàng năm cho gia đình.
Ghé thăm vườn dừa xiêm đỏ của anh Út, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt là một vườn dừa bạt ngàn, hút mắt, gần 1 ha với những buồng dừa sai trái, đỏ chót, nằm sát mặt đất, xen lẫn vườn chanh không hạt sai trái.
Anh Út kể cho chúng tôi nghe về quá trình đưa anh đến với cây dừa xiêm đỏ. Trước đây, gia đình anh chủ yếu sống bằng nông nghiệp, trồng cây lúa là chủ yếu. Thế nhưng, trồng lúa chỉ đủ ăn không thể làm giàu được.
Nhiều đêm trăn trở, anh bàn với vợ lên liếp 3 công đất trồng dừa xiêm đỏ, xen canh thêm rau màu, lấy ngắn nuôi dài. Đất không phụ lòng người, dừa lớn nhanh, chỉ sau 20 tháng cho lưỡi mèo và đúng 24 tháng bắt đầu cho thu hoạch.
Thấy dừa xiêm đỏ cho hiệu quả kinh tế cao, anh tiếp tục cải tạo, lên liếp số đất còn lại và trồng hết dừa xiêm đỏ. Tính đến nay, gần 1ha đất lúa của gia đình anh, được thay thế bằng vườn dừa xiêm đỏ. Cứ đến đợt thu hoạch là thương lái tìm đến tận nhà thu mua với giá luôn cao hơn so với những loại dừa khác.
Anh Út cho biết: dừa xiêm đỏ có ưu điểm dễ trồng, cho trái quanh năm, buồng dừa đơm trái nhiều, có buồng trên 30 trái, nước uống ngọt và có hương vị đặc trưng riêng, ít sâu bệnh.... Bình quân 25 ngày anh thu hoạch 1 lần, giá dao động từ 4.000 đồng đến 7.000 đồng/trái, những khi cao điểm lên hơn 10.000 đồng/trái.
Ngoài ra, anh còn tận dụng đất trống trồng xen canh thêm chanh không hạt, vừa tiết kiệm được chi phí chăm sóc, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hàng năm, sau khi trừ các chi phí, vườn dừa xiêm đỏ và chanh không hạt mang về cho anh nguồn lợi hơn 100 triệu đồng, đưa kinh tế gia đình đi vào ổn định.
Là một trong những người khởi nghiệp đầu tiên và hơn 10 năm gắn bó với cây dừa xiêm đỏ, anh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc và bảo vệ vườn dừa. Anh cho rằng, cây dừa xiêm đỏ dễ trồng hơn so với nhiều loại cây ăn trái khác, không tốn nhiều chi phí cho khâu chăm sóc, chủ yếu cung cấp phân đầy đủ, phun thuốc chống bọ dừa, đuông theo định kỳ; đồng thời tiến hành dọn rửa thân, cắt hết mo nang để hạn chế sâu, đuông, bọ làm tổ gây xì mủ, rụng trái...
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế cho gia đình, anh còn định hướng cho bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi cho phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của vùng. Đặc biệt, khuyến khích bà con chuyển đổi các cây trồng kém hiệu quả sang trồng dừa xiêm đỏ bởi cho năng suất cao, chất lượng tốt, thị trường tiêu thụ rộng lớn.
Hiện nay, anh đang tiến hành nhân giống để cùng bà con mở rộng diện tích vườn dừa xiêm đỏ, góp phần cải thiện kinh tế gia đình. Chính sự nhiệt tình, gần gũi, anh luôn được bà con thương yêu, quý mến và tín nhiệm bầu làm Trưởng ấp.
Có thể bạn quan tâm

Thực hiện công tác dập dịch chổi rồng trên nhãn, tính đến nay, người dân các địa phương trong huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) tiếp tục cắt tỉa, phun thuốc đặc trị nhãn bệnh chổi rồng và đã có 330ha/550ha nhãn bị bệnh chổi rồng phục hồi.

Vừa qua, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đã ký văn bản chỉ đạo thực hiện một số giải pháp phòng chống dịch bệnh trên tôm nước lợ để hạn chế dịch bệnh và triển khai có hiệu quả vụ nuôi tôm năm 2013.

Theo thống kê của Ban chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có 28 trận mưa to, kèm theo giông lốc, sấm sét gây thiệt hại về người và tài sản, làm chết 7 người.

Sau một thời gian triển khai, mô hình nuôi vịt sinh sản an toàn sinh học với giống vịt thuần chủng Khaki Campell do Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư (KN-KN) tỉnh Phú Yên thực hiện đã bước đầu mang lại một số kết quả khả quan.

Với khả năng chống chịu bệnh cao, kỹ thuật nuôi đơn giản, thời gian nuôi ngắn, lại cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao nên những năm qua, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh liên tục tăng, hiện đạt 486ha ở ba huyện ven biển Hải Hậu, Giao Thủy và Nghĩa Hưng. Nhiều hộ nuôi đạt năng suất 10 tấn/ha, có hộ đạt 14-15 tấn/ha, cho thu lãi từ 350 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/ha.