Khá Lên Nhờ Cây Dừa Xiêm Đỏ

Nhờ thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, anh Nguyễn Văn Út (ấp Bình Phong, xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) thành công với mô hình trồng dừa xiêm đỏ, mang về nguồn lợi hơn 100 triệu đồng hàng năm cho gia đình.
Ghé thăm vườn dừa xiêm đỏ của anh Út, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt là một vườn dừa bạt ngàn, hút mắt, gần 1 ha với những buồng dừa sai trái, đỏ chót, nằm sát mặt đất, xen lẫn vườn chanh không hạt sai trái.
Anh Út kể cho chúng tôi nghe về quá trình đưa anh đến với cây dừa xiêm đỏ. Trước đây, gia đình anh chủ yếu sống bằng nông nghiệp, trồng cây lúa là chủ yếu. Thế nhưng, trồng lúa chỉ đủ ăn không thể làm giàu được.
Nhiều đêm trăn trở, anh bàn với vợ lên liếp 3 công đất trồng dừa xiêm đỏ, xen canh thêm rau màu, lấy ngắn nuôi dài. Đất không phụ lòng người, dừa lớn nhanh, chỉ sau 20 tháng cho lưỡi mèo và đúng 24 tháng bắt đầu cho thu hoạch.
Thấy dừa xiêm đỏ cho hiệu quả kinh tế cao, anh tiếp tục cải tạo, lên liếp số đất còn lại và trồng hết dừa xiêm đỏ. Tính đến nay, gần 1ha đất lúa của gia đình anh, được thay thế bằng vườn dừa xiêm đỏ. Cứ đến đợt thu hoạch là thương lái tìm đến tận nhà thu mua với giá luôn cao hơn so với những loại dừa khác.
Anh Út cho biết: dừa xiêm đỏ có ưu điểm dễ trồng, cho trái quanh năm, buồng dừa đơm trái nhiều, có buồng trên 30 trái, nước uống ngọt và có hương vị đặc trưng riêng, ít sâu bệnh.... Bình quân 25 ngày anh thu hoạch 1 lần, giá dao động từ 4.000 đồng đến 7.000 đồng/trái, những khi cao điểm lên hơn 10.000 đồng/trái.
Ngoài ra, anh còn tận dụng đất trống trồng xen canh thêm chanh không hạt, vừa tiết kiệm được chi phí chăm sóc, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hàng năm, sau khi trừ các chi phí, vườn dừa xiêm đỏ và chanh không hạt mang về cho anh nguồn lợi hơn 100 triệu đồng, đưa kinh tế gia đình đi vào ổn định.
Là một trong những người khởi nghiệp đầu tiên và hơn 10 năm gắn bó với cây dừa xiêm đỏ, anh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc và bảo vệ vườn dừa. Anh cho rằng, cây dừa xiêm đỏ dễ trồng hơn so với nhiều loại cây ăn trái khác, không tốn nhiều chi phí cho khâu chăm sóc, chủ yếu cung cấp phân đầy đủ, phun thuốc chống bọ dừa, đuông theo định kỳ; đồng thời tiến hành dọn rửa thân, cắt hết mo nang để hạn chế sâu, đuông, bọ làm tổ gây xì mủ, rụng trái...
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế cho gia đình, anh còn định hướng cho bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi cho phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của vùng. Đặc biệt, khuyến khích bà con chuyển đổi các cây trồng kém hiệu quả sang trồng dừa xiêm đỏ bởi cho năng suất cao, chất lượng tốt, thị trường tiêu thụ rộng lớn.
Hiện nay, anh đang tiến hành nhân giống để cùng bà con mở rộng diện tích vườn dừa xiêm đỏ, góp phần cải thiện kinh tế gia đình. Chính sự nhiệt tình, gần gũi, anh luôn được bà con thương yêu, quý mến và tín nhiệm bầu làm Trưởng ấp.
Có thể bạn quan tâm

Anh Huỳnh Văn Vỹ, thuyền trưởng tàu cá BTh-98794TS, 350CV, ngụ tại xã Tam Thanh (Phú Quý) vui vẻ cho biết: “Tàu chúng tôi xuất bến Cảng Phú Quý ngày 29 tháng chạp năm Giáp Ngọ 2014. Đánh bắt xuyên Tết được hơn 6 tấn cá chàm. Khi liên lạc với đất liền, biết giá cá ở Phan Thiết cao hơn ở Phú Quý nên quyết định đưa tàu vào đây. Với giá bán 40.000 đồng/kg, chúng tôi thu về 240 triệu đồng”.

Theo báo cáo và nghiên cứu tại các tỉnh có nuôi cá chạch bùn, trong quá trình nuôi chưa phát hiện các loại bệnh mới. Người dân có thể yên tâm tiếp tục phát triển nuôi cá chạch bùn, tuy nhiên, cần áp dụng theo đúng các quy trình kỹ thuật nuôi và khuyến cáo của các nhà khoa học.

“Khi đặt ra câu hỏi nông nghiệp có là động lực phát triển nền kinh tế Việt Nam trong tương lai hay không? Tôi nghĩ, chắc chắn, nó phải là động lực phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên, hiện nay, chính sách nông nghiệp chưa đủ độ vương để nông nghiệp trở thành động lực cho sự phát triển của nền kinh tế”.

Sau Tết Nguyên đán là thời điểm bà con nông dân chuẩn bị tái đàn chăn thả lứa lợn, gà mới. Trung tâm Khuyến nông Hà Nội khuyến cáo, trước khi chăn nuôi lứa mới, bà con cần vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chuồng trại, đảm bảo tiêu diệt mầm bệnh, giữ cho đàn vật nuôi khỏe mạnh.

Đến nay, các đối tượng trên không có biểu hiện hội chứng cúm trên người. Hiện nay, công tác phòng chống dịch bệnh cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm đang được các địa phương ở tỉnh Tiền Giang quan tâm thực hiện. Trong đó chú trọng công tác vệ sinh phòng bệnh, tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức phòng bệnh.