Khá Lên Nhờ Cây Dừa Xiêm Đỏ

Nhờ thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, anh Nguyễn Văn Út (ấp Bình Phong, xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) thành công với mô hình trồng dừa xiêm đỏ, mang về nguồn lợi hơn 100 triệu đồng hàng năm cho gia đình.
Ghé thăm vườn dừa xiêm đỏ của anh Út, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt là một vườn dừa bạt ngàn, hút mắt, gần 1 ha với những buồng dừa sai trái, đỏ chót, nằm sát mặt đất, xen lẫn vườn chanh không hạt sai trái.
Anh Út kể cho chúng tôi nghe về quá trình đưa anh đến với cây dừa xiêm đỏ. Trước đây, gia đình anh chủ yếu sống bằng nông nghiệp, trồng cây lúa là chủ yếu. Thế nhưng, trồng lúa chỉ đủ ăn không thể làm giàu được.
Nhiều đêm trăn trở, anh bàn với vợ lên liếp 3 công đất trồng dừa xiêm đỏ, xen canh thêm rau màu, lấy ngắn nuôi dài. Đất không phụ lòng người, dừa lớn nhanh, chỉ sau 20 tháng cho lưỡi mèo và đúng 24 tháng bắt đầu cho thu hoạch.
Thấy dừa xiêm đỏ cho hiệu quả kinh tế cao, anh tiếp tục cải tạo, lên liếp số đất còn lại và trồng hết dừa xiêm đỏ. Tính đến nay, gần 1ha đất lúa của gia đình anh, được thay thế bằng vườn dừa xiêm đỏ. Cứ đến đợt thu hoạch là thương lái tìm đến tận nhà thu mua với giá luôn cao hơn so với những loại dừa khác.
Anh Út cho biết: dừa xiêm đỏ có ưu điểm dễ trồng, cho trái quanh năm, buồng dừa đơm trái nhiều, có buồng trên 30 trái, nước uống ngọt và có hương vị đặc trưng riêng, ít sâu bệnh.... Bình quân 25 ngày anh thu hoạch 1 lần, giá dao động từ 4.000 đồng đến 7.000 đồng/trái, những khi cao điểm lên hơn 10.000 đồng/trái.
Ngoài ra, anh còn tận dụng đất trống trồng xen canh thêm chanh không hạt, vừa tiết kiệm được chi phí chăm sóc, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hàng năm, sau khi trừ các chi phí, vườn dừa xiêm đỏ và chanh không hạt mang về cho anh nguồn lợi hơn 100 triệu đồng, đưa kinh tế gia đình đi vào ổn định.
Là một trong những người khởi nghiệp đầu tiên và hơn 10 năm gắn bó với cây dừa xiêm đỏ, anh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc và bảo vệ vườn dừa. Anh cho rằng, cây dừa xiêm đỏ dễ trồng hơn so với nhiều loại cây ăn trái khác, không tốn nhiều chi phí cho khâu chăm sóc, chủ yếu cung cấp phân đầy đủ, phun thuốc chống bọ dừa, đuông theo định kỳ; đồng thời tiến hành dọn rửa thân, cắt hết mo nang để hạn chế sâu, đuông, bọ làm tổ gây xì mủ, rụng trái...
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế cho gia đình, anh còn định hướng cho bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi cho phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của vùng. Đặc biệt, khuyến khích bà con chuyển đổi các cây trồng kém hiệu quả sang trồng dừa xiêm đỏ bởi cho năng suất cao, chất lượng tốt, thị trường tiêu thụ rộng lớn.
Hiện nay, anh đang tiến hành nhân giống để cùng bà con mở rộng diện tích vườn dừa xiêm đỏ, góp phần cải thiện kinh tế gia đình. Chính sự nhiệt tình, gần gũi, anh luôn được bà con thương yêu, quý mến và tín nhiệm bầu làm Trưởng ấp.
Có thể bạn quan tâm

Được chứng kiến những việc làm ý nghĩa của ông Hoàng Văn Lân - Chủ tịch Hội ND xã Thiệu Trung (huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa), chúng tôi mới hiểu vì sao ông được ND nơi đây quý mến.

Chị Lê Kim Phụng, ngụ ấp Bình Phú 2, xã Bình Hòa, huyện Châu Thành là một trong những người theo nghề nuôi cút đầu tiên ở xã. Sau 7 năm gầy dựng thành đàn và mở rộng quy mô, cộng với học tập từ những điểm sản xuất giống và các lớp kỹ thuật của Hội Nông dân tổ chức, đến nay, chị đã làm chủ trại cút trên 100 chuồng với 16.000 con, đem lại nguồn thu nhập hàng tháng hơn 15 triệu đồng.

Mấy ngày nay, vùng nuôi tôm hùm ở xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu tôm bị chết hàng loạt. Theo nhận định ban đầu của cơ quan chức năng, có khả năng nguyên nhân gây ra tình trạng trên là vì ảnh hưởng bởi thủy triều đỏ

Bạc Liêu đã triển khai thí điểm bảo hiểm (BH) trên tôm nuôi tại 3 huyện, thành phố. Tuy nhiên, loại hình BH mới này thật sự chưa được người nuôi tôm và cả doanh nghiệp (DN) mặn mà. Nguyên nhân chính là sản xuất nhỏ lẻ và những rủi ro vốn dĩ quá phức tạp của “nghề bà cậu” này...

Hàng nghìn hộ dân ở 9 xã thuộc huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) đang lao đao vì Công ty TNHH Phát triển công nghệ cao Phương Lam, địa chỉ quốc lộ 37A, xã Ninh Thành, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương thu mua hàng nghìn tấn khoai tây vụ đông xuân gần 4 tháng nay chưa thanh toán tiền trả cho nhân dân.